Khôi phục vùng nguyên liệu mía ở Tuyên Quang

Nhằm phát huy lợi thế là một trong những cây trồng chủ lực, tỉnh Tuyên Quang đang thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ người trồng mía, nhằm khôi phục vùng nguyên liệu mía phục vụ sản xuất cho Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương, đưa cây mía trở thành cây trồng chính và đóng vai trò quan trọng trong chương trình xóa đói giảm nghèo nâng cao đời sống cho các hộ dân miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Tuyên Quang.

Chú thích ảnh
Người dân xã Kháng Nhật (Sơn Dương, Sơn La) chăm sóc mía.

Đã có thời điểm diện tích trồng mía của xã Chi Thiết, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang lên tới trên 150 ha và cây mía trở thành cây chủ lực trong công tác xóa đói, giảm nghèo của địa phương này. Nhưng một vài năm trở lại đây, diện tích mía của xã Chi Thiết liên tục bị thu hẹp bởi người dân bỏ cây mía để trồng những loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn khiến diện tích trồng mía của xã chỉ còn 7 ha vào năm 2020. Niên vụ 2022 - 2023, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương áp dụng những chính sách hỗ trợ tốt hơn đối với người trồng mía đã giúp diện tích mía của xã đạt trên 22 ha.

Sau 3 năm bỏ cây mía để trồng các loại cây trồng khác, đến niên vụ 2022 - 2023, gia đình ông Vũ Văn Tuyên, thôn Cờ Dương, xã Chi Thiết đã trồng mía trở lại với diện tích hơn 1 ha đất soi bãi của gia đình.

Ông Vũ Văn Tuyên cho biết, thu nhập từ cây mía tuy không cao hơn những cây trồng khác nhưng có đầu ra ổn định. Niên vụ năm nay, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương áp dụng những chính sách mới như hỗ trợ tiền chuyển đổi cây trồng, hỗ trợ làm đất, phân bón, hỗ trợ giống, hỗ trợ vận chuyển mía về nhà máy và cam kết thu mua mía nguyên liệu với giá cao nên gia đình đã bỏ cây sắn quay trở lại trồng mía.

Gắn bó với cây mía từ năm 1998 đến nay, mặc dù có những thời điểm ngành mía đường gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng mía nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Thạch, thôn Gốc Lát, xã Chi Thiết, huyện Sơn Dương vẫn duy trì trồng mía trên diện tích hơn 1,3 ha suốt 25 năm qua.

Ông Thạch chia sẻ, hơn chục năm trước khi Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương kinh doanh thuận lợi, nhờ trồng mía gia đình ông xây được nhà kiên cố, con cái được đi học đàng hoàng, cuộc sống ngày càng ổn định thế nên ông xác định gắn bó với cây mía lâu dài. Niên vụ 2022 - 2023 gia đình ông có hơn 1,3 ha mía lưu gốc năm thứ 3, sản lượng dự kiến đạt trên 80 tấn, trừ hết chi phí dự kiến cho thu lãi khoảng 50 triệu đồng.

Ông Trần Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Chi Thiết, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang cho biết, năm 1998 khi Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương được thành lập, cây mía được người dân trong xã đưa vào trồng đại trà. Do phù hợp với thổ nhưỡng chất đất của địa phương, mía phát triển tốt, năng suất cao nên diện tích mía ngày càng được mở rộng. Thời điểm năm 2015 toàn xã có khoảng 150 ha mía, trở thành cây trồng chủ lực, xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Nhưng từ năm 2017 giá cả thu mua mía giảm kéo theo đó diện tích trồng mía cũng giảm theo.

Để phục hồi diện tích mía nguyên liệu, UBND xã Chi Thiết  đã phối hợp với Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương thực hiện một số giải pháp; trong đó thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với người trồng mía, thay đổi cơ cấu cây giống có năng suất cao vào sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

Bên cạnh đó, thực hiện chi trả tiền thu mua mía kịp thời cho người trồng mía để khuyến khích người trồng mía ổn định diện tích hiện có và mở rộng diện tích trồng mới hằng năm… Đến nay, xã đã có hơn 22 ha mía, tăng hơn 10 ha so với niên vụ trước.

Ông Ngụy Như Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương cho biết, để duy trì ổn định và mở rộng diện tích mía nguyên liệu, giải pháp có tính lâu dài và bền vững được đơn vị đưa ra là củng cố chuỗi liên kết với nông dân một cách đồng bộ từ quy hoạch, sản xuất, tiêu thụ.

Đơn vị đã và đang triển khai nhiều chính sách khuyến khích người trồng mía như: tăng giá thu mua; tăng định mức đầu tư với diện tích mía trồng mới, trồng lại là 35 triệu đồng/ha và 20 triệu đồng với mía lưu gốc; hỗ trợ chuyển đổi từ đất trồng cây hàng năm khác sang trồng mía là 3 triệu đồng/ha; chuyển đổi từ đất đang trồng cây lâu năm sang trồng mía là 5 triệu đồng/ha. Công ty cũng đang duy trì 11 máy làm đất hỗ trợ bà con vùng nguyên liệu. Với những vùng điều kiện, địa hình không phù hợp, công ty sẽ hỗ trợ 5 triệu đồng/ha để đầu tư làm đất.

Bên cạnh đó, giá thu mua mía cũng được điều chỉnh. Theo đó, vụ thu hoạch mía năm 2022 - 2023 giá thu mua mía nguyên liệu là 1.030.000 đồng/tấn; giá mía giống dao động từ 1.160.000 - 1.350.000 đồng/tấn. Từ niên vụ 2023 - 2025 giá mía nguyên liệu sẽ tăng lên 1.150.000 đồng/tấn; giá mía giống dao động từ 1.280.000 - 1.350.000 đồng/tấn.

Ngoài các chính sách ưu đãi thu hút người trồng mía của doanh nghiệp, ngành nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang cũng  phối hợp với các địa phương  vận động nông dân trồng mía theo diện tích đã quy hoạch, hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình kỹ thuật trồng mía phù hợp với điều kiện canh tác ở từng vùng, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, cải thiện giống mía, quy trình canh tác và sử dụng phân bón hợp lý, hiệu quả theo hướng giảm các loại phân vô cơ, tăng các loại phân hữu cơ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng mía…

Niên vụ 2022 - 2023 toàn tỉnh Tuyên Quang trồng mới được 322 ha mía, trồng lại được 256 ha và hơn 1.700 ha mía lưu gốc. Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025, vùng nguyên liệu mía toàn tỉnh ổn định ở mức 2.500 ha, năng suất mía bình quân toàn tỉnh đạt 90 tấn/ha, sản lượng 224.900 tấn/năm…

Bài, ảnh: Quang Cường (TTXVN)
Giá tăng, nông dân trồng mía Sóc Trăng có lợi nhuận cao
Giá tăng, nông dân trồng mía Sóc Trăng có lợi nhuận cao

Nông dân trên địa bàn huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng), địa phương có diện tích trồng mía lớn nhất của tỉnh Sóc Trăng đang bước vào giai đoạn thu hoạch vụ mía chính vụ 2022 - 2023. Hiện nông dân đang phấn khởi về giá bán, năng  suất và tiêu thụ thuận lợi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN