Khó khăn di dời trụ sở các bộ, ngành ra khỏi nội đô

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa có báo cáo gửi đại biểu Quốc hội về một số vấn đề chuẩn bị cho phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Thiếu vốn

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ đã rà soát 36 cơ quan, gồm: 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ, 6 cơ quan đoàn thể Trung ương để xây dựng các phương án quy hoạch. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương bố trí hệ thống trụ sở bộ, ngành theo đề xuất của Bộ Xây dựng về việc phát triển quỹ đất tại khu vực Tây Hồ Tây rộng khoảng 35 ha và một phần tại khu vực Mễ Trì để di dời.

Chú thích ảnh
Trụ sở Bộ Xây dựng.

Cụ thể, nhóm cơ quan đã xây dựng trụ sở tại vị trí mới và cải tạo chỉnh trang tại chỗ bao gồm 23 cơ quan, trong đó có 8 cơ quan đã được bố trí quỹ đất và thực hiện đầu tư xây mới gồm: Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, Trung ương Hội Nông dân. 15 cơ quan thực hiện tại chỗ gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học kỹ thuật Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông Tấn xã Việt Nam, Học viện Chính trị hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Ban quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Nhóm cơ quan đề xuất di dời có 13 cơ quan, gồm: Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Xây dựng (các cơ quan này đã đề xuất xây dựng trụ sở mới tại khu vực quy hoạch), Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội, Bộ Xây dựng nêu rõ các khó khăn, hạn chế, trong đó công tác di dời đòi hỏi nhu cầu vốn ngân sách lớn. Nguồn vốn thực hiện công tác di dời và xây dựng cơ sở mới chưa được bố trí, chưa có phương án huy động nguồn lực xây dựng,  nhất là cơ chế chính sách, sử dụng quỹ đất sau khi di dời, hình thức huy động nguồn lực, phối hợp các cơ quan liên quan...

Đến thời điểm này, Bộ Xây dựng đã hoàn thành thi tuyển ý tưởng quy hoạch, kiến trúc tổng thể khu trụ sở làm việc các bộ, ngành tại khu vực Tây Hồ Tây theo nhóm cơ quan đề xuất di dời. Bộ đang chỉ đạo hoàn thiện đồ án quy hoạch hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, ngành Trung ương, làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt; đồng thời, có văn bản gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, cơ quan có liên quan về đồ án quy hoạch khu trụ sở bộ, ngành tại Tây Hồ Tây và Mễ Trì.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang triển khai lấy thêm ý kiến cộng đồng dân cư tại các khu đất thuộc phạm vi ranh giới nghiên cứu lập đồ án quy hoạch phường Mễ Trì và Trung Văn (Nam Từ Liêm), phường Xuân La (Tây Hồ), phường Xuân Tảo (Bắc Từ Liêm). Dự kiến, đồ án quy hoạch hoàn thành vào cuối tháng 11/2022 và trình Thủ tướng Chính phủ làm cơ sở triển khai các quy trình tiếp theo.

Quỹ đất quy hoạch xây dựng trụ sở các bô, ngành như thế nào?

Theo rà soát của Bộ Xây dựng trước đó về dự thảo quy hoạch di dời trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Trung ương của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội tầm nhìn đến năm 2030, quỹ đất để bố trí các cơ quan đề xuất chưa di dời khoảng 77 ha.

Khu Trung tâm Tây Hồ Tây có quy mô khoảng 27 ha, dự kiến bố trí trụ sở mới các bộ. Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến dành quỹ đất cho từ 12 - 14 bộ chuyển tới, với diện tích trung bình khoảng 2 ha/bộ nằm dọc theo trục trung tâm của khu đô thị. Khu vực Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia tại xã Mễ Trì có quy mô khoảng 30 - 50 ha, dự kiến bố trí trụ sở mới cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội.

Vị trí của hai khu vực quy hoạch quỹ đất có ưu điểm nằm trên tuyến đường giao thông thuận tiện gồm đường Vành đai 3, các tuyến đường sắt đô thị, tuyến đường giao thông huyết mạch chung của thủ đô như: Khu vực Tây Hồ Tây được giới hạn bởi các khu vực tiếp giáp với khu đô thị mới Nghĩa Đô về phía nam; tiếp giáp khu đô thị Ngoại giao đoàn về phía bắc, tiếp giáp với Hồ Tây về phía đông, tiếp giáp khu vực cụm các công viên Hòa Bình, công viên Hữu Nghị, Bảo tàng lịch sử Việt Nam về phía tây.

Trên cơ sở dự thảo quy hoạch di dời trụ sở các bộ, ngành và tổng hợp đề xuất của các bộ, việc dành quỹ đất di dời với quy mô diện tích 27 ha chia đều cho các bộ Bộ (khoảng 2ha/ Bộ) thì không đủ, vì nhiều trụ sở của một số bộ, ngành cần diện tích rộng hơn nhiều. Ngoài ra, các bộ cũng quan tâm đến cơ chế như: Xây dựng các phương án các bộ, ngành tự lo tài chính di dời hay phối hợp với Bộ Tài chính, UBND TP Hà Nội bán trụ sở cũ để xây dựng trụ sở mới; phương thức đầu tư xây dựng trụ sở mới theo hình thức mỗi bộ thành lập ban quản lý dự án triển khai hay giao cho UBND TP Hà Nội thực hiện…

Đăng Sơn/Báo Tin tức
Mễ Trì và Tây Hồ Tây là phương án được chọn để di dời trụ sở bộ, ngành
Mễ Trì và Tây Hồ Tây là phương án được chọn để di dời trụ sở bộ, ngành

Nhiệm vụ di dời trụ sở các bộ, ngành khỏi nội đô đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định. Địa điểm di dời được chọn theo phương án 3 trong đề xuất của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP). Theo đó, trụ sở các bộ, ngành được phân chia về cả 2 khu vực Mễ Trì và Tây Hồ Tây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN