Khai thác thủy sản thích ứng với công tác phòng, chống dịch COVID-19

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, những tháng cuối năm 2021, các địa phương trên toàn quốc tiếp tục nỗ lực đưa chuỗi hoạt động khai thác thủy sản trở lại trạng thái bình thường mới, tiếp tục ổn định sản xuất và tuân thủ các biện pháp phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp.

Chú thích ảnh
Bộ NN&PTNT cùng các địa phương tìm giải pháp về khai thác thủy sản thích ứng với công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Do tác động của việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19, nhiều tàu cá phải ngừng sản xuất, nằm bờ. Theo thống kê của các tỉnh, số lượng tàu cá ngừng không đi khai thác chỉ tính trong 3 tháng là 43.200 tàu, tương đương 4,6% cường lực khai thác (tháng 7 khoảng 9.800 tàu; tháng 8 là 19.700 tàu, tháng 9 là 13.700 tàu). Các tàu ngừng sản xuất làm giảm sản lượng khai thác trong 3 tháng khoảng 186.000 tấn trong năm 2021.

Tình trạng thiếu lao động khai thác thủy sản cả về số lượng và chất lượng, khiến nhiều tàu cá phải nằm bờ do không đủ lao động để đi biển. Tính đến tháng 9/2021, cả nước có khoảng 1 triệu lao động trực tiếp trên các tàu cá. Cùng với tác động của dịch COVID-19, số lượng lao động trực tiếp trên tàu cá càng khan hiếm, gây khó khăn cho hoạt động khai thác thủy sản ở nhiều địa phương. Hiện số lượng lao động làm việc trên tàu cá được tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19 còn thấp, ước đạt khoảng 25%.

Bên cạnh đó còn nhiều khó khăn như: Cơ sở hậu cần nghề cá; việc ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật vào lĩnh vực khai thác thuỷ sản, nhất là trong bảo quản sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch đã từng bước cải thiện nhưng còn chậm chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Năm 2021 là một năm ghi nhận giá nhiên liệu tăng cao kỷ lục trong vài năm gần đây, trong đó giá dầu Diesel tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2020. Dịch bệnh còn tác động sâu đến chuỗi tiêu thụ thuỷ sản, doanh nghiệp không tiêu thụ được làm cho giá bán sản phẩm giảm 15 - 20% so với cùng kỳ. Bên cạnh nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tàu nằm bờ không đi khai thác còn do một số nguyên nhân khác như: Năng suất khai thác trung bình thấp, giá nhiên liệu tăng, việc thu mua, vận chuyển thủy sản gặp khó khăn do thực hiện giãn cách xã, thiếu lao động do hạn chế đi lại của thuyền viên thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các địa phương…

Tại hội nghị trực tuyến “Tổ chức khai thác thủy sản thích ứng, phòng chống dịch COVID-19” diễn ra ngày 22/10, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nêu rõ, thời gian qua, dù nhiều khó khăn, song các tỉnh, thành vẫn nỗ lực nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa duy trì, đẩy mạnh hoạt động khai thác thủy hải sản. Từ nay đến cuối năm, tuy sẽ phải đối mặt với những khó khăn như giá vật tư đầu vào vẫn ở mức cao, lao động thiếu hụt cục bộ…, nhưng chúng ta vẫn có nhiều thuận lợi. Điều kiện thời tiết khá thuận lợi; tàu cá và các trang thiết bị đã được sửa chữa, bổ sung trong thời gian nghỉ phòng chống dịch.

“Dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi cả nước, các biện pháp phòng chống dịch tại các cảng, vận chuyển, lưu thông và tiêu thụ sản phẩm đã được áp dụng linh hoạt theo tình hình thực tiễn, không làm cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhu cầu thị trường tiêu thụ thủy sản tăng mạnh, đặc biệt thị trường Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu”- Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng chỉ đạo các tỉnh, thành quan tâm nâng cấp hạ tầng thủy sản; nghiêm chỉnh thực hiện các biện pháp phòng chống khai thác bất hợp pháp; chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch hành động thực hiện các chỉ đạo về phòng chống khai thác bất hợp pháp và tháo gỡ thẻ vàng của EC; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình không lắp thiết bị giám sát hành trình, ngắt kết nối và vi phạm vùng biển nước ngoài...

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho hay, tổng sản lượng khai thác thủy sản biển ước đạt 2,917 triệu tấn (tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, sản lượng cá ngừ, mực và các loài cá nổi chiếm khoảng 60%. Sản lượng khai thác ở ngư trường Đông Nam Bộ chiếm tỷ lệ cao nhất khoảng 40%, sản lượng khai thác ở vùng biển vịnh Bắc Bộ và Tây Nam Bộ tiếp tục có xu hướng giảm.

Để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch năm 2021 với sản lượng khai thác biển đạt khoảng 3,657 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,6 tỷ USD, trong Quý 4 năm 2021, ngành thủy sản phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để đảm bảo an toàn tối đa cho người lao động và ngư dân, đưa chuỗi hoạt động khai thác thủy sản ở các địa phương trở lại trạng thái bình thường mới.

Clip đại diện Bộ NN&PTNT đưa ra giải pháp về khai thác thủy sản thích ứng với công tác phòng, chống dịch COVID-19:

 

Tin, ảnh , clip: L. Sơn/Báo Tin tức
Ngành Thủy sản đặt mục tiêu năm 2030 đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới
Ngành Thủy sản đặt mục tiêu năm 2030 đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới

Giai đoạn 2021-2030, ngành thủy sản đề ra mục tiêu phát triển chế biến thủy sản hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng được nhu cầu, quy định của thị trường tiêu thụ nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp tục hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến thủy sản và đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN