Kết nối công nghệ phát triển đô thị và hạ tầng thông minh tại Việt Nam

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông, nhiều nước trên thế giới đã thành công khi xây dựng mô hình đô thị thông minh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố, giảm tiêu thụ năng lượng, tăng cường quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Ngày 13/9 tại Hà Nội, Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (AMC - Bộ Xây dựng) phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Trung tâm Hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc đã tổ chức Hội nghị kết nối dự án Công nghệ phát triển đô thị và hạ tầng thông minh năm 2023.

Chú thích ảnh
Hội nghị Kết nối công nghệ phát triển đô thị và hạ tầng thông minh.

AMC là đơn vị được Bộ Xây dựng giao là chủ dự án có trách nhiệm phối hợp với nhà tài trợ nước ngoài giám sát tiến độ và chất lượng của dự án, điều phối, trực tiếp thực hiện, khai thác và sử dụng kết quả đầu ra việc thành lập Trung tâm VKC (Trung tâm Hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc về Đô thị thông minh và Công nghệ xây dựng) và tăng cường năng lực đào tạo, trao đổi công nghệ, hợp tác đào tạo công nghệ về đô thị thông minh.

Ở Việt Nam, phát triển đô thị thông minh là một trong những động lực quan trọng để thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập cao vào năm 2045. Đề án “Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030” (Đề án 950) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 1/8/2018, nhằm thúc đẩy phát triển các đô thị thông minh ở Việt Nam.

Ngày 12/5/2022, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký quyết định số 38/QĐ-BXD phê duyệt văn kiện hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc thực hiện Dự án “Thành lập Trung tâm hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng”(gọi tắt là Dự án VKC). Dự án nhằm mục đích thành lập một trung tâm chuyên nghiệp thúc đẩy nghiên cứu và đào tạo về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng tiên tiến để đóng góp vào sự phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam; tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Hàn Quốc nói chung, giữa Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc (MOLIT) nói riêng.

Dự án VKC sẽ hỗ trợ cho Bộ Xây dựng triển khai thực hiện Đề án 950 thông qua hoạt động thí điểm lập quy hoạch tổng thể đô thị thông minh, hoạt động xây dựng hướng dẫn về đô thị thông minh tại Việt Nam, thành lập Trung tâm VKC và các hoạt động tăng cường năng lực đào tạo, trao đổi công nghệ về đô thị thông minh. Về phía Việt Nam, Bộ Xây dựng giao nhiệm vụ triển khai dự án cho  AMC, Cục Phát triển đô thị, Vụ Quy hoạch kiến trúc và các đơn vị liên quan.

Hội nghị tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ sở hữu công nghệ về đô thị, hạ tầng thông minh đã áp dụng thành công tại Hàn Quốc và các cơ quan trực thuộc Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải kết nối, xây dựng quan hệ hợp tác, trao đổi lâu dài, qua đó nghiên cứu, áp dụng tại Việt Nam; đồng thời, xây dựng mạng lưới, khai thác các cơ hội hợp tác giữa các cơ quan, đoàn thể, các doanh nghiệp của hai nước thông qua sự giao lưu, kết nối về công nghệ trong các lĩnh vực trọng tâm của đô thị thông minh.

Dự án “Thành lập trung tâm hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng” sẽ góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ hoàn thiện thể chế, pháp luật về phát triển đô thị thông minh đồng thời nâng cao năng lực của các cơ quan hoạch định chính sách, các cấp quản lý tại các địa phương. 

Thống kê của AMC cho biết, năm 2021, thông qua cuộc khảo sát nhu cầu tiền dự án dành cho các doanh nghiệp đô thị thông minh của Hàn Quốc, có 27 doanh nghiệp (với 31 công nghệ) mong muốn đưa công nghệ đến Việt Nam. Năm năm 2022, kết quả của Triển lãm kết nối công nghệ đô thị thông minh cho thấy, có 52 cuộc trao đổi về khả năng hợp tác công nghệ giữa các doanh nghiệp hai nước (16 công ty Hàn Quốc và 16 công ty Việt Nam) mong muốn duy trì sự hợp tác giữa các cơ quan, doanh nghiệp để tiếp cận các công nghệ mới.

Sơn Vân/Báo Tin tức
Từ công nghiệp hóa đến đô thị thông minh Bình Dương
Từ công nghiệp hóa đến đô thị thông minh Bình Dương

Những ngày tháng Tám mùa thu nắng đẹp, tiếng vang của những máy móc, không khí lao động của hàng vạn công nhân và sự tươi mới của những dự án phát triển hiện đại, đã tạo nên bức tranh phồn thịnh và năng động của Bình Dương - một tỉnh "đất đỏ miền Đông" đã trải qua cuộc hành trình đầy cam go và thành công.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN