Khởi nghiệp trên vùng đất sen hồng Đồng Tháp - Bài 2: Khởi nghiệp không chạy theo phong trào

Ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, chính quyền địa phương xác định, thúc đẩy “khởi nghiệp" trên nền tảng đổi mới, sáng tạo là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của cả hệ thống chính trị.

Khởi nghiệp không chỉ là chuyện của doanh nghiệp mà là chuyện của địa phương theo phương châm "bước qua rào cản tư duy nhiệm kỳ, chính quyền các cấp cần là cầu nối để đồng hành cùng các dự án khởi nghiệp".

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Dương cũng khẳng định, xây dựng địa phương khởi nghiệp không có nghĩa là Đồng Tháp chạy theo phong trào mà sẽ hướng tới phát triển chiều sâu, căn bản, tạo tính phát triển bền vững, khuyến khích sáng tạo phù hợp với thực tế.

Là thế hệ trẻ giàu sức sáng tạo, lực lượng thanh niên chiếm tỷ lệ đông đảo trong con đường khởi nghiệp tại vùng đất sen hồng, phát huy vai trò chủ thể của thanh niên trong việc "lập thân - lập nghiệp", Tỉnh Đoàn Đồng Tháp đã triển khai một số nội dung hỗ trợ như: thành lập các câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp, thanh niên làm kinh tế, tổ hợp tác; tìm kiếm ý tưởng kinh doanh áp dụng vào cuộc sống, tuyên dương những thanh niên kinh doanh giỏi, tổ chức cuộc thi dự án khởi nghiệp,...

Đến nay, các cấp bộ Đoàn - Hội trong toàn tỉnh đã thành lập và duy trì hoạt động có hiệu quả 8 câu lạc bộ khởi nghiệp cấp huyện; 2 câu lạc bộ Sáng tạo khởi nghiệp tỉnh và thanh niên với đặc sản Đồng Tháp; 162 câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế; 210 tổ hợp tác, 1 hợp tác xã thanh niên, 1 trang trại thanh niên thu hút với số vốn trên 20 tỷ đồng. Qua đó, thu hút được gần 3.000 đoàn viên, thanh niên có mô hình, dự án, quan tâm đến vấn đề khởi nghiệp tham gia.

Bí thư Tỉnh Đoàn Nguyễn Văn Vũ Minh cho biết, tháng 10/2017, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã tổ chức ra mắt và đưa vào hoạt động Phòng hỗ trợ khởi nghiệp tại Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh với 5 chức năng chính: Huấn luyện – đào tạo; Không gian làm việc chung; Thư viện sách khởi nghiệp; Trung tâm trưng bày sản phẩm và kêu gọi đầu tư; Kết nối các nhà đầu tư - người khởi nghiệp thu hút đông đảo thanh niên khởi nghiệp đến tham quan, sinh hoạt, trao đổi.

Không chỉ trao cơ hội cho thanh niên khởi nghiệp, Tỉnh Đoàn Đồng Tháp còn đồng hành trên bước đường khởi nghiệp của thanh niên. Tỉnh đoàn cũng như Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh đã có rất nhiều chương trình, chính sách khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên, nhất là nguồn vốn. Đây là điều kiện tiên quyết để hiện thực hoá một ý tưởng. Với tinh thần đó, thời gian qua, Tỉnh đoàn đã giải ngân có hiệu quả cho 21 dự án và trên 200 thanh niên có vốn sản xuất, kinh doanh, học tập… từ nguồn vốn Trung ương Đoàn.

Tiếp nhận nguồn vốn 240 triệu đồng từ Đề án quỹ quốc gia giải quyết việc làm cho thanh niên, anh Nguyễn Hữu Dư ở huyện Lai Vung cho biết, thất bại từ cây huệ trắng, nhưng nhờ nguồn vốn hỗ trợ nên có thể khôi phục và phát triển lại kinh tế gia đình từ mô hình trồng thanh long ruột đỏ. Đến nay, với hơn 4 ha trồng thanh long, thu nhập anh Dư mỗi năm ước đạt khoảng 1,3 tỷ đồng.

Tháng 3/2018, Uỷ ban nhân dân tỉnh ra mắt Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Bà Phạm Thị Ngọc Đào - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm Trung tâm cho biết, đây là nơi hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp trên địa bàn; huy động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp; hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước gia nhập thị trường, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh,...

Trước đó, tháng 5/2017, tỉnh đã hợp tác với Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF) để hỗ trợ các start up tại Đồng Tháp với ba hoạt động cốt lõi là khơi dậy đam mê khởi nghiệp bằng các hoạt động cộng đồng, tổ chức các khóa đào tạo về kỹ năng khởi nghiệp kinh doanh, kết nối startup với thị trường đầu vào và đầu ra nhằm tạo quan hệ cho các dự án.

Trong thời gian tới, SVF và tỉnh sẽ xây dựng các chương trình nhằm gia tăng số lượng và chất lượng cố vấn khởi nghiệp. Qua đó, xây dựng mối liên kết hữu cơ, bền chặt để dẫn dắt cộng đồng doanh nghiệp tỉnh, khơi gợi tinh thần xã hội của doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp mới bắt đầu khởi nghiệp, hướng tới việc tối ưu hóa nguồn lực nội tại của địa phương.

Bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao nhận xét, muốn khởi nghiệp phải dám đối đối mặt với hai từ "thất bại", phải kiên trì và có quyết tâm. Bằng những nỗ lực của mình, thời gian qua, Đồng Tháp đã tạo ra nhiều tín hiệu vui trong khởi nghiệp, trở thành một trong những địa phương đi đầu về kiến tạo môi trường khởi nghiệp; từng bước hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp phù hợp với bản sắc địa phương.

Start up thực tế không màu hồng như tưởng tượng. Khởi nghiệp càng không phải một cuộc chơi. Câu chuyện "khởi sự lập nghiệp" tạo dựng "địa phương khởi nghiệp" là cả một quá trình. Làm sao tạo ra sự lan toả nhưng đảm bảo tính kết nối các nguồn lực trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đảm bảo dự án khởi nghiệp không phải "lủi thủi", “đơn thương độc mã” trên thương trường, đó chính là định hướng phát triển chiều sâu mà Đồng Tháp đã và đang thực hiện.

Chương Đài (TTXVN)
Đồng Tháp: Khai mạc Lễ hội văn hóa xuân “Cá hoá rồng - Sen hồng toả sắc”

Đón mừng xuân Nhâm Thìn, lúc 20 giờ ngày 22/1 tại công viên Văn Miếu TP Cao Lãnh ( trung tâm tỉnh lỵ tỉnh Đồng Tháp) TP Cao Lãnh tưng bừng khai mạc Lễ hội xuân “Cá hoá rồng - Sen hồng toả sắc”

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN