Hoa nở trên “vành đai trắng”

Huyện Gio Linh (Quảng Trị) trong chiến tranh được xem như “vùng đất chết”. Đây là nơi để Mỹ - ngụy thử nghiệm nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại, trong đó có hàng rào điện tử Mc Namara… nhằm biến nơi đây thành “vành đai trắng”. Sau 40 năm giải phóng, Gio Linh đã hồi sinh và trở thành một trong những địa phương trù phú của Quảng Trị.

Kiên cường “vành đai trắng”

Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, sông Bến Hải - vĩ tuyến 17 trở thành “giới tuyến quân sự tạm thời” phân chia hai miền đất nước, với quy định sau hai năm sẽ tiến hành tổng tuyển cử, thống nhất hai miền. Nhưng với âm mưu chia cắt lâu dài nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, đế quốc Mỹ đã nhảy vào xâm lược miền Nam. Từ đây, Gio Linh trở thành đầu cầu giới tuyến, vị trí tiền đồn, nơi đụng đầu quyết liệt nhất giữa chính nghĩa và phi nghĩa, giữa cách mạng và phản cách mạng.

Đổi thay vùng cát.

Thực hiện học thuyết “Việt Nam hóa chiến tranh”, Mỹ - ngụy đã biến Gio Linh thành một “vành đai trắng”, là nơi để chúng tập trung thử nghiệm mọi phương tiện chiến tranh hiện đại nhất hòng ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc với miền Nam, đồng thời để thực hiện âm mưu chia cắt đất nước ta lâu dài. Đặc biệt chúng đã xây dựng tuyến hàng rào điện tử Mc Namara - được xem là “con mắt thần” của Mỹ - ngụy với kinh phí lên tới 800 triệu USD. Bằng việc tổ chức bình định, càn quét, đàn áp, khủng bố, thiêu hủy hầu như toàn bộ làng mạc, thôn xóm, ruộng đồng, dồn dân vào các trại tập trung, chúng đã biến nơi đây thành “vành đai trắng”.

Mặc dù sống trong sự kìm kẹp, đàn áp khốc liệt của kẻ địch, trong mưa bom bão đạn, quân và dân Gio Linh vẫn kiên trung vượt lên mọi hy sinh mất mát, kiên quyết không lùi bước. Mùa xuân năm 1972, cùng với toàn tỉnh, quân và dân Gio Linh đã hợp đồng chặt chẽ với các lực lượng chủ lực, mở các đợt tấn công dồn dập vào các cứ điểm của địch, đập nát toàn bộ hệ thống phòng ngự trên tuyến hàng rào điện tử MacNamara và chi khu quân sự Quán Ngang, nổi dậy phá bung các trại tập trung. Ngày 2/4/1972, Gio Linh hoàn toàn giải phóng, đánh dấu bước chuyển biến quan trọng, tạo ra cục diện mới ngày càng có lợi trên chiến trường với một vùng giải phóng rộng lớn, địa bàn đứng chân và hành lang hoạt động của các lực lượng chủ lực để tiếp tục tấn công giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị.

“Vàng trắng” trên “vành đai trắng”

Đến Gio Linh, sau 40 năm giải phóng, những khu vực “vành đai trắng”, “vùng đất chết” năm nào loang lổ các vết bom, đạn đã được thay thế bằng những đồng lúa, rừng cao su, hồ tiêu… xanh ngút ngàn. Đặc biệt, cây cao su được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, một thứ “vàng trắng” đã góp phần làm hồi sinh mạnh mẽ vùng đất chết.

Ông Nguyễn Huy Hùng, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho biết, trong những năm qua huyện Gio Linh đã tích cực phát triển cây cao su tiểu điền. Đến nay trên địa bàn toàn huyện Gio Linh đã có hơn 3.000 ha cao su tiểu điền, trong đó 650 ha đã đưa vào khai thác, hàng năm cho sản lượng trên 1.300 tấn mủ.

Thăm vùng kinh tế mới Trảng Rộng thuộc xã Hải Thái được xây dựng từ những năm 1980. Khác với sự hoang hóa, cô lập trước đây, Trảng Rộng đang trở thành vùng đất trù phú với gần 150 ha cao su đang vào độ khép tán và cho dòng nhựa trắng đầu tiên. Mỗi ngày, mỗi hộ gia đình nơi đây có thu nhập hàng trăm ngàn đồng.
 
Ông Võ Viết Cương, một trong những hộ gia đình làm ăn khấm khá ở đây với mô hình trang trại cao su kết hợp chăn nuôi bò. Với diện tích 8ha cao su đã đi vào khai thác và đàn bò của gia đình, ông Cương đang là một trong những chủ điền lớn mạnh nhất ở vùng Tây Gio Linh với tổng doanh thu trên 2 tỷ đồng/năm. Ông Cương cho biết, để có được diện tích cao su đi vào khai thác rộ như hiện nay, trước đây gia đình ông đã kiên trì, vất vả bám đất, bám đồi khai hoang phục hóa kể cả khi cây cao su mất giá, nhiều gia đình bỏ về.

Còn ông Hồ Thỏn, ở thôn 3b, xã Hải Thái cũng là một gia đình có thu nhập khá từ cây cao su. Ông Thỏn cho biết, gia đình ông bắt đầu phát triển cao su tiểu điền từ năm 2001 với diện tích 1,5ha khai hoang. Khi cây cao su bám rễ, ông bắt đầu trồng xen canh các loại cây hoa màu để lấy ngắn nuôi dài chờ ngày thu hoạch mủ cao su. Cùng với trồng cao su, ông còn mở rộng mô hình bằng cách tạo giống cao su để cung cấp cho người dân trong vùng. Giờ đây gia đình ông Hồ Thỏn đã đạt được mức thu nhập hàng năm gần 100 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Huy Hùng, Chủ tịch UBND huyện, hiệu quả kinh tế từ cao su tiểu điền ở vùng gò đồi Tây Gio Linh đã góp phần giúp người dân địa phương xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Huyện Gio Linh đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế gò đồi, trong đó chú trọng phát triển cao su tiểu điền thêm 2.000 ha nữa vào năm 2015.

Khai thác tốt lợi thế kinh tế biển

Gio Linh có 15km bờ biển trải dài từ nam Cửa Tùng đến bắc Cửa Việt, rất thuận lợi để phát triển kinh tế biển. Trong nhiều năm nay huyện Gio Linh đã chú trọng và từng bước khai thác kinh tế biển có hiệu quả.


Trong những ngày tháng Tư này, chúng tôi về thăm vùng biển Gio Linh. Con đường quốc phòng chạy dài ven theo các bãi biển, nối liền hai cây cầu Cửa Tùng đến cầu Cửa Việt mới được xây dựng không lâu, tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh Quảng Trị nói chung và huyện Gio Linh nói riêng khai thác tốt tiềm năng du lịch biển. Đây là tuyến đường đẹp nhất tỉnh Quảng Trị, thuận lợi trong việc đầu tư phát triển du lịch sinh thái resort cao cấp. Thị trấn Cửa Việt giờ đây đã được quy hoạch thành khu du lịch biển. Ngay sát khu vực biển là khu dịch vụ du lịch rộng khoảng 100ha đã được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để khai thác khu bãi biển Cửa Việt, một trong những bãi biển đẹp của miền Trung.

Quảng Trị là điểm đến đầu tiên của Việt Nam trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Đây là lợi thế để du lịch biển Cửa Việt nhắm tới du khách trên hành lang kinh tế này, nhất là du khách đến từ vùng Đông - Bắc Thái Lan. Bởi theo đường bộ, từ biển Cửa Việt tới vùng Đông - Bắc của Thái Lan chỉ khoảng 300km. Du khách có thể buổi sáng xuất phát tại đó và buổi trưa có thể tắm biển tại Cửa Việt, trong khi đó để đến bãi biển gần nhất phía Nam Thái Lan phải mất hơn 1.000 km. Với những lợi thế này, tỉnh Quảng Trị đã quy hoạch khu du lịch Cửa Việt là một góc trong tam giác du lịch Cửa Việt - Cửa Tùng - đảo Cồn Cỏ, nhằm khai thác tiềm năng kinh tế biển gắn với hành lang kinh tế Đông - Tây.

Cùng với khai thác tiềm năng du lịch biển, ngành khai thác và chế biến thủy hải sản cũng là một thế mạnh trong kinh tế biển của Gio Linh. Trên địa bàn huyện có 2 cửa lạch quan trọng là Cửa Việt và Cửa Tùng, thuận lợi cho ngư dân đầu tư tàu thuyền có công suất lớn neo đậu và bám biển dài ngày.

Thị trấn Cửa Việt có đội tàu đánh bắt xa bờ lớn nhất huyện Gio Linh. Toàn thị trấn có 154 tàu thuyền với tổng công suất 10.115 CV, trong đó tàu đánh bắt xa bờ là 55 chiếc có công suất từ 90 - 250 CV. Ông Nguyễn Trường Kỳ, Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt phấn khởi cho biết, những năm qua, khai thác thủy sản từ nghề đánh bắt xa bờ đóng góp không nhỏ vào ngân sách của thị trấn Cửa Việt, đưa sản lượng đánh bắt thủy, hải sản năm 2011 tăng lên 4.430 tấn, đạt 103% kế hoạch, ước thu nhập trong lĩnh vực ngư nghiệp đạt 91 tỷ đồng.

Trong những năm qua, khai thác hải sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Gio Linh. Hàng năm, huyện đã phối hợp với các ngân hàng tạo mọi điều kiện giúp ngư dân vay vốn đóng mới tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ, phát triển ngành khai thác thủy, hải sản. Đến nay, tổng số tàu thuyền trên toàn huyện gần 800 chiếc, công suất hơn 18.000 CV, chủ yếu là tàu xa bờ và trung bờ. Sản lượng hải sản khai thác năm 2011 đạt gần 10.000 tấn, bằng 1/2 tổng sản lượng đánh bắt của cả tỉnh Quảng Trị.

Sau 40 năm giải phóng, Gio Linh đã có sự chuyển biến mạnh mẽ từ vùng núi, vùng đồng bằng và vùng biển. “Trên miệng hố bom ngày ấy lúa đã xanh mướt, quả ngọt đã trĩu cành. Trên tuyến hàng rào điện tử và đồn bốt của địch giờ là bạt ngàn cao su, hồ tiêu tỏa bóng; trên những trại tập trung năm xưa, những nhà máy, xí nghiệp đã mọc lên... “Vành đai trắng” ngày nào giờ đã nở hoa, kết trái” - ông Phan Văn Phụng - Bí thư Huyện ủy Gio Linh bày tỏ.

Dương Vương Lợi
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN