Hướng đến xuất khẩu bền vững: Bài cuối: Xây dựng chiến lược và lộ trình phù hợp

Nhận định hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới có thể sẽ gặp khó khăn và thách thức do nền kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường, Bộ Công Thương cho rằng vấn đề hiện nay là cần phải có các chiến lược và lộ trình thực hiện hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế.

 

Lựa chọn các hoạt động phù hợp


Sự phát triển nhanh chóng của các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) trong những năm gần đây đã và đang có những đóng góp tích cực hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất và kinh doanh, đặc biệt là trong việc mở rộng thị trường đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, chính sự phát triển nhanh chóng đó đã và đang đặt ra nhiều khó khăn đối với các tổ chức và cơ quan quản lý nhà nước về XTTM.


Cục Xúc tiến thương mại cho rằng, tổng chi phí ngân sách cho hoạt động này là hạn chế so với quy mô của doanh nghiệp trên toàn quốc nên không khuyến khích tăng trưởng xuất khẩu trong dài hạn. So với các nước trong khu vực và thế giới, nguồn ngân sách cho các hoạt động này ở Việt Nam vẫn còn thấp. Theo Ngân hàng Thế giới, kinh phí cho hoạt động XTTM trung bình của các quốc gia là 0,11% kim ngạch xuất khẩu. Con số này ở Việt Nam vào năm 2011 là 55 tỷ đồng, bằng 0,0036% kim ngạch xuất khẩu, tương đương 1/30 tỷ lệ trung bình của thế giới và bằng 13,6% nhu cầu hỗ trợ do doanh nghiệp đề xuất. Con số trên cho thấy ngân sách cho XTTM của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và thiếu tính cạnh tranh so với các quốc gia khác.


 

Chế biến món ăn Sushi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản trên dây chuyền hiện đại mới lắp đặt. Ảnh: Danh Lam – TTXVN

 

Theo Cục Xúc tiến thương mại, để đảm bảo tính hiệu quả, hoặc với chi phí thấp mà vẫn đảm bảo các yêu cầu công việc, khi thực hiện công tác XTTM doanh nghiệp cần tôn trọng một số nguyên lý như lựa chọn các hoạt động XTTM phù hợp với khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp; lựa chọn các tổ chức cung cấp dịch vụ xúc tiến xuất khẩu hiệu quả có uy tín và đảm bảo chất lượng các dịch vụ được cung cấp. Cùng với việc chuẩn bị kỹ lưỡng và đầy đủ các tài liệu cũng như các công việc cần thiết cho mỗi hoạt động XTTM, doanh nghiệp cũng phải sử dụng hoạt động XTTM phù hợp với năng lực tài chính và nhân lực của bản thân doanh nghiệp.


Một điểm cần chú ý khi xem xét ngân sách dành cho hoạt động XTTM là nếu để thúc đẩy doanh số bán trong ngắn hạn thì sẽ được coi là chi phí nhưng nếu để xây dựng hình ảnh công ty và thương hiệu trong dài hạn thì phải được tính là một khoản đầu tư cho tương lai. Doanh nghiệp cũng có thể tận dụng việc hỗ trợ của Chính phủ thông qua các chương trình khuyến công, khuyến nông, chương trình XTTM quốc gia hoặc chương trình tương tự để có thể tăng cường khả năng bán hàng và ký các hợp đồng lớn. Đồng thời, tham gia vào các đoàn XTTM cùng các đoàn của Chính phủ cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm đối tác hợp tác kinh doanh.

 

Thực hiện đồng bộ các giải pháp


Doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, do đó không có đủ nguồn lực tài chính và nhân lực giỏi để thực hiện thành công các chiến lược và kế hoạch cạnh tranh với các đối thủ lớn. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa có lợi thế về tính linh hoạt và chủ động trong việc điều chỉnh các hoạt động cũng như quá trình ra quyết định. Các chuyên gia kinh tế khuyến nghị là cần cải tiến phương pháp đánh giá điều kiện cầu và dự đoán doanh thu thị trường. Do hiện tại doanh nghiệp mới chỉ dựa trên những dữ liệu cứng như kết quả kinh doanh, doanh số bán và thống kê để đánh giá cầu, vì thế nó chỉ phản ánh được kết quả quá khứ mà không chỉ ra được tương lai.


Muốn thấu hiểu phân đoạn thị trường mà mình theo đuổi, doanh nghiệp cần quan tâm đến những nhóm nhân tố khác ngoài hệ quy chiếu dành cho đặc tính sản phẩm.
Cục Xúc tiến thương mại đề xuất, để tiết kiệm các chi phí trung gian, xã hội đã chuyển hướng từ các kênh tiêu dùng truyền thống sang các kênh hiện đại. Vì thế, doanh nghiệp cũng phải đẩy mạnh đưa hàng vào hệ thống bán lẻ, siêu thị và bán hàng trực tuyến. Sau đó, phải xác định được chiến lược giá thích hợp. Do đặc điểm nhỏ và yếu về nhiều mặt nên doanh nghiệp không thể thực hiện chiến lược phí hạ (giảm thiểu chi phí để giảm giá liên tục cạnh tranh với đối thủ). Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải chuyển đổi sang các chiến lược định giá phân biệt theo từng phân khúc thị trường và đó là giải pháp cần ưu tiên số một.


Trên thực tế, một số chương trình hàng đổi hàng hoặc thực hiện việc bán hàng theo các hiệp định tài trợ hoặc hỗ trợ có thể được tiến hành. Các đơn hàng này thường không bền vững nhưng lại là điều kiện để doanh nghiệp có thể có được đầu ra chắc chắn. Xem xét các hiệp định cắt giảm hàng rào thuế quan và kỹ thuật để có thể thực hiện các chiến lược phù hợp với các cam kết và lộ trình đưa hàng vào các thị trường mục tiêu. Các cam kết này thường được bổ sung và cập nhật liên tục, do đó, doanh nghiệp cần một đơn vị thứ ba tổng hợp và cung cấp thông tin kịp thời. Doanh nghiệp cần tận dụng các kết quả đàm phán, lộ trình thực hiện các cam kết song phương, đa phương của Chính phủ Việt Nam với các quốc gia mà doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu.


Đỗ Thảo Nguyên

Hướng đến xuất khẩu bền vững - Bài 1: Trăn trở chiến lược thâm nhập thị trường
Hướng đến xuất khẩu bền vững - Bài 1: Trăn trở chiến lược thâm nhập thị trường

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, xuất khẩu của Việt Nam hiện vẫn chưa bền vững; chất lượng tăng trưởng xuất khẩu chưa cao và còn chứa đựng nhiều rủi ro.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN