Đưa nông sản lên sàn
Gần 5 tháng thực hiện cao điểm phòng, chống dịch bệnh, hàng nghìn doanh nghiệp trên địa bàn dừng sản xuất hoặc giảm quy mô, trong khi nhiều nông sản thu hoạch rộ với sản lượng lớn khó tiêu thụ ngay. Nhiều mặt hàng bị dồn ứ như thanh long, rau củ quả, thủy sản... gặp khó khăn trong thu hoạch, lưu kho, tiêu thụ và xuất khẩu.
Trong bối cảnh đó, Sở Công Thương đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, nâng cao tính kết nối giữa sản xuất với thị trường theo chuỗi cung ứng như tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh Quyết định 57/2020/QĐ-UBND Quy định về nội dung và mức hỗ trợ thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại trên địa bàn; điều chỉnh Kế hoạch chương trình xúc tiến thương mại năm 2021 phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Ngoài ra, chuyển các hoạt động xúc tiến thương mại sang hình thức thương mại điện tử. Đặc biệt, phát huy tối đa group zalo giao thương với các tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp Long An, Hội đồng hương Long An… để quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử.
Mặt khác, hỗ trợ trên 400 lượt doanh nghiệp tham gia các hội nghị, hội thảo kết nối cung cầu, giao thương trực tuyến phát triển thị trường trong và ngoài nước đối với các mặt hàng nông sản, sản phẩm chế biến, gạo, thanh long; tìm hiểu các thị trường Anh, Maroc, Ấn Độ, Hà Lan, Pakistan; triển khai hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia 6 sàn thương mại điện tử lớn trong nước và sàn xuất khẩu Alibaba.com.
Đồng thời, cung cấp thông tin đầu mối cung ứng hàng hóa, nhất là hàng hóa nông sản của tỉnh đến Bộ Công Thương, Tham tán thương mại tại các nước, các tỉnh, thành phố, các hiệp hội, doanh nghiệp để kết nối tiêu thụ; giới thiệu doanh nghiệp Long An tham gia bình ổn thị trường các tỉnh, thành phố, nhất là tại TP Hồ Chí Minh và Hà Hội.
Đáng lưu ý, trong thời gian thực hiện giãn cách, Sở Công Thương tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia bán hàng bình ổn tại điểm cố định, lưu động; kết nối với các đơn vị cung cấp thực phẩm theo chuỗi cửa hàng tiện ích, siêu thị như hệ thống siêu thị, các đơn vị cung cấp lương thực cho TP Hồ Chí Minh và đơn vị cung cấp suất ăn cho các doanh nghiệp "3 tại chỗ", góp phần giải quyết nhu cầu tiêu thụ nông sản trên địa bàn.
Kết quả, các hệ thống phân phối như siêu thị, cửa hàng tiện ích đã tiêu thụ 1.300 tấn rau củ quả, trái cây, thịt, cá trong một tuần. Công ty TNHH Dương Vũ cung cấp gần 5.514 tấn gạo với giá hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố như: Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh...
Đặc biệt, Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thạnh (huyện Thủ Thừa) đã tích cực tiêu thụ rau củ quả cho nhiều tỉnh, thành phố với số lượng từ 10 - 15 tấn/ngày. Bưu điện Long An tiêu thụ khoảng 1.000 tấn hàng hóa, nông sản, gạo vào hệ thống cửa hàng, điểm bán trong và ngoài tỉnh; Viettel Post khoảng 30 tấn hàng hóa, hàng nghìn combo.
Không dừng lại ở đó, các hộ kinh doanh như hộ kinh doanh Mai Văn Mỹ tại Tân Trụ tích cực tham gia điểm bán hàng lưu động trong tỉnh với giá bình ổn, tiêu thụ từ 5 - 10 tấn rau/ngày. Ngoài ra, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích như: Big C, Aeon, Bách Hóa Xanh… tăng lượng mua thanh long cung cấp vào chuỗi; Hiệp hội doanh nghiệp Long An tham gia tiêu thụ thanh long của tỉnh.
Công ty Thương mại - Dịch vụ - Sản xuất Galaxy Medical (TP Hồ Chí Minh) tiêu thụ từ 0,5 - 1 tấn tôm/ngày; thanh long, dứa từ 5 - 10 tấn/ tuần; kết nối Công ty T-Fruit tiêu thụ 5 tấn tôm/tuần cho huyện Cần Giuộc; Công ty TNHH The Bliss Mimosa Beauty Corporation tiêu thụ từ 3 - 5 tấn tôm/tuần cho huyện Cần Giuộc; kết nối Saigon Tel tiêu thụ 495 combo rau củ, thủy hải sản…
Sở Công Thương cũng phối hợp với sàn Thương mại điện tử Vỏ sò của Tập đoàn Viettel và Postmart của Bưu điện Việt Nam đưa hơn 100 sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP), nông sản lên sàn, tiêu thụ khoảng 150 tấn hàng hóa và gần 2.000 combo hàng nông sản...
Nhiều mặt hàng nông sản còn tồn đọng
Mặc dù đã qua thời điểm đỉnh dịch, Long An đang áp dụng nhiều giải pháp phát triển kinh tế trong tình hình mới nhưng nhiều mặt hàng nông sản vẫn còn tồn đọng. Theo Sở Công Thương Long An, sức mua thời gian qua tập trung vào một số nhóm hàng cần thiết cho tiêu dùng hàng ngày như: gạo, trứng, rau, củ có thể để lâu, còn lại các nhóm hàng khác tiêu thụ chậm hoặc khó tiêu thụ.
Xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh có nhiều hộ dân nuôi ếch, tập trung ở ấp Kênh Bích với khoảng 30 hộ. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Ninh - ông Nguyễn Văn Luôn cho biết, hiện xã còn tồn khoảng trên 100 tấn ếch. Trước khi không có dịch COVID-19, người dân nuôi ếch tự tìm đầu ra và thương lái thu mua ếch hàng ngày.
Từ khi dịch bệnh xảy ra, nhất là khoảng 3 tháng giãn cách đi lại khó khăn nên hầu như không có thương lái tới mua. “Chu kỳ nuôi một lứa ếch rồi xuất bán khoảng 60 - 70 ngày, nhưng hiện nay có hộ đã nuôi 3 - 4 tháng vẫn chưa bán được. Lúc này người nuôi chỉ dám cho ăn cầm chừng vì một bao thức ăn khoảng 300 - 400 ngàn đồng và cứ thêm một ngày là đội thêm biết bao nhiêu chi phí”. Ông Nguyễn Văn Luôn cho hay.
Hộ anh Nguyễn Văn Quyền ở xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh hiện có gần 30 tấn ếch đến ngày xuất bán. Thời điểm địa phương giãn cách do dịch bệnh, anh bán được rất ít mỗi ngày và đến nay cũng chưa cải thiện bao nhiêu. Bình thường mỗi ngày anh Quyền bán từ 5 - 7 tấn ếch, có lúc lên đến 10 tấn ếch/ngày, nhưng nay chỉ bán được khoảng 1 - 2 tấn/ngày.
Giám đốc Sở Công Thương Long An Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, Long An đang dồn ứ một số mặt hàng như: chanh, ếch, tôm, cá... do các chợ đầu mối tại TP Hồ Chí Minh chưa hoạt động trở lại. Việc thu hoạch, vận chuyển không còn khó khăn, hàng tồn chủ yếu do sức mua giảm, số lượng công nhân trở lại làm việc tại các công ty, xí nghiệp trên địa bàn chỉ ở mức 60% so với trước đây. Bên cạnh việc dần mở lại các chợ, siêu thị nhằm góp phần giải quyết một phần nông sản, Sở Công Thương đang tiếp tục kết nối với TP Hồ Chí Minh để đưa hàng nông sản về thành phố.
Để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong thời gian tới, Long An tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sớm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông sản, doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp; tổ chức hoạt động lại các chợ truyền thống. Đồng thời, tăng cường nắm bắt thông tin thị trường, giá cả, tình hình hoạt động tại các cửa khẩu, các yêu cầu kết nối trực tiếp và trực tuyến để kết nối tiêu thụ; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, chuyển mạnh sang thương mại điện tử; tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa nông sản...