Khó đoán triển vọng giá vàng

Giá vàng thế giới đã đổi chiều và liên tục xuống dốc sau khi bất ngờ chạm đỉnh cao trên 1.900 USD/ounce vào tháng 9 năm ngoái. Khủng hoảng tại Eurozone và mối lo về tăng trưởng kinh tế thế giới kém khả quan được cho là nguyên nhân khiến các loại hàng hóa đặc biệt như vàng, dầu mỏ mất dần sức hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.


Vàng bớt lấp lánh


Hồi tháng 9/2011, giá vàng từng leo lên mức cao kỷ lục 1.920,30 USD/ounce do nhà đầu tư lo ngại nguy cơ cuộc khủng hoảng nợ của Eurozone có thể vượt khỏi tầm kiểm soát nên họ đã vội vã tìm đến vàng như là "nơi tránh bão". Nhưng sang năm nay, vàng lại chuyển động cùng chiều với các tài sản rủi ro, bất chấp kinh tế toàn cầu vẫn đang đối mặt nhiều bất ổn, trong khi đồng USD và trái phiếu kho bạc Mỹ trở nên hấp dẫn hơn với vai trò như là các tài sản an toàn.


Ảnh có tính chất minh họa. Nguồn: Internet.

Theo sau đà mất giá của các tài sản rủi ro như chứng khoán hay dầu mỏ, trong quý II năm nay vàng đã mất 4% giá trị và là mức giảm tính theo quý lớn nhất kể từ quý III/2008. Theo giới chuyên gia, tiêu thụ vàng đã giảm bớt trong quý II vừa qua, xuống mức thấp nhất kể từ thời điểm trước cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu năm 2008. Nhiều nhà đầu tư đã phải bán vàng, thoái vốn khỏi kênh đầu tư vàng để bù lỗ cho các giao dịch khác. Điều này cho thấy sức hấp dẫn của vàng như một "nơi trú ẩn an toàn" ngày càng phai nhạt ngay cả trong thời buổi kinh tế rối ren và đầy bất trắc.


Theo số liệu chính thức, khối lượng vàng miếng American Eagle của hãng Mint bán ra trong quý II/2012 đã giảm tới hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống chỉ còn 127.500 ounce - mức thấp nhất của một quý kể từ quý II/2008.


Doanh số bán vàng tại các thị trường tiêu thụ vàng lớn như Ấn Độ cũng giảm khá mạnh từ đầu năm tới nay (do suy thoái kinh tế và đồng rupee của nước này suy yếu). Sức cầu yếu tại nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới này, cũng như tại Indonesia (một trong những nước mua vàng hàng đầu châu Á) do đồng rupiah Inđônêxia yếu đi, cũng là một trong những nguyên nhân kéo giá vàng thế giới xuống dốc.


Nhân tố "bí ẩn" Trung Quốc


Khi cơn sốt trên thị trường vàng bắt đầu hạ nhiệt sau khi lên đỉnh 1.920 USD/ounce, Trung Quốc lại lẳng lặng đẩy mạnh nhập khẩu vàng. Động thái đó có gì khác thường?


Do Trung Quốc không công bố số liệu về các hoạt động giao dịch vàng nên giới giao dịch thường sử dụng các số liệu thương mại của Hồng Công để theo dõi việc mua vàng tại Trung Quốc. Theo một giám đốc ngân hàng Nhật Bản, phần lớn vàng nhập khẩu vào Trung Quốc là qua đường Hồng Công và sau đó được chế tác thành đồ trang sức và các sản phẩm khác tại Thâm Quyến và Thượng Hải.


Các số liệu của Hong Kong cho hay, tháng 8 năm ngoái xuất khẩu vàng của Hong Kong sang Trung Quốc đã tăng lên 40 tấn. Rồi vài tháng sau đó, tức là vào tháng 11, con số này đã vượt 100 tấn trước khi sụt giảm. Nhưng sang tháng 4 năm nay lượng vàng xuất khẩu từ Hong Kong sang Trung Quốc lại bất ngờ tăng trở lại lên 100 tấn. Mức độ tăng sẽ còn tiếp diễn, như nhận định của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) là tầng lớp trung lưu sẽ còn tiếp tục mua vàng, giúp Trung Quốc giữ vững ngôi vị nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới trong cả năm nay.


Xuất khẩu vàng từ Trung Quốc sang Hong Kong cũng gia tăng. Nhưng trong tháng 4 lượng vàng "chảy" từ Hồng Công vào Trung Quốc vẫn nhiều hơn lượng vàng từ Đại lục "đổ" sang Hồng Công khoảng 67 tấn. Nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn, Trung Quốc có thể mua trữ tới 800 tấn vàng trong năm nay.


Vàng có xu hướng nâng cao giá trị nhờ sự khan hiếm. Theo một viện nghiên cứu có trụ sở tại Anh, sản lượng vàng toàn cầu năm 2011 đạt ở mức khá thấp 2.818 tấn, trong khi lượng vàng đang được tích trữ tương đương 170.000 tấn, nhưng không phải lúc nào cũng có sẵn có để giao dịch.


Giá vàng thế giới thường được xác định bởi giá vàng kỳ hạn New York, nhưng xu hướng trong trung và dài hạn lại được quyết định bởi biến động thực tế của hàng hóa. Đó là lý do tại sao thị trường vàng luôn dõi theo các đợt chuyển vàng quy mô lớn tới Trung Quốc trong những tháng gần đây.


Thị trường đang quay cuồng trong đồn đoán khi nhiều nhà phân tích nhất trí cho rằng các nỗ lực tự do hóa giao dịch vàng của Bắc Kinh đã thôi thúc làn sóng đầu tư mạnh hơn vào vàng. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã dỡ bỏ lệnh cấm giao dịch vàng đối với các tổ chức tài chính chủ chốt và mở cửa thị trường vàng giao ngay tại Thượng Hải. Về lý thuyết, cầu tăng mạnh thúc đẩy gia tăng nhập khẩu vàng. Lý thuyết này cũng chỉ ra những gì có thể là lý giải thỏa đáng cho động thái tự do hóa buôn bán vàng của Chính phủ Trung Quốc. Giới chức Trung Quốc tin rằng việc các nhà đầu tư tư nhân và có tổ chức gia tăng đầu tư vào vàng có thể giúp chặn lại làn sóng đầu tư vào thị trường bất động sản đang gây ra nhiều hệ lụy. Nhìn chung vàng là kênh đầu tư hàng hóa, chứ không giống như nông sản và dầu mỏ, nó không trực tiếp dẫn tới lạm phát.


Nhưng riêng điều đó thì chưa đủ làm sáng tỏ lý do đằng sau các đợt mua vàng với quy mô lớn của Trung Quốc. Đơn cử nhu cầu vàng trong dịp Năm mới 2011 đã vượt cả cùng kỳ năm nay. Koichiro Kamel, nhà phân tích tài chính chuyên về các kim loại quý, cũng chỉ ra những bất ổn khác. Đó là năm nay nhập khẩu vàng lại tăng vọt trong tháng Tư chứ không phải trước dịp Năm Mới.


Trung Quốc là nước sản xuất vàng lớn nhất thế giới với sản lượng năm 2011 ước đạt 371 tấn. Nhưng các nhà đầu từ tin rằng tổng cung vàng tính cả sản lượng trong nước và nhập khẩu cao hơn nhiều so với nhu cầu của các nhà đầu tư tư nhân. Theo ông Kamei, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) đang gia tăng dự trữ vàng. PBoC cho biết dự trữ vàng ở mức 1.054 tấn, nhưng giá trị chỉ tương đương 2% kho dự trữ ngoại tệ khổng lồ 3.300 tỷ USD. Năm 2009 PBoC bất ngờ thông báo kho dự trữ vàng đã tăng thêm 454 tấn trong vòng 5 năm tính đến năm 2008 nhờ gia tăng sản lượng trong nước và thu mua vàng cám.


Theo một nhà phân tích thị trường, Bắc Kinh muốn tích trữ vàng với bằng chứng là nới lỏng các quy định nhập khẩu vàng, nhưng vẫn kiểm soát xuất khẩu.


Giá trị của vàng sẽ tăng nếu đồng USD đánh mất vị thế là đồng tiền dự trữ quốc tế và sức ép lạm phát bắt đầu lan ra khắp thế giới. Nếu điều đó xảy ra, các nước có dự trữ vàng lớn có lẽ sẽ có sức mạnh chi phối lớn hơn tới hệ thống tài chính quốc tế. Điều này có thể là những gì Chính phủ Trung Quốc và PBoC đang cố gắng làm.

Trung Quốc có thể tích trữ tới 3.000 tấn vàng, nếu tránh được xuất khẩu vàng sản xuất trong nước trong vòng 10 năm tới. Mỹ đang là nước dự trữ vàng lớn nhất thế giới với 8.134 tấn. Nhưng với đà này Trung Quốc có thể sớm soán ngôi "vô địch" của Mỹ.


Nhu cầu vàng Ấn Độ sa sút


Theo WGC, nhu cầu vàng tại Ấn Độ, nước nhập khẩu vàng lớn nhất thế giới, sẽ tiếp tục giảm sang năm thứ hai liên tiếp do người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu và tâm lý tích trữ tiền mặt trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm lại.


Ông Ajay Mitra, giám đốc điều hành WGC phụ trách khu vực Trung Đông và Ấn Độ, cho biết người dân vẫn thích giữ tiền mặt trong thời buổi bất ổn. Họ chẳng còn lạc quan về tình hình kinh tế hiện tại cũng như tương lai.


Người tiêu dùng Ấn Độ đang cắt giảm mua sắm, từ ô tô cho tới vàng, khi nền kinh tế đã tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong 9 năm qua (GDP tăng 5,3% vào quý I) và lạm phát vượt ngưỡng 7% tháng thứ năm liên tiếp vào tháng 6. Thêm vào đó, lượng mưa trong mùa mưa năm nay ít hơn mọi năm sẽ ảnh hưởng tới mùa màng, đẩy lạm phát tăng cao, kéo theo chi phí cho các nhu cầu thiết yếu tăng lên và từ đó buộc người tiêu dùng phải thắt lưng buộc bụng. Trong khi đó, theo Ngân hàng UBS AG, khu vực nông thôn chiếm tới 60% nhu cầu mua vàng tại Ấn Độ.


Theo Albert Cheng, giám đốc khu vực Viễn Đông của WGC, nhu cầu vàng tại Ấn Độ năm nay có thể giảm từ 933,4 tấn xuống 800-900 tấn. Trong khi nhu cầu tại Trung Quốc tăng 13% lên 870 tấn, thấp hơn con số 1000 tấn đưa ra hồi tháng 5.


Nhu cầu vàng tại Ấn Độ có thể giảm 30% do đồng rupee giảm giá và thuế nhập khẩu vàng tăng. Theo Chủ tịch Liên đoàn buôn bán đá quý và trang sức Ấn Độ, Bachhraj Bamalwa, doanh thu bán đồ trang sức có lẽ đã giảm tới 30-40% trong quý II sau khi đồng rupee mất giá, đẩy giá vàng lên mức cao kỷ lục 30.428 rupee/10 gam hôm 19/6.


Bấp bênh triển vọng giá vàng


Sau 11 năm liên tục đi lên, đà tăng trên thị trường vàng đã chững lại trong năm nay theo sau đà xuống dốc của thị trường hàng hóa. Thực tế cho thấy thị trường vàng đã nhiều lần vượt ngưỡng 1.600 USD/ounce, nhưng bất thành.


Ông Ronald Leung, Giám đốc Lee Cheong Gold Dealers (có trụ sở tại Hong Kong) nhận định cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu chưa thể giải quyết một sớm một chiều. Khi đó đồng USD sẽ vẫn là một kênh đầu tư được ưa chuộng hơn vàng.


Ngân hàng Credit Suisse quyết định hạ dự báo giá vàng năm 2012 xuống 1.680 USD/ounce, trong khi con số đưa ra trước đó là 1.765 USD/ounce. Hay Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley cũng vừa quyết định hạ dự báo giá vàng trong thời gian từ năm 2012 đến năm 2014, khi giá của nhiều loại hàng hóa trên quy mô toàn cầu cũng được điều chỉnh xuống.


Tuy nhiên, Lynette Tan, chuyên gia phân tích tại Phillip Futures, vẫn tỏ ra lạc quan về triển vọng của giá vàng trong thời gian dài hạn và dự đoán kim loại quý này có thể lại bật lên mức cao 1.920 USD/ounce đã lập hồi năm 2011. Theo chuyên gia này, thể trạng kinh tế toàn cầu không được tốt, và nhu cầu về một kênh đầu tư an toàn sẽ là nhân tố hậu thuẫn cho giá vàng.


Giới đầu tư cũng đặt nhiều kỳ vọng nhiều vào động thái nới lỏng tiền tệ mới (QE3) của Mỹ để giá vàng sớm bứt lên trên ngưỡng 1.600 USD/ounce.


TTXVN/Tin tức

Giá vàng vững trên mức 1.580 USD/ounce
Giá vàng vững trên mức 1.580 USD/ounce

Giá vàng dừng ở trên mức 1.580 USD/ounce trong phiên 18/7 tại châu Á, sau khi giảm nhẹ đêm trước do sự thất vọng của thị trường về phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN