Khi chủ đầu tư ‘cam kết một đằng, giao nhà một nẻo’

Cư dân một số khu đô thị, chung cư tại Hà Nội đang rất bức xúc vì nhận nhà mới nhưng không được như những lời quảng cáo hoa mỹ trước đó của chủ đầu tư.

Từ trước Tết đến nay, nhiều hộ dân đã dọn về ở chung cư Tràng An Complex (Cầu Giấy, Hà Nội) sau thông báo của chủ đầu tư là Công ty CP đầu tư dầu khí Toàn Cầu (GP Invest). Tuy nhiên, niềm vui nhận nhà mới chưa được bao lâu thì các hộ dân đã phải “nếm trái đắng”.

Cư dân Tràng An Complex vừa mới nhận nhà nhưng đã phát hiện rất nhiều bất cập.

Theo phản ánh của các hộ dân, chủ đầu tư GP Invest đã tự ý chiếm đường nội bộ của dự án để làm cổng và hàng rào bao sân riêng cho 7 căn nhà liền kề. GP Invest cũng bịt lối vào sảnh chờ thang máy tầng 1 tại các tòa CT1, CT2A, CT2B và chiếm dụng lối vào các sảnh này để cho thuê thương mại.

Chia sẻ với phóng viên, chủ một căn hộ ở tầng 22 cho biết: Chủ đầu tư đã không tuân thủ theo đúng quyết định giao đất của UBND TP Hà Nội cũng như giấy phép xây dựng của Sở Xây dựng Hà Nội. Việc lấn chiếm diện tích chung để làm sân riêng cho khu nhà liền kề hay tự ý xây tường ngăn khu sảnh chờ thang máy tầng 1 để cho thuê đều không được sự đồng ý của cư dân. 

Ngay từ khi mới vào ở, cư dân chung cư này đã phát hiện nhiều bất cập về chất lượng như nước tràn lênh láng nhiều tầng do chất lượng hệ thống ống nước kém, bể phốt bị rò rỉ bốc mùi hôi thối, trụ lan can ở ban công được dán băng keo thay vì bắt ốc vít tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn...

Bồn cầu và nền nhà vệ sinh không được trát bằng xi măng mà dùng silicon, dẫn đến việc phát tán mùi hôi.

Anh Tuấn, một người dân mua căn hộ 75 m2 với giá hơn 3 tỷ đồng ở chung cư này cho biết: “Tôi và một số hộ khác yêu cầu chủ đầu tư phải xuất trình các biên bản bàn giao nhà, chứng nhận đủ tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy… nhưng họ không xuất trình được. Do đó chúng tôi nhất quyết không nhận nhà”.

Chưa kể đến việc, khi các hộ dân nhận nhà trước Tết, các hộp chữa cháy đều không có thiết bị cứu hỏa. Chỉ đến khi các hộ dân phản ánh, chủ đầu tư mới cho thợ đi lắp đặt.

Được biết, hiện đã có khoảng 400-500 hộ nhận nhà trên tổng số 900 hộ. Tuy nhiên, các hộ dân đều rất bức xúc về chất lượng nhà và cách hành xử của chủ đầu tư không tương xứng với số tiền mà họ bỏ ra.

Mặc dù các hộ dân đã gửi nhiều kiến nghị lên chủ đầu tư nhưng chủ đầu tư vẫn chưa đối thoại cũng như chưa trả lời thỏa đáng các yêu cầu của cư dân. Đặc biệt, các hộ dân đang lo nhất vấn đề rò rỉ bể phốt gây mùi hôi thối mà theo một số người nhận định là sẽ không thể khắc phục được.

Chủ đầu tư bàn giao nhà khi chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy. Khi người dân phản ánh, chủ đầu tư mới cho người đi lắp các bình cứu hỏa.

Một số hộ dân nghi ngờ chủ đầu tư vì muốn chạy đua tiến độ để về đích sớm 3 tháng nên đã dẫn đến chất lượng công trình giảm sút. Phóng viên Tin Tức đã cố gắng liên lạc với ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest nhưng ông Hiệp không bắt máy. Trước đó, ông Hiệp cho biết đã thực hiện đúng tất cả những nội dung cam kết với khách hàng song không chứng minh được bằng các văn bản xác thực.

Theo một nguồn tin mới nhất thì Sở Xây dựng Hà Nội sẽ tiến hành thanh tra dự án này.

Trong khi đó, cách đây không lâu, cư dân tại chung cư Sky City Tower (Láng Hạ, Hà Nội) lại bức xúc vì chủ đầu tư là Công ty TNHH Hanotex bỗng dưng... đòi lại phần lớn diện tích đất cổng đi ra phố Láng Hạ sau khi đã bán hết nhà.

Dân cư ở Sky City Tower bức xúc vì chủ đầu tư đòi lại phần lớn diện tích lối ra phố Láng Hạ của chung cư.

Đại diện Ban quản trị chung cư này cho biết: Khi bán nhà, chủ đầu tư quảng cáo cổng ra phố Láng Hạ rộng 11m, hoàn toàn thuộc hạ tầng của chung cư Sky City Tower. Nhưng khi cư dân đã dọn về ở hết thì Công ty TNHH Hanotex bỗng đòi 2/3 diện tích cổng. Lối đi còn lại chỉ rộng 3,5m khiến cư dân của chung cư cao cấp này rất bức xúc. 

Sau đó, cơ quan chức năng đã thanh tra dự án này và phát hiện nhiều sai phạm chủ đầu tư liên quan đến việc tự ý chia tầng công cộng để cho thuê, xây dựng sai thiết kế được duyệt, biến tầng thượng thành một số căn penthouse để bán...

Không thể ăn xổi mãi

Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch Liên minh các sàn giao dịch bất động sản G5, người mua nhà hiện nay đã thông thái hơn trước rất nhiều. Để quyết định mua nhà hay không, họ phải mất tới nhiều tháng để thẩm định thông tin. Và có thể sau khi thẩm định, họ sẽ không thực hiện giao dịch nếu như các dự án gặp tai tiếng. Do đó, các chủ đầu tư làm ăn chộp giật, có nhiều “tiếng xấu” thì khó có thể sống lâu trên thị trường.

Đại diện Hiệp hội Bất động sản Viêt Nam cho biết, nếu chủ đầu tư giao nhà không đúng với cam kết ban đầu, khách hàng có thể từ chối nhận nhà. Đến khi nào chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng mua bán, thỏa thuận ban đầu thì nhận. Người mua nhà có thể khiếu kiện đến các cơ quan quản lý cấp phép về quy hoạch, giấy phép xây dựng để các cơ quan này xem xét. Nếu trong quá trình thanh kiểm tra phát hiện sai phạm, chủ đầu tư sẽ xử lý. 

Về phía cơ quan nhà nước không thể làm ngơ trước việc làm bậy bạ của các chủ đầu tư thiếu uy tín. Theo các chuyên gia bất động sản, cơ quan quản lý cần lập “danh sách đen” các chủ đầu tư bất tín để cảnh báo người mua nhà, góp phần làm trong sạch thị trường bất động sản.

Theo ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cư dân trước hết có thể gửi đơn khiếu nại đến chủ đầu tư để cùng nhau giải quyết. Nếu không đạt được sự đồng thuận, có thể yêu cầu chính quyền địa phương can thiệp. Nếu vẫn không thương lượng được thì có thể khởi kiện ra tòa để phân giải.


Hoàng Dương
Thiếu chế tài xử lý chủ đầu tư chây ì bàn giao quỹ bảo trì
Thiếu chế tài xử lý chủ đầu tư chây ì bàn giao quỹ bảo trì

Bộ Xây dựng đã ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư, trong đó đã quy định, chủ đầu tư phải chuyển tiền bảo trì chung cư cho ban quản trị. Tuy nhiên, chế tài xử lý nếu chủ đầu tư vi phạm quy định này vẫn chưa rõ ràng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN