Hướng tới nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp

Lần đầu tiên, ngành nông nghiệp cán mốc xuất khẩu nông sản đạt trên 30 tỷ USD. Trong đó, nhiều mặt hàng nông sản truyền thống như: gạo, cà phê, gỗ, thủy sản... vẫn giữ vững được vị trí dẫn đầu về xuất khẩu trong năm 2014. Thách thức đối với nền nông nghiệp Việt Nam trong năm 2015 là phải tập trung nâng cao giá trị để xuất khẩu hiệu quả hơn và cạnh tranh tốt hơn trong quá trình hội nhập.

Lập kỷ lục xuất khẩu

Nếu như năm 2004, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam chỉ đạt trên 4 tỷ USD, thì 10 năm sau, xuất khẩu nông sản đã tăng gần 8 lần, dự kiến đạt mốc trên 30 tỷ USD (năm 2013 là 27,5 tỷ USD). Đây là một cố gắng vượt bậc của ngành nông nghiệp trong bối cảnh kinh tế thế giới ngày càng có nhiều biến động, cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 11 tháng năm 2014 ước đạt trên 28,20 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2013. Cả năm 2014, ước đạt trên 30 tỷ USD.

Gạo là một trong những nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Ảnh: Đình Huệ - ttxvn


Trong đó, các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực là: gạo ước đạt 6,03 triệu tấn và 2,79 tỷ USD, tăng 1,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013; cà phê ước đạt 1,56 triệu tấn và 3,26 tỷ USD, tăng 33,4% về khối lượng và tăng 32,2% về giá trị so cùng kỳ; cao su đạt 954.000 tấn với giá trị đạt 1,62 tỷ USD, tăng 0,5% về khối lượng; gỗ đạt 5,58 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ...

Năm 2015, thực hiện cam kết trong WTO và các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa các nước Đông Nam Á (ASEAN) với Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia sẽ đem lại khó khăn, thách thức nhiều hơn cho nông sản của Việt Nam. “Tuy mức độ cam kết và thời gian thực hiện trong các FTA có khác nhau, nhưng nhìn chung, mức độ mở cửa trong lĩnh vực nông sản là rất sâu, rộng. Tính đến 2015, nước ta gần như mở cửa hoàn toàn thị trường nông sản trong khu vực ASEAN. Thuế nhập khẩu của tất cả các mặt hàng nông sản đều bằng 0%, trừ một số trong danh mục nông sản nhạy cảm như đường mía, thịt và trứng gia cầm thương phẩm, bưởi, chanh, thịt chế biến là 5%”.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát

Năm 2014 tiếp tục là năm không thuận lợi cho tiêu thụ nông sản cả xuất khẩu và trong nước. Nhu cầu nông sản trên thị trường thế giới luôn trong xu hướng giảm suốt từ giữa năm 2012 do các quốc gia nhập khẩu nông sản chính của Việt Nam như EU, Hoa Kỳ, Nhật, Philippines... phục hồi tăng trưởng chậm, sức mua thấp đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu của ngành. Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản và lâm sản đã tăng mạnh về giá trị nên tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành vẫn tăng khá mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: “Năm 2014 có thể nói là “mưa thuận, gió hòa”, nhiều sản phẩm nông sản được mùa, được giá, sản lượng hầu hết các loại nông lâm thủy sản đều tăng. Về tiêu thụ nông sản, đã có sự phát triển đồng bộ với sản xuất. Do đó, giá cả các loại nông sản trong nước được giữ ở mức khá cao, có lợi cho bà con nông dân. Năm 2014, chắc chắn nước ta sẽ xuất khẩu đạt trên 30 tỷ USD, đây là dấu ấn mới của ngành nông nghiệp”.

Cùng quan điểm này, ông Đặng Kim Sơn, Viện Trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) cho rằng: “Năm 2014, ngành nông nghiệp có nhiều điều kiện thuận lợi, dịch bệnh không bùng phát, ít bão gió. Sản xuất lúa tăng thêm được 1 triệu tấn; đạt mốc 50 triệu tấn lương thực, xuất khẩu tốt, giá tôm, cà phê, tiêu khá ổn. Lần đầu tiên cán mốc xuất khẩu 30 tỷ USD. Nhìn chung, nông nghiệp tăng trưởng tốt, đạt và vượt kế hoạch. Mức tăng trưởng cao hơn năm trước, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của đất nước”.

Bên cạnh đó, có sự linh hoạt hơn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo thêm thu nhập cho người dân, “Bộ NN&PTNT, Chính phủ không ‘giữ cứng’ đất lúa. Nông dân có thể chuyển đổi đất lúa sang trồng cây con khác có giá trị cao hơn như: nuôi cá, tôm, trồng màu... vấn đề là giữ đất nông nghiệp, không để mất đất đai canh tác đã được Nhà nước đầu tư về nhiều tiền để làm thủy lợi. Không biến nó thành đất công nghiệp, các dự án bỏ không”, ông Sơn nói.

Tái cơ cấu để nâng cao giá trị

Mặc dù, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều khả quan trong năm 2014, nhưng nhìn tổng thể, tốc độ tăng trưởng của ngành vẫn thấp hơn so với nhiệm vụ được giao. Năm 2014, tăng trưởng của ngành đạt khoảng 3,1%, trong khi giai đoạn 2011 - 2020 phải duy trì tốc độ của ngành trên 3,5%. Hơn nữa, tình hình đánh bắt, khai thác ngoài khơi vẫn có nhiều diễn biến phức tạp có thể ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu của ngành nông nghiệp.

“Vì thế, yêu cầu đặt ra đối với ngành nông nghiệp phải có sự điều chỉnh quyết liệt, để thay đổi, đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn. Đó chính là nhiệm vụ của tái cơ cấu nông nghiệp”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Năm 2015, ngành nông nghiệp phấn đấu tăng trưởng GDP toàn ngành đạt từ 3,0 - 3,3%; giá trị sản xuất tăng từ 3,4 - 3,7% so với năm 2014 (trong đó trồng trọt 2,5 - 2,8%, chăn nuôi 2,8 - 3,2%, lâm nghiệp 6,0 - 6,5%, thủy sản 6,0 - 6,5%). Giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản đạt 31 tỷ USD.

Để đạt được các mục tiêu trên, ngành nông nghiệp sẽ tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Tái cơ cấu ngành chăn nuôi, phát triển chăn nuôi phù hợp với nền kinh tế thị trường; đáp ứng cơ bản các loại thực phẩm thiết yếu (thịt, trứng, sữa) cho tiêu dùng xã hội, xây dựng các điều kiện tiếp cận thị trường, tiến tới xuất khẩu một số sản phẩm chăn nuôi có tiềm năng. Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, hiệu quả, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường và giá trị gia tăng cao; bảo vệ nguồn lợi thủy sản và góp phần giữ gìn biển đảo, an ninh quốc phòng; thủy sản năm 2015 tăng 6,0 - 6,5%; kim ngạch xuất khẩu khoảng 7,5 tỷ USD.

Trong đó, để cải thiện năng suất lao động và giá trị nông sản, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: ”Mục tiêu chung của ngành nông nghiệp, nông thôn trong năm 2015 là tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nền nông nghiệp có giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững trên cơ sở thực hiện tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới góp phần đẩy nhanh phát triển nền kinh tế, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh quốc phòng”. Nâng cao giá trị gia tăng hàng nông, lâm, thủy sản thông qua chế biến, bảo quản và giảm tổn thất sau thu hoạch. Phấn đấu, đến năm 2020, giá trị gia tăng các ngành hàng nông lâm thủy sản tăng bình quân 20% so với hiện nay; tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản thủy sản giảm 50% so với hiện nay.

Đồng thời, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ rà soát, sửa đổi bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp, kiên quyết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản phẩm trên từng địa bàn, từng địa phương, vùng, cả nước để vừa phát huy lợi thế của địa phương vừa quản lý sản xuất theo quy hoạch, theo chuỗi giá trị và phù hợp với cung, cầu thị trường.

Bộ NN&PTNT đã xin phép và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, năm 2015 sẽ rà soát lại Quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp (Quyết định 124/2012/QĐ-TTg ngày 2/2/2012) phục vụ tái cơ cấu. Đây là nhiệm vụ lớn, toàn ngành phải tập trung rà soát, điều chỉnh; đặc biệt chú trọng đối với quy hoạch phát triển các cây công nghiệp như cao su, cà phê, điều, hạt tiêu.

Ngoài ra, “ngành sẽ đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, hình thành các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa doanh nghiệp với nông dân, tạo ra các thương hiệu cho nông sản Việt Nam”, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết.

Trong lĩnh vực thương mại, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, ngành nông nghiệp phải tăng cường phát triển thị trường kích cầu thị trường nội địa, bảo đảm tiêu thụ kịp thời, hiệu quả nông sản hàng hóa. Bên cạnh đó, cần đổi mới phương thức hoạt động xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Phát hiện nhanh và giải quyết kịp thời những rào cản thương mại, rào cản về tiêu chuẩn kỹ thuật từ các nước nhập khẩu để mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản”.

Hữu Vinh

Giải trình về tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Giải trình về tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Ngày 31/12, tại Hà Nội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên giải trình “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của hàng nông, lâm, thủy, hải sản Việt Nam”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN