Khơi thông hơn 600.000 m3 đất đắp còn thiếu tại cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây 

Trao đổi với phóng viên TTXVN, lãnh đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, ngay sau khi UBND tỉnh Đồng Nai ký văn bản chấp thuận gia hạn với 4 mỏ đất phục vụ xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Ban Quản lý dự án Thăng Long đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị nhà thầu triển khai các công việc tiếp theo để có thể khai thác đất ngay phục vụ dự án.

Chú thích ảnh
Các phương tiện tham gia lu nền đường tại gói thầu số 4, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh tư liệu: Công Phong/TTXVN

Cụ thể, Phó Giám đốc Phạm Thanh  Bình, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long đã ký văn bản 1080/BQLDATL-VPPTDG gửi UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, trên cơ sở kiến nghị của Ban điều hành Liên danh Vinaconex - Trung Chính và đồng thời để bảo đảm tiến độ đưa tuyến chính cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây vào khai thác ngày 30/4/2023, Ban Quản lý dự án Thăng Long kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai cho phép nhà thầu được tiếp tục thực hiện cải tạo cote (cao độ) nền ngay tại các vị trí nhà thầu đề xuất gia hạn để lấy vật liệu đất dôi dư thi công phục vụ dự án trong thời gian chờ thủ tục gia hạn của các cơ quan có thẩm quyền.

"Các nhà thầu cam kết thực hiện việc lấy đất dôi dư từ dự án cải tạo hạ cote nền chỉ phục vụ thi công xây dựng đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây", lãnh đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long khẳng định.

Tại văn bản số 2748/UBND-KTN do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi ký ngày 27/3/2023 chỉ đạo Sở Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trưởng, Sở Giao thông Vận tải, UBND các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Ban Quản lý dự án Thăng Long nghiên cứu ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ tại các văn bản liên quan, xác định khối lượng cần thiết phục vụ dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và khối lượng còn lại của 4 mỏ đất.

"Căn cứ thời gian tiến độ thực hiện dự án của Bộ Giao thông vận tải, xác định thời gian, khối lượng thực hiện của từng dự án. Trách nhiệm của nhà thầu và các cơ quan có liên quan, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định", văn bản của UBND tỉnh Đồng Nai nêu rõ.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 1951/VPCP-CN truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải quyết vướng mắc trong cung cấp vật liệu san lấp tại dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện như đề xuất của Thanh tra Chính phủ cho phép tiếp tục giải quyết việc cung cấp vật liệu san lấp, không để ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị xem xét cho Đồng Nai tiếp tục gia hạn 4 vị trí hạ cốt nền cải tạo đất nông nghiệp ở các huyện Cẩm Mỹ và Xuân Lộc đã cấp cho dự án hành phần cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 (giai đoạn 1).

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km đi qua hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai. Theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải, cao tốc này sẽ thông xe dịp cuối tháng 4/2023. Theo tính toán cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây còn thiếu khoảng 620.000 m3 đất đắp, tập trung tại các vị trí đường gom dân sinh, đường hai đầu cầu… tại 2 gói thầu XL-03, XL-04 qua Đồng Nai.

Thông tin về tiến độ dự án trên công trường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long cho hay, toàn tuyến dài hàng trăm cây số đang được các nhà thầu bố trí nhiều mũi thi công để hoàn thiện các hạng mục. Trên toàn tuyến, về cơ bản các nhà thầu đã hoàn thành thảm xong lớp bê tông nhựa C12.5.

Tuy nhiên, khác với các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1, dự án Phan Thiết – Dầu Giây là dự án duy nhất được cho phép khai thác 120 km/h với 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp. Vì vậy, các nhà thầu đang phải gấp rút thảm lớp tạo nhám (lớp trên cùng) để đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông.

Với 4 gói thầu của dự án, hiện gói XL-03, XL-04 khối lượng đầu việc trên tuyến chính phải hoàn thành còn ít khi nhiều đoạn tuyết đang tiến hành sơn kẻ vạch đường, hoàn thành xong các hạng mục an toàn, lưới hàng rào. Trong khi đó, gói XL-01, XL-02 nhiều hạng mục trên tuyến chính vẫn đang dang dở.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, thời gian chỉ còn khoảng 1 tháng nếu các nhà thầu không quyết liệu hơn nữa, đặc biệt là phải hoàn thành xong hạng mục thảm bê tông nhựa toàn tuyến trước ngày 15/4 tới sau đó là hoàn thành các hạng mục khác như an toàn giao thông thì mốc tiến độ đưa tuyến chính vào khai thác ngày 30/4/2023 sẽ gặp khó khăn.

Ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, tiến độ dự án Phan Thiết – Dầu Giây đang được kiểm soát chặt chẽ từng ngày. Mục tiêu hoàn thành đưa vào khai thác dịp 30/4/2023 vẫn không thay đổi. Nếu đến ngày 30/4, gói thầu nào chưa hoàn thành, Bộ Giao thông Vận tải sẽ xem xét lại hợp đồng với nhà thầu để có những biện pháp xử lý theo quy định (huỷ hợp đồng với các nhà thầu này tại các dự án khác do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư; không cho tham gia các dự án của Bộ Giao thông Vận tải trong thời gian từ 3 - 5 năm).

Quang Toàn (TTXVN)
Gỡ vướng vật liệu đất đắp cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây
Gỡ vướng vật liệu đất đắp cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 1951/VPCP-CN gửi Bộ Giao thông Vận tải, Thanh tra Chính phủ và UBND tỉnh Đồng Nai truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về giải quyết vướng mắc vật liệu san lấp dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN