Huyện Gia Lâm xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị

Sáng 7/1, huyện Gia Lâm (Hà Nội) tổ chức lễ công bố và đón nhận danh hiệu huyện đạt chuẩn nông thôn mới; tổng kết phong trào thi đua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” năm 2019 và phát động phong trào thi đua năm 2020.

Chú thích ảnh
Bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, trao bằng công nhận huyện Gia Lâm đạt chuẩn nông thôn mới cho lãnh đạo và nhân dân huyện Gia Lâm. 

Tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã trao Bằng Công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ và Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước về thành tích suất sắc trong phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 cho nhân dân và cán bộ huyện Gia Lâm.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, trong thành tựu chung về xây dựng nông thôn mới của thành phố, có đóng góp rất quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Gia Lâm. Gia Lâm là 1 trong 5 địa phương của thành phố đang thực hiện lộ trình phát triển thành quận trong giai đoạn đến năm 2025.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội lưu ý, để hoàn thành mục tiêu trên, Gia Lâm cần chú trọng phát huy truyền thống đoàn kết, chủ động, sáng tạo, tạo sự đồng thuận cao của toàn xã hội; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao theo hướng nông thôn mới kiểu mẫu, gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng xã thành phường, huyện thành quận; phấn đấu huyện Gia Lâm đủ điều kiện thành quận vào năm 2022.

Mặt khác, huyện Gia Lâm cần tập trung huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại gắn với phát triển đô thị; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đặc biệt quan tâm hỗ trợ, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất nông nghiệp; phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, bảo đảm phát triển sản xuất bền vững, hiệu quả...

Bên cạnh đó, huyện cần thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; chăm lo các gia đình chính sách, gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công..., đặc biệt Gia Lâm cần quan tâm thực hiện xây dựng nếp sống văn hóa mới, theo tinh thần người Hà Nội văn minh - thanh lịch .

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần cho hay, trước năm 2010 huyện Gia Lâm có xuất phát điểm thấp, thiếu các tiêu chí về quy hoạch, hạ tầng kinh tế - xã hội, hộ nghèo, môi trường… Chính vì vậy, khi thực hiện chương trình, huyện Gia Lâm xác định chọn hướng đi “xây dựng nông thôn mới gắn liền với phát triển đô thị”.

Sau gần 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, huyện đã huy động nhiều nguồn lực, đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng để phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng. Hiện 100% đường trục xã, liên xã được bê tông hóa, đa số được lắp đặt hệ thống chiếu sáng; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 84,6%; trong đó có 7 trường học đạt chuẩn mức độ 2; 88% người dân tham gia bảo hiểm y tế... Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2019 đạt gần 3.165 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 55,4 triệu đồng.

Huyện Gia Lâm có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều xã đang hướng tới thực hiện nông thôn mới nâng cao. Trên địa bàn Hà Nội, Gia Lâm là huyện thứ 4, sau huyện: Thanh Trì, Hoài Đức, Đông Anh đạt huyện nông thôn mới.

Tin, ảnh: Mạnh Khánh (TTXVN)
Thành phố Lai Châu đạt chuẩn nông thôn mới
Thành phố Lai Châu đạt chuẩn nông thôn mới

Sáng 31/12, UBND tỉnh Lai Châu tổ chức Lễ công bố thành phố Lai Châu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Đây là đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh Lai Châu về đích xây dựng nông thôn mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN