Hội Sinh vật cảnh Việt Nam: Hướng tới cảnh quan thiên nhiên và nền kinh tế sinh thái có giá trị cao

Nhà báo Đỗ Phượng, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam khóa IV đã được Ban Bí thư giới thiệu tái cử Chủ tịch Hội nhiệm kỳ V và được Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh cảnh khoá V chấp thuận cử làm Chủ tịch. Nhân dịp này, phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc phỏng vấn ông Đỗ Phượng về những hoạt động của hội trong nhiệm kỳ tới:

Thưa ông, trước khi tiến hành Đại hội lần V, Hội Sinh vật cảnh có đợt sinh hoạt chính trị theo chủ đề “Học tập và làm theo tư duy, cách ứng xử và nếp sống của Bác với thiên nhiên và Sinh vật cảnh”, ông có thể cho biết kết quả của đợt sinh hoạt này?

Nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Bác, ngày 19/5/2010, Trung ương Hội họp và tổ chức hội thảo “Bác Hồ với thiên nhiên và Sinh vật cảnh” tại Nghệ An. Đồng chí Tòng Thị Phóng được Ban Bí thư phân công dự và có bài phát biểu chỉ đạo hội thảo.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Đại hội Hội Sinh vật cảnh Việt Nam khóa V. Ảnh: Văn Sửu


Một năm rưỡi qua là một đợt sinh hoạt chính trị theo chủ đề “Học tập và làm theo tư duy, cách ứng xử và nếp sống của Bác với thiên nhiên và Sinh vật cảnh”.

Hội xuất bản và phát hành rộng rãi (không bán) tập sách “Bác Hồ với thiên nhiên và Sinh vật cảnh”.

Tháng 12/2010, Trung ương Hội họp tại làng hoa Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) và đúng ngày giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Bác Hồ, các đoàn đại biểu dự họp đã về Cao Lãnh, đem theo các cây do Bác ươm trồng từ An toàn khu Thái Nguyên, khu Di tích Phủ Chủ tịch cùng nhiều cây có giá trị lịch sử và cây đặc hữu khắp 3 miền (có cây trồng ở khu mộ cụ Hoàng Thị Loan) trồng tại Công viên lăng cụ thân sinh Bác Hồ.

Cũng tại Đồng Tháp, Trung ương Hội đã chính thức quyết định triệu tập Đại hội lần thứ V tại Hà Nội vào cuối năm 2011 với tư tưởng chỉ đạo, học tập phong cách làm việc của Bác “Phải chuẩn bị chu đáo, có nội dung thiết thực tập hợp rộng rãi ý kiến tổ chức hội các vùng, miền, không hình thức nhưng phải theo đúng lộ trình, điều lệ Hội và các quy định của Đảng và Nhà nước”.

Trong dịp Đại hội lần V này có nét gì mới không, thưa ông?

Thường trực Trung ương Hội sau khi chuẩn bị báo cáo nhiệm kỳ IV và phương hướng nhiệm kỳ V, để lấy ý kiến của các tỉnh, thành phía Bắc. Tiếp đó, Thường vụ Trung ương Hội họp mở rộng với một số lãnh đạo chủ chốt của Hội ở Nam bộ, miền Trung và Tây Nguyên vào cuối tháng 5/2011 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài việc góp nhiều ý kiến vào báo cáo nhiệm kỳ, hội nghị đã thẳng thắn đặt vấn đề sửa đổi Điều lệ Hội và báo cáo tự phê bình của Ban Chấp hành Trung ương Hội.

Đầu tháng 10/2011, Thường vụ Trung ương Hội họp mở rộng tại Hà Nội, có sự tham dự của Bộ Nội vụ, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Dân vận Trung ương, và Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bổ sung và thông qua báo cáo nhiệm kỳ IV và phương hướng nhiệm kỳ V, dự thảo sửa đổi Điều lệ Hội, báo cáo tự phê bình của Ban Chấp hành Trung ương Hội. Cuối phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gặp gỡ các đại biểu dự hội nghị, biểu dương những cố gắng của Hội nhiệm kỳ IV và nhắc nhở Trung ương Hội phải có báo cáo Ban Bí thư và đồng chí sẽ tham gia ý kiến với Thường trực Ban Bí thư về công tác của Hội mà đồng chí đã theo dõi cả nhiệm kỳ IV. Đồng chí cũng động viên lãnh đạo Hội phải nỗ lực nhiều hơn trong nhiệm kỳ V, xứng đáng với mục tiêu cao quý của Hội Sinh vật cảnh.

Hai tháng 10 và 11, các tỉnh, thành hội đã nhận được văn kiện. Nhiều tỉnh, thành hội đã họp đại hội (nếu hết nhiệm kỳ) hoặc tổng kết công tác hội, góp ý kiến vào các văn kiện và cử đoàn đại biểu về dự đại hội.

Ông Đỗ Phượng và các hội viên trò chuyện với Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhân dịp hội thảo “Bác Hồ với thiên nhiên và Sinh vật cảnh” .


Thưa ông, vậy đâu là thành tựu lớn nhất của Hội Sinh vật cảnh nhiệm kỳ 2007-2011?

Hội Sinh vật cảnh Việt Nam thời gian qua đã phát triển mạnh mẽ. Riêng số hội viên được phát thẻ đã gần 20 vạn. Hội có tổ chức cơ sở khắp cả nước. Nhiều tỉnh có tới 80 - 90% số xã có tổ chức hội. Toàn quốc có 1,5 triệu lao động chuyên sản xuất và làm dịch vụ Sinh vật cảnh và 2,5 triệu lao động thời vụ, tạo ra nguồn thu nhập ngày càng cao, có nơi đạt tới 20% giá trị thu nhập từ nông nghiệp, có trên 5 vạn hộ thoát nghèo đói bằng nghề Sinh vật cảnh. Hàng ngàn thương binh kể cả những người cụt cả 2 chân trở thành chủ nhà vườn, chủ doanh nghiệp Sinh vật cảnh. Nơi nào tổ chức Sinh vật cảnh phát triển thì khu dân cư sống hòa đồng, thân thiện, không có đơn thư khiếu nại, các chức sắc tôn giáo tham gia hội tự nguyện. Có tỉnh như Bến Tre, Bình Định, 100% cơ sở tôn giáo (cả Thiên Chúa giáo, Hòa hảo, Cao đài) có Chi hội Sinh vật cảnh. Việc trưng bày Sinh vật cảnh trong các đợt sinh hoạt chính trị và lễ hội lớn từ cấp xã, huyện, tỉnh được nhân dân hưởng ứng, trở thành một nét văn hóa mới ở khắp các địa phương.

Đáng quý là nhiều cấp hội đã chăm lo trồng mới và chăm sóc rừng ngập mặn, phủ xanh đồi trọc, riêng tổ chức hội đã trồng được 50 triệu cây xanh đạt độ cao từ trên 2 mét. Một số tỉnh, hội đã lên hồ sơ được 5.000 cây cổ thụ, cây di tích lịch sử để chăm sóc bảo vệ. Điều mới là đã có nhiều hội viên có diện tích nuôi trồng cây, hoa giống để cung cấp cho nông dân ươm trồng, uốn tỉa. Vừa qua hội đã kiểm tra xác định những kẻ vào rừng chặt cây quí đều không phải là hội viên.

Thưa ông, vậy trong thời gian tới, Hội có những vấn đề nào cần phải giải quyết?

Chỉ tiêu đã được Chính phủ phê duyệt năm 2010 phải đạt 500 triệu USD xuất khẩu từ hoa, cây cảnh. Đến năm 2010, kể cả cá cảnh và xuất khẩu tiểu ngạch cũng chưa đạt nổi 100 triệu USD. Trong khi lan cắt cành thậm chí cả giỏ hoa vẫn phải nhập khẩu với số lượng không nhỏ (chưa có thống kê về giá trị nhập khẩu). Thành phố Hồ Chí Minh là nơi nhập khẩu hàng ngày qua đường hàng không.

Mục tiêu của Đại hội V Hội Sinh vật cảnh: Xuất khẩu 200 triệu USD và giảm nhập khẩu 80% hoa tươi tiêu dùng; tạo thêm việc làm cho khoảng 600.000 lao động, nâng tổng số lao động lên trên 3 triệu người; tổng diện tích sản xuất sinh vật cảnh tập trung và phân tán cả nước lên 80.000 ha; tổng thu nhập chịu thuế từ hoạt động sản xuất sinh vật cảnh đạt trên 17.000 tỷ đồng.

Ngay tỉnh Lâm Đồng tổ chức Festival Hoa quốc tế Đà Lạt và được ngân sách nhà nước cấp kinh phí lớn mà nay cũng chỉ xuất khẩu cao nhất là 17 triệu USD/năm mà 80% là của doanh nghiệp nước ngoài.

Do đó, muốn xuất khẩu hoa, cây cảnh, cá cảnh thì phải chuyển phương thức sản xuất kinh doanh từ khâu giống, chăm sóc, thu hái, bảo quản, vận chuyển theo một quy trình kỹ thuật đồng bộ. Nếu không có quy hoạch của Nhà nước, Trung ương và địa phương, có nguồn vốn đầu tư, có chính sách thuê đất, thuế và hải quan.

Cũng đòi hỏi phải đào tạo lao động kỹ thuật cao. Hiện nay hàng năm, hội cũng tổ chức đào tạo 5-7 chục vạn lượt lao động nhưng cũng chỉ là phương thức lao động thủ công tiến bộ chứ không phải lao động kỹ thuật mới.

Vấn đề sản xuất, dịch vụ sinh vật cảnh; nhất là cho xuất khẩu nếu được Chính phủ chỉ đạo các ngành có quy hoạch, kế hoạch cụ thể, Hội Sinh vật cảnh động viên quần chúng thực hiện (kể cả tham gia vốn đầu tư) thì chắc chắn đến năm 2015-2020 sẽ đạt được chỉ tiêu Chính phủ đề ra từ năm 2000.

Xin cảm ơn ông!

Xuân Minh (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN