Khi kinh doanh thương quyền taxi bị thả nổi - Bài cuối

Để lập lại thị trường vận tải taxi, xây dựng văn hóa lái xe taxi và tạo dựng uy tín, chất lượng dịch vụ, phục vụ hành khách của loại hình vận tải này, theo các chuyên gia giao thông, ngoài việc tự thân các doanh nghiệp taxi phải đặt chữ tín lên hàng đầu, thì đối với các taxi, doanh nghiệp taxi làm ăn kiểu “chộp giật”, các cơ quan chức năng phải kiên quyết thu hồi giấy phép kinh doanh để răn đe.

 XỬ LÝ MẠNH CÁC VI PHẠM

Thị trường vận tải taxi càng phát triển thì càng cần có giải pháp quản lý hữu hiệu từ phía các cơ quan chức năng. Theo các chuyên gia giao thông, cần kiên quyết thu hồi giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp có sai phạm và chú trọng xây dựng hình ảnh vận tải taxi chuyên nghiệp. 

Thu hồi giấy phép kinh doanh

Từ tháng 3/2010, tình trạng phát triển nóng của taxi đã khiến Hà Nội từng ngừng cấp phép đối với taxi và đến tháng 6/2012 lại tiếp tục có “lệnh” ngừng cấp phép. Khi đó, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội nhận định, do công tác quản lý chưa tốt, nên số lượng taxi tăng quá nhanh và khó kiểm soát được. Tuy nhiên, thực tế, một số hãng taxi ngay sau đó vẫn được ra đời. Thống kê, năm 2010, Hà Nội chỉ có 106 hãng, với hơn 10.000 taxi và đến nay đã “phình” ra con số 117 hãng taxi, với gần 17.000 xe. Hiện tại, mỗi km đường Hà Nội đang “cõng” 16 xe taxi và đây cũng chính là nguyên nhân gây ra nạn ùn tắc nghiêm trọng.

Những khóa bồi dưỡng nghiệp vụ và đạo đức lái xe taxi như thế này cần được các cơ quan chức năng tổ chức thường xuyên.

Để lập lại thị trường vận tải taxi, xây dựng văn hóa lái xe taxi và tạo dựng uy tín, chất lượng dịch vụ, phục vụ hành khách của loại hình vận tải này, theo các chuyên gia giao thông, ngoài việc tự thân các doanh nghiệp taxi phải đặt chữ tín lên hàng đầu, thì đối với các taxi, doanh nghiệp taxi làm ăn kiểu “chộp giật”, các cơ quan chức năng phải kiên quyết thu hồi giấy phép kinh doanh để răn đe, chứ không thể xử lý hành chính theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”.

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh cho biết: Quản lý hoạt động taxi hiện nay không dễ, vì phần lớn doanh nghiệp taxi hiện nay đều là taxi cổ phần, do cá nhân góp xe vào. Ngay cả những hãng lớn như Mai Linh, Thủ Đô, Hà Nội cũng vậy. Tuy nhiên, để giúp doanh nghiệp củng cố chất lượng phương tiện và người lái, với mục tiêu cao nhất là phục vụ người dân, loại bỏ các phương tiện hoạt động bất hợp pháp, các doanh nghiệp có nhiều taxi vi phạm sẽ bị thu hồi giấy phép. Việc này tới đây khó mấy cũng phải làm, nhằm thiết lập lại trật tự kỷ cương, siết chặt hoạt động taxi vào khuôn khổ.

Xây dựng hình ảnh taxi chuyên nghiệp

Thực tế, với gần 17.000 xe taxi và khoảng 20.000 lái xe taxi như hiện nay ở Hà Nội, hiệu quả khai thác vận tải và hoạt động xã hội của taxi không thể so sánh với các loại hình vận tải công cộng như xe buýt, xe buýt nhanh, đường sắt đô thị... Thêm vào đó, hiện mới chỉ có khoảng 30% số xe taxi chính hãng niêm yết đường dây nóng trên xe. Rõ ràng thị trường taxi tại Hà Nội bộc lộ quá nhiều mặt trái.

Theo nhận định của các chuyên gia, để giải quyết tận gốc vấn đề, các nhà quản lý phải kiên quyết không cho đăng ký mới taxi, thu gọn quy mô hoạt động. Bên cạnh đó, tăng cường thanh kiểm tra, xử phạt, điều cốt lõi hiện nay là phải chấm dứt được tình trạng mua bán thương hiệu, kiên quyết ngừng cấp phép kinh doanh và chống thất thu thuế trong quá trình hậu kiểm taxi. Vì việc quản lý hoạt động taxi hiện nay không phải chưa đủ chế tài, không thiếu cơ sở pháp lý, các văn bản, chính sách khá chặt chẽ, chỉ là cách thực hiện của các cơ quan chức năng.

Phó chánh Thanh tra giao thông Hà Nội, Hoàng Văn Mạnh khẳng định: Từ năm 2012 đến nay, Hà Nội không cấp mới giấy phép taxi, nhưng điều này lại tạo lỗ hổng cho một số doanh nghiệp đưa taxi từ tỉnh ngoài vào hoạt động. Sở GTVT cũng đã kiến nghị Bộ GTVT nên “gom” các hãng taxi lại, tối thiểu mỗi hãng taxi phải có từ 100 đầu xe trở lên mới cho phép hoạt động, nhưng cũng gặp phải sự phản đối của không ít doanh nghiệp kinh doanh taxi. Nếu cứ để manh mún, mỗi doanh nghiệp chỉ vài chục xe như hiện nay thì rất khó cho lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý.

Khắc phục tình trạng này, theo ông Nguyễn Hoàng Linh, hành khách đi taxi cần yêu cầu lái xe taxi xuất hóa đơn tính tiền khi xuống xe, để tránh hiện tượng trốn thuế của các hãng taxi; đồng thời các cơ quan quản lý nhanh chóng sửa đổi các điều kiện kinh doanh của vận tải taxi, trong đó yêu cầu taxi phải có đồng hồ tính tiền gắn với máy in hóa đơn và hóa đơn này phải được cơ quan thuế phát hành.

Bộ GTVT cũng đã hoàn thiện Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 14/2010/TT - BGTVT về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Trong đó quy định việc doanh nghiệp phải tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ vận tải, an toàn giao thông và đạo đức nghề nghiệp cho lái xe. Hy vọng, thời gian tới, Thông tư đi vào cuộc sống, taxi Hà Nội sẽ lấy lại được hình ảnh trong lòng hành khách.
Bài và ảnh: Tiến Hiếu
Khi kinh doanh thương quyền taxi bị thả nổi - Bài 2
Khi kinh doanh thương quyền taxi bị thả nổi - Bài 2

Theo Sở GTVT Hà Nội, Hà Nội hiện có 117 hãng taxi, với khoảng 17.000 xe và gần 20.000 lái xe hoạt động. Sự phát triển quá nhanh về số lượng xe đang làm nảy sinh nhiều bất cập, nhất là sự mất lòng tin của hành khách về đạo đức lái xe.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN