Huyện nông thôn mới đầu tiên của Thái Bình

Mùa xuân này, niềm vui của Đảng bộ và nhân dân huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) được nhân lên khi Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 249/QĐ - TTg công nhận Hưng Hà là huyện đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới năm 2015. Đây cũng là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Thái Bình.

Về Hưng Hà những ngày này, khắp nơi rợp cờ hoa, khẩu hiệu chào mừng Xuân mới với nhiều thắng lợi, đặc biệt là trong công cuộc xây dựng nông thôn mới - công cuộc mà ngay từ khi bắt đầu nhiều người dân, nhiều địa phương còn mơ hồ, lúng túng từ cách hiểu, nhận thức đến cách thức thực hiện... Nhớ lại 5 năm trước đây, bước vào xây dựng nông thôn mới nhiều xã của huyện còn nhiều khó khăn, xuất phát điểm thấp. Năm 2010 bình quân toàn huyện mới đạt 5,1/19 tiêu chí.

Sản phẩm chiếu cói thương hiệu Hưng Hà được tiêu thụ rộng rãi trên cả nước và xuất khẩu sang một số nước trong khu vực, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện Hưng Hà đã ban hành 5 nghị quyết chuyên đề xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị trong giai đoạn 2010 - 2020 và những năm tiếp theo. Bên cạnh chính sách chung của tỉnh, huyện đã ban hành các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ riêng, từ đó tạo động lực cho các xã xây dựng nông thôn mới.

Thực tế, nông thôn nhiều địa phương đã “vươn dậy” thay da đổi thịt nhờ những chính sách phù hợp. Xã Minh Hòa là một ví dụ. Mặc dù không được chọn làm điểm trong xây dựng nông thôn mới, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, coi người dân là động lực, trung tâm của xây dựng nông thôn mới, nên đến cuối năm 2014, Minh Hòa đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, về đích trước một năm so với kế hoạch.

Xã thuần nông Đoan Hùng, một trong những xã khó khăn của huyện, kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, cơ sở vật chất chưa đồng bộ. Nhờ có chủ trương đúng, nên từ năm 2010 đến nay, nhân dân đóng góp trên 25 tỷ đồng và hàng chục nghìn ngày công, tự nguyện tháo dỡ nhiều công trình, tài sản nằm trên đất phục vụ cho xây dựng nông thôn mới chung. Nhờ vậy, đến nay xã đã đạt xã nông thôn mới. Từ những con đường đất lầy lội, nay đường xá đều được bê tông hóa từ đường làng đến các ngõ xóm, mọi việc sản xuất đều thuận lợi hơn nhiều.

Theo UBND huyện Hưng Hà, tính đến hết tháng 12/2015, tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới toàn huyện đạt hơn 3.380 tỷ đồng; trong đó vốn trực tiếp cho chương trình 1.441 tỷ đồng, vốn tín dụng 267 tỷ đồng, vốn huy động từ doanh nghiệp 429 tỷ đồng, huy động đóng góp của cộng đồng dân cư 1.027 tỷ đồng gồm tài sản trên đất và ngày công lao động. Đến nay, toàn huyện có 29/33 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 87,87%, các xã còn lại đều đạt từ 14 tiêu chí trở lên; trong đó 100% xã đã đạt tiêu chí hộ nghèo và tiêu chí thu nhập.

Thực tế kinh nghiệm để địa phương này cán đích huyện nông thôn mới là huyện đã lựa chọn các nội dung, tiêu chí thuận lợi, cần ít vốn đầu tư triển khai trước; chọn dồn điền đổi thửa là khâu đột phá, dồn gọn quỹ đất công phục vụ phát triển hạ tầng theo quy hoạch; vận động nhân dân góp đất làm giao thông thủy lợi nội đồng để chỉnh trang đồng ruộng, giảm số thửa bình quân/hộ, tạo điều kiện phát triển nông nghiệp hàng hóa theo mô hình cánh đồng lớn... Trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, huyện ưu tiên đầu tư làm trước các công trình phục vụ phát triển kinh tế như thủy lợi, giao thông, các công trình phúc lợi xã hội. Đồng thời kế thừa tối đa các công trình hiện có kết hợp với bổ sung, nâng cấp, xây dựng mới phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Năm 2016, tỉnh Thái Bình phấn đấu có trên 200 xã và 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Vì vậy, sự thành công trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Hưng Hà nói chung không chỉ là niềm vui mà còn là động lực để các địa phương khác trong toàn tỉnh phấn đấu thay đổi diện mạo nông thôn Thái Bình, tiếp tục đưa tỉnh là lá cờ đầu trong xây dựng nông thôn mới.
Thu Hoài
Nông thôn mới vùng đồng bào  dân tộc Lai Châu
Nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc Lai Châu

Với sự nỗ lực quyết tâm của các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị và nhân dân các dân tộc, Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở tỉnh Lai Châu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN