Hủy kết quả phát hành trái phiếu Tân Hoàng Minh: Sẽ không tác động nhiều tới ngân hàng

Theo thông tin mới nhất từ Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), về phía các ngân hàng, tác động trực tiếp của việc hủy kết quả phát hành trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh là không nhiều. 

Chú thích ảnh
Sự việc hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu của Tân Hoàng Minh có thể ảnh hưởng đáng kể tới khả năng huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản.

Để tạo sự uy tín với nhà đầu tư mua trái phiếu, 3 công ty thành viên của Tân Hoàng Minh đều nhắc đến các ngân hàng uy tín, ví dụ tham gia đợt phát hành lô trái phiếu này có ngân hàng đóng vai trò là đại lý thanh toán, chưa kể một số công ty chứng khoán tham gia vào các đợt phát hành trái phiếu. 

Tuy nhiên mới đây, phía SHB và VietinBank đều khẳng định: Không bảo lãnh phát hành, không bảo lãnh thanh toán, không thực hiện dịch vụ phân phối các lô trái phiếu bị hủy của Tân Hoàng Minh.

Liên quan đến 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ của nhóm công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh mà UBCK vừa có quyết định hủy, đại diện VietinBank cho biết: Ngân hàng thực hiện cung ứng dịch vụ quản lý tài khoản và quản lý tài sản cho các đợt phát hành trái phiếu của Công ty cổ phần (CP) Đầu tư và dịch vụ Khách sạn Soleil, Công ty CP Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt và Công ty CP Cung điện Mùa Đông thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh với tổng số tiền 6.530 tỷ đồng. “Ngân hàng không bảo lãnh phát hành, không bảo lãnh thanh toán, không thực hiện dịch vụ phân phối các lô trái phiếu trên”, đại diện VietinBank cho biết.

Theo VCBS, đối với các ngân hàng với vai trò là bên mua trái phiếu, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tham gia mua ít nhất 3 đợt phát hành trái phiếu của nhóm Tân Hoàng Minh tuy nhiên quy mô của 3.000 tỷ đồng trái phiếu của 3 đợt trên và 10.000 tỷ đổng trái phiếu của cả 9 đợt phát hành vẫn là mức có tỷ trọng thấp so với tổng tín dụng của cả hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên đối với các doanh nghiệp bất động sản, đại diện VCBS cho rằng: Việc hủy kết quả phát hành trái phiếu Tân Hoàng Minh trong ngắn hạn sẽ tác động tiêu cực đến khả năng huy động vốn của nhóm doanh nghiệp cùng ngành vì nhà đầu tư sẽ có góc nhìn dè dặt hơn rất nhiều về tính an toàn của sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) bất động sản.

Nhìn rộng hơn về góc độ cơ quan quản lý, các chuyên gia VCBS cho rằng: Đây là bước đi được cho là cần thiết nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường TPDN trong dài hạn.

“Không loại trừ khả năng Nghị định số 153/2020/NĐ-CP đang được lấy ý kiến sửa đổi sẽ có những điều khoản siết chặt nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch, giảm thiểu các rủi ro phát sinh nhằm mục tiêu phát triển thị trường TPDN bền vững”, báo cáo của VCBS nêu. 

Ở khía cạnh khác, đây là cơ hội để các sản phẩm TPDN chất lượng khẳng định được độ tín nhiệm với các nhà đầu tư. Các động thái gần đây của các cơ quan quản lý với các sai phạm trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán thời gian qua sẽ góp phần thanh lọc thị trường gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán nói riêng và dòng vốn đầu tư vào Việt Nam nói chung.

Theo thông tin công bố trên cổng thông tin TPDN, các khoản trái phiếu của nhóm doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh vừa bị UBCK hủy kết quả đều là các trái phiếu có tài sản đảm bảo bằng quyền sử dụng đất kèm chứng thư định giá hoặc bằng các tài sản thế chấp là cổ phiếu với giá trị theo chứng thư định giá có giá trị 130 - 200% giá trị của các đợt huy động. Tuy nhiên hầu hết là các doanh nghiệp chưa niêm yết do đó khả năng thanh lý tài sản đảm bảo sẽ có mức độ khả thi thấp hơn và mất nhiều thời gian trong quá trình xử lý thu hồi tài sản đảm bảo.

Trên thực tế, các lô trái phiếu trên phần nhiều đã được phân phối đến các nhà đầu tư cá nhân với các gói kỳ hạn và giá trị linh hoạt. Cùng với đó, trong 8 lô trái phiếu đã công bố thông tin, 2 lô đã hoàn thành kỳ trả lãi đầu tiên cho các trái chủ, điều này tiềm ẩn nhiều phức tạp trong quá trình huỷ các đợt phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp trên. 

Vì vậy theo VCBS, cần thêm thời gian để chờ đợi các văn bản hướng dẫn của các cơ quan lý đối với hướng giải quyết dành cho các trái chủ. Trường hợp các cơ quan quản lý có thể phối hợp với Tân Hoàng Minh giải quyết ổn thỏa quyền lợi của trái chủ là tổ chức và cá nhân, mức độ thiệt hại sẽ được giới hạn trong phạm vi hẹp. Ngược lại, nếu Tân Hoàng Minh vỡ nợ hoặc phá sản thì lúc đó thị trường tài chính cũng như các ngân hàng liên quan đến việc cấp tín dụng cho Tân Hoàng Minh sẽ chịu tác động mạnh hơn.

Minh Phương/Báo Tin tức
Nhân vụ việc tại Tân Hoàng Minh: Góc nhìn pháp lý trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Nhân vụ việc tại Tân Hoàng Minh: Góc nhìn pháp lý trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN nhân vụ việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa có quyết định hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ của 3 công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty Luật SBLAW đã có những nhận định về lỗ hổng pháp lý và rủi ro mà nhà đầu tư gặp phải, đồng thời đưa ra kiến nghị liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN