Ông Kim Lập Quần. Ảnh: Yonhap/TTXVN |
Ông Kim Lập Quần cũng nhắm tới làm dịu những quan ngại cho rằng AIIB ra đời để thách thức tầm ảnh hưởng của Mỹ và Nhật Bản trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Theo trang chủ của AIIB, với hơn 20 nước trong danh sách chờ tham gia, số thành viên của AIIB có thể ngang bằng, thậm chí vượt qua mức tương ứng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) do Nhật Bản đứng đầu. ADB hiện có 67 thành viên, trong đó 19 thành viên nằm ngoài khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
AIIB có 57 nước thành viên và theo ông Jin Liqun, hơn 20 nước khác mong muốn được tham gia ngân hàng này. Nếu được chấp nhận, tổng số thành viên AIIB sẽ lên tới hơn 70. Cựu Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Jin Liqun, do Bắc Kinh tiến cử, đã được các nước thành viên sáng lập bầu làm Chủ tịch AIIB tháng Tám vừa qua.
AIIB được coi là đối trọng của Ngân hàng Thế giới (WB) có trụ sở tại Washington (Mỹ) và ADB có trụ sở tại Manila (Philippines). Mỹ và Nhật Bản - nền kinh tế lớn nhất và lớn thứ ba thế giới - đều từ chối tham gia AIIB.
AIIB đóng trụ sở ở Bắc Kinh và dự kiến đi vào hoạt động trong năm tới, với tổng vốn 100 tỷ USD, trong đó vốn ban đầu là 20 tỷ USD.
Trung Quốc sẽ là cổ đông lớn nhất của AIIB với 30% cổ phần. Trong số những thành viên nằm ngoài châu Á thì Đức là cổ đông lớn nhất với 4,5% cổ phần, tiếp đến là Pháp và Brazil lần lượt 3,4% và 3,2% cổ phần.