Khẩn trương giải phóng mặt bằng dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 27

Các sở, ngành liên quan, đơn vị có dự án hạ tầng kỹ thuật và đặc biệt là thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, huyện Ninh Sơn - hai địa phương nơi dự án đi qua phải khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 27, đoạn qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Đây là nhiệm vụ cấp bách mà UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu các đơn vị thực hiện để kịp bàn giao toàn bộ mặt bằng thi công cho nhà đầu tư trong tháng 8 và 9 này.

Chú thích ảnh
Các đơn vị thi công khẩn trương thực hiện dự án tại những đoạn đường đã giải quyết bàn giao mặt bằng ở xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn. 

Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án 8 (Tổng Cục đường bộ Việt Nam), dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn đường còn lại trên tuyến Quốc lộ 27 qua địa bàn huyện Ninh Sơn và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm có tổng chiều dài 10,18 km, tổng mức đầu tư hơn 216 tỷ đồng, khởi công đầu tháng 5/2021, dự kiến thi công và hoàn thành trong thời gian 12 tháng. Tuy nhiên, hiện việc thu hồi đất và di dời công trình hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án vẫn chưa hoàn thành, gây ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Thời gian qua, mặc dù UBND tỉnh Ninh Thuận đã có văn bản đề nghị các đơn vị liên quan khẩn trương giải quyết, theo đó chậm nhất đến ngày 30/7 phải di dời xong đối với các công trình hạ tầng điện, nước, cáp quang nằm trong lộ giới để bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, đến giờ này hiện còn hơn 4.000 m cáp quang, ống cấp nước và hơn 70 cột điện, 5 trạm biến áp vẫn chưa được di dời...

Ông Phan Tấn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận chia sẻ, theo tiến độ, dự án phải thi công hoàn thành trong năm 2021, nếu không giải phóng mặt bằng kịp thời để bàn giao cho nhà thầu thi công đúng tiến độ thì dự án sẽ bị cắt vốn, dừng triển khai. Đó sẽ là thiệt thòi lớn bởi Ninh Thuận còn khó khăn, không có nguồn lực để tiếp tục đầu tư. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong tương lai.

Do đó, tỉnh yêu cầu huyện Ninh Sơn và thành phố Phan Rang-Tháp Chàm cùng các đơn vị chủ quản công trình hạ tầng kỹ thuật gồm Công ty Điện lực Ninh Thuận, Công ty cổ phần Cấp nước Ninh Thuận, Viễn thông Ninh Thuận, Chi nhánh Viettel Ninh Thuận, Trung tâm Hạ tầng mạng miền Nam, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn khẩn trương phối hợp, có biện pháp khắc phục những tồn tại, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Việc di dời công trình hạ tầng kỹ thuật để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công dự án hoàn thành chậm nhất trong tháng 8 theo thời gian đề nghị cho gia hạn đối với thành phố Phan Rang-Tháp Chàm.

Bên cạnh đó, các đơn vị chủ quản công trình hạ tầng kỹ thuật và huyện Ninh Sơn cũng phải bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trong tháng 9 tới, trừ những vị trí ưu tiên cần thiết phải có mặt bằng thi công trước thì tổ chức vận động, tuyên truyền để người dân sớm bàn giao mặt bằng thi công công trình, cũng như di dời công trình hạ tầng kịp tiến độ trước đã được UBND tỉnh chỉ đạo xử lý.

Tỉnh Ninh Thuận cũng giao Sở Giao thông Vận tải tiếp tục theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án. Trường hợp cơ quan, đơn vị nào thực hiện chậm trễ hoặc quá trình triển khai có khó khăn, vướng mắc thì kịp thời tổng hợp, báo cáo và đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo xử lý theo quy định.

Đây là công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng, phục vụ trực tiếp quyền lợi của người dân, thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 62 Luật Đất đai năm 2013. Do đó, tỉnh yêu cầu thành phố Phan Rang-Tháp Chàm và huyện Ninh Sơn tập trung tổng lực, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn tất hồ sơ, thủ tục thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ theo quy định pháp luật; chủ động phối hợp cùng chủ đầu tư, đơn vị chủ quản công trình hạ tầng kỹ thuật tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức thích hợp để người dân thống nhất phương án, nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng.

Đơn vị chủ quản công trình hạ tầng kỹ thuật có đủ hồ sơ, tài liệu chứng minh công trình đủ điều kiện bồi thường, hỗ trợ theo quy định pháp luật thì cung cấp ngay cho cơ quan chức năng để xem xét, kiểm tra, thẩm định điều kiện bồi thường, hỗ trợ theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiện, trước mắt phải tiến hành di dời công trình đúng tiến độ, không chờ UBND tỉnh xem xét việc bồi thường, hỗ trợ mới tiến hành di dời.

Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Ninh Thuận, việc đầu tư xây dựng các đoạn còn lại của Quốc lộ 27 không những góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông mà còn tạo thuận lợi đẩy mạnh phát triển các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch, an ninh quốc phòng cho các tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng cũng như một số tỉnh trong khu vực Tây Nguyên và vùng duyên hải miền Trung.

Tin, ảnh: Công Thử (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.500 tỷ đồng xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 qua huyện Bình Chánh
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.500 tỷ đồng xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 qua huyện Bình Chánh

TP Hồ Chí Minh sẽ đầu tư xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 trên địa bàn huyện Bình Chánh với tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng từ ngân sách, thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2024. Nội dung này vừa được HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X thông qua sáng 25/6.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN