Không giảm nghèo vì thành tích

Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến việc xây dựng và triển khai các chính sách giảm nghèo, nhằm giúp người dân thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, thời gian tới, nhằm tăng cường hiệu quả của công tác giảm nghèo, bảo đảm đưa chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, sẽ có nhiều thay đổi trong việc xác định hộ nghèo, triển khai chính sách hỗ trợ hộ nghèo...

Tìm hướng thoát nghèo bền vững

Theo Văn phòng quốc gia về giảm nghèo, trên cở sở Nghị quyết 80/NQ-CP, các chính sách giảm nghèo đã tiếp tục được Nhà nước bố trí kinh phí thực hiện. Đối với chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo, từ năm 2011 - 2013, ngân sách đã chi hơn 36.300 tỷ đồng để hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, hộ cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Trong năm 2014, ngân sách đã bố trí hơn 12.800 tỷ đồng mua thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng trên. Về giáo dục, mỗi năm ngân sách bố trí trên 7.000 tỷ đồng thực hiện miễn giảm học phí cho học sinh nghèo, trợ cấp học bổng cho học sinh dân tộc thiểu số. Trong 3 năm (2011 - 2013) đã có khoảng 200.000 lao động nghèo được đào tạo nghề miễn phí gắn với việc làm và có gần 9.000 lao động ở các huyện nghèo được đi xuất khẩu lao động. Nguồn ngân sách bố trí từ năm 2011 đến nay cho dạy nghề và xuất khẩu lao động là 3.870 tỷ đồng... Bên cạnh đó, trong ba năm 2011 - 2013, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện cho vay vốn đối với hộ nghèo để phát triển sản xuất, với doanh số trên 36.100 tỷ đồng...

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Quảng Bình đã chi hơn 10,5 tỷ đồng triển khai dạy nghề cho lao động nông thôn, với gần 8.400 học viên được đào tạo nghề, góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình. Trong ảnh: Lớp dạy nghề lao động nông thôn về chăn nuôi gà tại huyện Bố Trạch. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN


Theo ông Ngô Trường Thi, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo, các chính sách trên đã hỗ trợ tích cực cho người dân vươn lên thoát nghèo. Đồng thời với đó, các chương trình 30a, chương trình 135... được triển khai đã góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất, giúp các hộ có điều kiện về nguồn lực, kỹ thuật để tăng thêm thu nhập, hệ thống cơ sở hạ tầng được cải thiện, nhất là cơ sở về y tế, giáo dục đào tạo. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua các năm, bình quân cả nước giảm 2%; các huyện, xã nghèo giảm trên 5%. Hiện nay số hộ nghèo bình quân trên cả nước khoảng 7%.

Bên cạnh những nỗ lực trên, cũng còn tồn tại những hạn chế. Dù hộ nghèo giảm nhanh, nhưng mức sống của hộ nghèo và cận nghèo không có sự khác biệt đáng kể, nguy cơ tái nghèo cao. “Theo đánh giá, cứ 3 hộ thoát nghèo, thì 1 hộ có nguy cơ tái nghèo. Nguyên nhân do tách hộ và thoát nghèo chưa bền vững. Bên cạnh đó, sự chênh lệch giàu - nghèo có xu hướng gia tăng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hệ số chênh lệch giàu nghèo tăng từ 8,1% (năm 2002) lên 9,4% (năm 2012) và tiếp tục tăng trong thời gian tới”, ông Ngô Trường Thi nhận định.

Điểm đáng chú ý, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), vùng sâu, vùng khó khăn còn cao, chiếm gần 50% số hộ nghèo cả nước và có khoảng 900.000 hộ cận nghèo (chiếm khoảng 60% số hộ cận nghèo cả nước). “Qua kiểm tra, giám sát, các địa phương đều cho rằng do có quá nhiều chính sách, nên nguồn lực bị phân tán, hiệu quả tác động đến đối tượng thụ hưởng chưa rõ nét, gây khó khăn cho địa phương. Chính vì vậy để chính sách giảm nghèo có hiệu quả, trong giai đoạn tới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất tích hợp các chính sách liên quan đến giảm nghèo. Đơn cử như chương trình hỗ trợ sản xuất tích hợp từ các chương trình 30a, 135; lĩnh vực giáo dục có tới 3 quyết định liên quan hỗ trợ bán trú sẽ tích hợp lại là một chính sách... Có như vậy, mới tập trung nguồn lực hỗ trợ cho người dân”, ông Ngô Trường Thi cho biết.

Tiếp cận nghèo đa chiều

Để giảm nghèo bền vững và cũng tránh chạy theo bệnh thành tích, hiện Bộ LĐTBXH xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu và tiếp cận các dịch vụ cơ bản. “Cách tiếp cận nghèo đa chiều ở Việt Nam tới đây dựa theo những quyền cơ bản của con người, đã được luật pháp quy định. Cách tiếp cận này khác với cách tiếp cận đơn chiều, coi thu nhập bằng tiền là tiêu chí duy nhất. Sẽ có 5 chiều sẽ được đánh giá lần này, gồm: Giáo dục, y tế, nhà ở, tiếp cận thông tin, bảo hiểm - trợ giúp xã hội. Phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều này sẽ giúp đánh giá chính xác hơn tỷ lệ hộ nghèo và phân loại được các đối tượng nghèo, nguyên nhân nghèo, để từ đó có chính sách hỗ trợ tương ứng. Phương pháp tiếp cận này đang thử nghiệm và cần hoàn thiện hơn để đánh giá chính xác hộ nghèo và phương pháp thống kê, cũng được đơn giản hóa để triển khai trên toàn quốc thuận lợi hơn”, ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết.

Theo ông Nguyễn Trọng Đàm,Thứ trưởng Bộ LĐTBXH: Đối với tình trạng “bình bầu” hộ nghèo, “nghèo luân phiên” như báo chí phản ánh cho thấy một số địa phương vẫn chạy theo thành tích. Những hộ giảm nghèo được bình xét như vậy sẽ không bền vững. Do đó, các tỉnh, huyện thường xuyên đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ xã, thôn bản để thực hiện theo đúng quy định Nhà nước; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát phát hiện và xử lý nghiêm những sai phạm. Về phía Bộ LĐTBXH cũng đã có Thông tư bổ xung đối tượng bị rủi ro thiên tai được hưởng chính sách hộ nghèo và những đối tượng mất sức lao động hưởng chính sách bảo trợ xã hội, tránh tình trạng tiêu cực bình xét hộ nghèo theo chỉ tiêu. Bên cạnh đó, trong giai đoạn thực hiện mục tiêu giảm nghèo 2016 - 2020, Bộ LĐTBXH đề xuất hạn chế chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách cho vay có điều kiện. Đối với hộ cận nghèo sẽ tập trung vào chính sách hỗ trợ tín dụng và bảo hiểm y tế.

Phương pháp đánh giá tình trạng nghèo đa chiều cũng giúp theo dõi tiến trình giảm nghèo và đánh giá tác động của các chính sách giảm nghèo và phát triển xã hội qua thời gian giữa các vùng, các nhóm dân cư để điều chỉnh cho phù hợp. “Đơn cử như người nghèo do thiếu đất sản xuất, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ đất sản xuất và phấn đấu đến năm 2020 có 80% đồng bào dân tộc sẽ có đất sản xuất hoặc chuyển đổi nghề phù hợp”, ông Ngô Trường Thi dẫn chứng.

Hiện phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều được tiến hành điều tra thử nghiệm tại 4 quận huyện tại TP Hồ Chí Minh, với sự hỗ trợ của Tổ chức UNDP, dự kiến sẽ công bố kết quả vào cuối tháng 10/2014. Trên cơ sở thí điểm, các đơn vị hữu quan sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách; trong đó có nội dung xây dựng hệ thống thông tin về chính sách, đối tượng nghèo, cận nghèo từ Trung ương đến địa phương.

"Hoạt động điều tra, rà soát hộ nghèo theo phương pháp đa chiều sẽ được tiến hành đầu kỳ kế hoạch, giữa kỳ và đánh giá cuối kỳ, thay cho đánh giá hàng năm như hiện nay. Dự kiến việc tổng rà soát hộ nghèo theo phương pháp này sẽ triển khai vào năm 2015, đánh giá giữa kỳ vào năm 2017, cuối kỳ vào năm 2019. Số hộ nghèo phát sinh sẽ được cập nhật, bổ sung vào danh sách hộ nghèo thông qua đăng ký, thẩm định, xét duyệt. Đơn vị công bố tỷ lệ hộ nghèo là Tổng cục Thống kê dựa trên chuẩn nghèo và chỉ số tiêu dùng hàng năm. Bộ LĐTBXH chỉ quản lý đối tượng giảm nghèo và chính sách sẽ tập trung vào những đối tượng khó khăn nhất”, ông Thi khẳng đinh.

Xuân Cường



“Nới rộng” chính sách, bảo đảm thoát nghèo bền vững
“Nới rộng” chính sách, bảo đảm thoát nghèo bền vững

Việc bình xét hộ nghèo, xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều; chính sách giúp thoát nghèo bền vững... là những vấn đề được nhiều cán bộ, cũng như người dân ở các địa phương quan tâm, gửi đến Bộ trưởng Bộ trưởng Lao động - Thương binh & Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN