Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC tại Mátxcơva

Trong khuôn khổ tiến trình hợp tác tài chính thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), ngày 30/8, tại Mátxcơva (Moscow) đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 19.


Đây là sự kiện chính trị quan trọng nhất trong tiến trình hợp tác của các bộ trưởng tài chính APEC nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh APEC, khai mạc ngày 2/9 tại thành phố Valđivôxtốc (Vladivostok) của Nga.


Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Tài chính Trương Chí Trung dẫn đầu đã tham dự hội nghị.

Đoàn đại biểu Bộ Tài chính Việt Nam đã chủ động và tích cực tham gia vào các phiên họp của Hội nghị.


Hội nghị diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều bất ổn. Hầu hết các đầu tàu kinh tế thế giới đều tăng trưởng chậm hơn so với dự kiến, trong khi cuộc khủng hoảng tại Khu vực đồng euro (Eurozone) đang tiếp tục tác động bất lợi tới tăng trưởng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.


Tại hội nghị, các bộ trưởng tài chính tiếp tục cho rằng mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng được đặt ra từ Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) tại Washington (Oasinhtơn), Mỹ là một trong những mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong khu vực.


Hai chủ đề được đặc biệt quan tâm tại hội nghị lần này là vấn đề bền vững tài khóa và đẩy mạnh giáo dục cùng phổ cập kiến thức tài chính cho người dân.


Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính công tại Eurozone đang tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, vấn đề bền vững tài khóa một lần nữa trở thành chủ đề nóng trong các phiên làm việc của các bộ trưởng.


Bên cạnh nguyên nhân thâm hụt ngân sách tăng cao và kéo dài làm suy giảm tính bền vững ngân sách, một nguyên nhân khác được các bộ trưởng tập trung thảo luận là vấn đề nợ của khu vực tư nhân. Các bộ trưởng cho rằng mức nợ cao của khu vực tư nhân và khu vực ngân hàng đang là nguy cơ tiềm ẩn đối với bền vững ngân sách.


Các bộ trưởng đề xuất cần tăng cường giám sát chặt chẽ những rủi ro phát sinh từ gánh nặng nợ quá cao của khu vực tư nhân.


Ngoài ra, vấn đề già hóa dân số cũng là một trong những nguyên nhân cần được tính đến trong các phân tích về bền vững ngân sách.


Giáo dục và phổ cập kiến thức tài chính là chủ đề được đặc biệt quan tâm tại hội nghị lần này. Trong bối cảnh hệ thống tài chính phát triển ngày càng đa dạng và phức tạp, các dịch vụ tài chính đang len lỏi vào đời sống của mỗi hộ gia đình, việc trang bị những kiến thức tài chính căn bản cần thiết là điều không thể thiếu, không chỉ giúp người dân có được những quyết định đúng đắn đối với các tài sản tài chính của mình, mà còn giúp họ tự bảo vệ mình trước những nguy cơ và rủi ro tài chính.


Việc đưa kiến thức và kỹ năng tài chính vào giáo dục trong nhà trường cũng được coi là một trong những mục tiêu quan trọng của tiến trình phổ cập kiến thức tài chính cho cộng đồng. Chương trình khảo sát sinh viên quốc tế (PISA) của OECD hiện đang được thực hiện tại hơn 70 quốc gia, trong năm 2012 cũng đã đưa thêm cấu phần Đánh giá kiến thức tài chính nhằm có được những đánh giá toàn diện về việc trang bị kiến thức tài chính cho học sinh và sinh viên.


Các bộ trưởng khuyến khích việc xây dựng chiến lược quốc gia về giáo dục và phổ cập nhận thức tài chính và đưa việc giáo dục kiến thức tài chính vào chương trình giảng dạy tại các trường học phổ thông tại các nền kinh tế thành viên APEC, phù hợp với hoàn cảnh của mỗi quốc gia.


Kết thúc Hội nghị, các bộ trưởng tài chính APEC đã thông qua tuyên bố chung và nhất trí sẽ nhóm họp Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 20 tại Bali, Inđônêxia vào tháng 9/2013.


Đoàn đại biểu Bộ Tài chính Việt Nam đã chủ động và tích cực tham gia vào các phiên họp của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC và các hội nghị liên quan (Hội nghị quan chức tài chính cao cấp APEC ngày 28/8 và Hội nghị thứ trưởng tài chính APEC ngày 29/8/2012).


Bên lề hội nghị, Thứ trưởng Trương Chí Trung đã có buổi làm việc song phương với Thứ trưởng Tài chính Liên bang Nga Sergei Storchak. Ngoài biện pháp tăng cường quan hệ giữa hai bộ Tài chính trong thời gian tới, lãnh đạo hai bên đã trao đổi về tình hình kinh tế vĩ mô giữa Nga và Việt Nam, các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Hai bên cũng ký Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Tài chính Nga về tăng cường hợp tác song phương.



TTXVN/Tin tức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN