Kết nối thương nhân xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc

Ngày 16/5, tại Cao Bằng, Bộ Công Thương phối hợp với tỉnh Cao Bằng tổ chức kết nối thương nhân xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Các doanh nghiệp Trung Quốc phát biểu thảo luận tại Hội nghị.

Trong những năm qua, hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới Việt - Trung đã đạt được những kết quả như: xây dựng được những cơ chế, chính sách về thương mại biên giới; thiết lập được những cơ chế hợp tác song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Điều này đã làm cho kim ngạch thương mại biên giới tăng trưởng cao; mặt hàng trao đổi qua biên giới được mở rộng; phát triển thương nhân hoạt động thương mại biên giới. Hạ tầng kỹ thuật cửa khẩu biên giới cũng được đầu tư phát triển; thủ tục hành chính tại cửa khẩu biên giới cũng như dịch vụ hỗ trợ thương mại biên giới ngày càng được tăng cường.

Tuy nhiên, cơ cấu hàng hóa trong thương mại biên giới còn nhiều hạn chế; hạ tầng kỹ thuật khu vực cửa khẩu còn yếu kém; thương nhân chưa được khuyến khích phát triển. Vì vậy, để quản lý và khuyến khích hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt - Trung, các đại biểu cho rằng cần phân cấp cho UBND các tỉnh quản lý và khuyến khích doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt - Trung.

Ông Nguyễn Văn Hội, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thương mại Biên giới và Miền núi (Bộ Công Thương) đề nghị lãnh đạo UBND 7 tỉnh của Việt Nam có chung đường biên giới với Trung Quốc cần thành lập Hiệp hội kinh doanh xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt - Trung. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế cung cấp thông tin riêng cho doanh nghiệp, đồng thời đa dạng hóa loại hình doanh nghiệp và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp hoạt động thương mại biên giới.

Hai bên ký các Bản ghi nhớ.

Theo ông Vị Hiện Cường, Phó trưởng phòng Mậu dịch đối ngoại, Sở Thương mại, Khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây, Trung Quốc), hai bên cần tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm thu hút đầu tư; khuyến khích mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; nâng cao giá trị xuất nhập khẩu nhất là các mặt hàng nông lâm hải sản qua các cửa khẩu biên giới. Các tỉnh của Việt Nam có chung đường biên giới với Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước trong trao đổi hàng hoá và xây dựng kế hoạch kinh doanh xuất nhập khẩu của doanh nghiệp

Tại hội nghị, Bộ Công Thương và tỉnh Quảng Tây đã ký các bản ghi nhớ về: thiết lập cơ chế luân phiên tổ chức Hội đàm để trao đổi thông tin và giải quyết các vấn đề liên quan đến việc hợp tác phát triển thương mại biên giới; hợp tác thành lập sàn giao dịch điện tử để phục vụ thương mại biên giới hai bên Việt Nam - Trung Quốc; hợp tác về lĩnh vực trồng trọt, tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp Trung Quốc...

Tin, ảnh: Chu Hiệu (TTXVN)
 Bỏ quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo: Cần nhưng chưa đủ
Bỏ quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo: Cần nhưng chưa đủ

Trong bối cảnh tình hình thị trường xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn, cạnh tranh gay gắt, việc Bộ Công Thương bãi bỏ Quy hoạch thương nhân kinh doanh và xuất khẩu gạo ngay đầu tháng 1/2017 được đánh giá khá cao, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, chính sách này hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN