Kết nối chuỗi giá trị vùng Đồng bằng Sông Cửu Long – TP Hồ Chí Minh

Đồng bằng Sông Cửu Long – TP Hồ Chí Minh là khu vực tập hợp được nhiều lợi thế bổ sung cho nhau trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, việc kết nối giữa hai bên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển chung và chưa tương xứng với tiềm năng của cả khu vực.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Phiên toàn thể Diễn đàn Mekong Connect 2023, do UBND Tp. Hồ Chí Minh phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 16/11. 

Chú thích ảnh
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Xuân Anh/TTXVN

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cho biết, năm 2023, sau những biến động lớn trên phạm vi toàn thế giới, những xu hướng mới đã hình thành và phát triển nhanh chóng; trong đó, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu, không thể đảo ngược. Đồng thời, tình hình mới cũng đặt ra nhu cầu tự lực, tự cường, chống chịu của từng quốc gia. Nhu cầu này đòi hỏi các vùng, các địa phương trong cả nước phải liên kết chặt chẽ với nhau để phát huy sức mạnh tổng thể.

Diễn đàn Mekong Connect 2023 với chủ đề “Kết nối chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị giữa vùng kinh tế Tp. Hồ Chí Minh và Đồng bằng Sông Cửu Long hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững” cho thấy Tp. Hồ Chí Minh xác định mối tương quan liên kết vùng chặt chẽ với các tỉnh, thành trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thông qua diễn đàn, chính quyền các tỉnh/thành phố, doanh nghiệp và chuyên gia khoa học tăng cường tiếp xúc, trao đổi, tìm giải pháp thúc đẩy liên kết, phát huy thế mạnh của từng địa phương cùng hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế xanh và bền vững.

Thông tin về thực tế liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, thời gian qua, Đồng bằng sông Cửu Long đã hình thành đa dạng các liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm như liên kết theo chuỗi giá trị; liên kết ngành, cụm ngành hàng chủ lực; liên kết theo chuỗi sản xuất và chế biến; liên kết hướng đến thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước; liên kết vận tải - logistics; liên kết công nghệ thông tin.

Chú thích ảnh
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ phát biểu tại diễn đàn.

Trong số đó, hình thức phổ biến nhất là liên kết theo ngành, cụm ngành hàng chủ lực như: thủy sản, lúa gạo, cây ăn trái, rau màu nhưng hiệu quả không cao, thiếu tính bền vững, vẫn còn tình trạng “bẻ kèo” hợp đồng khi giá cả thị trường thay đổi. Các hình thức liên kết còn lại chỉ dừng ở giai đoạn thử nghiệm. Do vậy, việc hình thành các chuỗi liên kết giá trị có tính chuyên nghiệp cao là rất cần thiết, làm hạn chế việc mất đồng bộ về cung cầu, khắc phục tính dễ bị tổn thương, gây đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. 

Trong bối cảnh đó, việc xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại thành phố Cần Thơ là giải pháp và động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Trung tâm liên kết sẽ là “Một điểm đến đa dịch vụ” góp phần hình thành chuỗi sản xuất liên kết gắn với nhà nông, nhà sản xuất (thương nhân, doanh nghiệp nông sản) và doanh nghiệp xuất, nhập khẩu; khuyến khích thiết lập mối liên kết giữa vùng sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần gia tăng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và giá trị gia tăng của sản phẩm.

Ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt và trước những tác động từ tình trạng biến đổi khí hậu, từng địa phương, từng vùng không thể ứng phó riêng lẻ mà phải đi theo xu hướng tất yếu là liên kết vùng.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Phiên toàn thể Diễn đàn Mekong Connect 2023. 

Thời gian qua, các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã tiến hành liên kết với nhau để hình thành các tiểu vùng Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên, Bán đảo Cà Mau. Việc liên kết để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vùng, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội được xem là giải pháp cơ bản, lâu dài nhằm ổn định và phát triển vùng theo định hướng chung của cả nước.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre, Bến Tre nằm giữa 2 trung tâm lớn là Tp. Hồ Chí Minh và thành phố Cần Thơ, do đó khi hai địa phương này có cơ chế đặc thù để phát triển mạnh mẽ thì Bến Tre cũng được hưởng lợi. Ngoài ra, Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá cho vùng trong những năm tới.

Tuy nhiên, việc triển khai nghị quyết trên phải được cụ thể hoá thành kế hoạch hành động đối với các lĩnh vực có ưu thế và tăng cường gắn kết khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Vấn đề trước mắt của khu vực chính là kết nối về hạ tầng giao thông, hạ tầng sản xuất – chế biến – tiêu thụ nông sản trong và ngoài khu vực. 

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Cần Thơ cho rằng, để liên kết vùng hiệu quả, công tác quy hoạch tích hợp cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long rất quan trọng. Sau hai năm triển khai, quy hoạch vùng đã đạt được một số kết quả; trong đó nổi bật nhất là huy động được nguồn lực đầu tư cho vùng. 

Hàng loạt các công trình đầu tư trong lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi như: dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé giai đoạn 1; các tuyến giao thông huyết mạch gồm cao tốc Bắc Nam đoạn Cần Thơ – Cà Mau, cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, Cao tốc Cao Lãnh – An Hữu… khi hoàn thành sẽ tháo gỡ các điểm nghẽn, mở ra không gian phát triển mới cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 

Chú thích ảnh
Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh ký kết thoả thuận hợp tác với Sở Công Thương các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. 

Tuy nhiên, thách thức hiện nay là thiếu cơ chế vận hành để thực thi và giám sát công tác quy hoạch. Kết quả thực thi chính sách liên kết vùng chưa phát huy hiệu lực và hiệu quả cao nhất. Vì vậy, Chính phủ và các bộ, ngành cần có giải pháp tháo gỡ nút thắt về thể chế như Luật Đất đai, từ đó tạo hiệu lực cho cơ chế điều phối vùng, cụ thể hoá các mô hình hợp tác, xây dựng cụm ngành hàng hoàn chỉnh, thúc đẩy thị trường tài chính cho khu vực. 

Chia sẻ tại diễn đàn, nhiều doanh nghiệp cho rằng, Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long đều có Nghị quyết riêng về cơ chế để phát triển, nhưng xét cho cùng đây vẫn là những chính sách dành riêng cho từng địa phương, khu vực, chưa tạo ra cơ chế để liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long với trung tâm kinh tế lớn nhất là Tp. Hồ Chí Minh. 

Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp mong muốn các địa phương thành viên của diễn đàn tích cực hành động hợp tác, phát huy lợi thế sản xuất nguyên liệu, chế biến nông, thuỷ sản của Đồng bằng sông Cửu Long với trung tâm chế biến – tiêu thụ, xuất khẩu của Tp. Hồ Chí Minh để để nâng cao chuỗi giá trị hàng hoá một cách bền vững.

Tin, ảnh: Xuân Anh (TTXVN)
Kinh tế tuần hoàn là giải pháp trọng tâm để sản xuất và tiêu dùng bền vững
Kinh tế tuần hoàn là giải pháp trọng tâm để sản xuất và tiêu dùng bền vững

Ngày 16/11, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức "Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2023: Xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Kinh tế tuần hoàn” với sự tham gia của Lãnh đạo Chính phủ, Trưởng đại diện các đối tác phát triển, Đại sứ, đại diện các doanh nghiệp lớn, các tổ chức phi chính phủ (NGO), các trường đại học, Viện nghiên cứu và các chuyên gia đầu ngành về kinh tế tuần hoàn (KTTH).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN