Hỗ trợ DN dệt may Việt Nam thâm nhập thị trường thế giới

Hiệp hội Dệt May Thêu Đan TP Hồ Chí Minh mới đây đã hợp tác với TÜV SÜD, tập đoàn dịch vụ kỹ thuật hàng đầu thế giới để nâng cao chất lượng cho ngành dệt may.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, ngành dệt may Việt Nam trong nhiều năm qua luôn là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Theo đó, khi tham gia TPP, Việt Nam sẽ là nước hưởng lợi nhất trong số 12 nước vì sẽ có nhiều đối tác xuất khẩu quan trọng, đặc biệt là Mỹ và Nhật. 


Hiện Việt Nam là nước xuất khẩu hàng dệt may đứng thứ hai (chỉ sau Trung Quốc) vào thị trường Mỹ và thứ ba vào thị trường Nhật. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu dự kiến có thể tăng 30 - 40% ngay trong năm đầu tiên hiệp định TPP có hiệu lực và sau khoảng 3 - 4 năm, kim ngạch sẽ tăng gấp đôi. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 16 tỷ USD ngay năm 2018 (tăng 3 tỷ USD) và tới năm 2020 sẽ đạt khoảng 20 tỷ USD (tăng thêm 5,5 tỷ USD).

Hiệp hội Dệt May Thêu Đan TP Hồ Chí Minh cùng với TÜV SÜD đã ký kết hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp đệt may Việt Nam thâm nhập thị trường thế giới.

Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế, thách thức. Thứ nhất, may xuất khẩu phần lớn theo phương thức gia công, công tác thiết kế mẫu, mốt chưa phát triển, tỷ lệ làm hàng theo phương thức FOB thấp, hiệu quả sản xuất thấp. Trong khi đó, ngành dệt và công nghiệp phụ trợ còn yếu, phát triển chưa tương xứng với ngành may, không đủ nguồn nguyên phụ liệu đạt chất ­ượng xuất khẩu để cung cấp cho ngành may, do đó giá trị gia tăng không cao. Thứ hai, hầu hết các doanh nghiệp dệt maycó quy mô vừa và nhỏ, khả năng huy động vốn đầu tư­ thấp, hạn chế khả năng đổi mới công nghệ, trang thiết bị. Chính quy mô nhỏ đã khiến các doanh nghiệp chưa đạt được hiệu quả kinh tế và chỉ có thể cung ứng cho một thị trường nhất định. Do đó, khi thị trường gặp vấn đề, các doanh nghiệp dệt may sẽ gặp khó khăn trong việc điều chỉnh phương thức thâm nhập thị trường hoặc chuyển đổi sang thị trường khác. Thứ ba, kỹ năng quản lý sản xuất và kỹ thuật còn kém, đào tạo chưa bài bản, năng suất thấp, mặt hàng còn phổ thông, chưa đa dạng. Năng lực tiếp thị còn hạn chế, phần lớn các doanh nghiệp dệt may ch­ưa xây dựng được th­ương hiệu của mình, chưa xây dựng được chiến lược dài hạn cho doanh nghiệp.


Để gỡ khó cho ngành dệt may Việt Nam nói chung và cho TP Hồ Chí Minh nói riêng, ngày 25/5 vừa qua Hiệp Hội Dệt May Thêu Đan TP Hồ Chí Minh đã hợp tác với TÜV SÜD, tập đoàn dịch vụ kỹ thuật hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thử nghiệm, giám định, đánh giá và chứng nhận. Cả hai tổ chức thống nhất cùng nhau phối hợp đem đến chương trình hội thảo nhận thức trong lĩnh vực an toàn và chất lượng liên quan đến ngành dệt may, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập thị trường thế giới.


Ông Sathish Kumar Somuraj, Tổng giám đốc TÜV SÜD Vietnam, cho biết: Việt Nam không ngừng mở rộng cơ hội kinh doanh thông qua hàng loạt hiệp định thương mại tự do được ký kết với những thị trường trọng điểm toàn cầu như Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN. Những hiệp định này được cho là sẽ đem đến nhiều cơ hội thâm nhập thị trường quốc tế hơn nữa cho doanh nghiệp Việt Nam, nhưng cũng đồng nghĩa những nhà sản xuất nội địa được yêu cầu phải đáp ứng những quy định khắt khe về an toàn và chất lượng. Vì thế, chương trình hợp tác này nhằm mục tiêu đem đến những kiến thức, hiểu biết cập nhật mới nhất liên quan đến những tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt về an toàn và chất lượng sản phẩm.


Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Thêu Đan TP Hồ Chí Minh cũng chia sẻ: “Những quy định quốc tế về an toàn và chất lượng của sản phẩm dệt may không ngừng thay đổi, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thương mại tự do ngày nay. Những nhà thu mua quốc tế, đặc biệt tại Châu Âu và Hoa Kỳ không ngừng đặt ra những yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt hơn cho sản phẩm. Chúng tôi lựa chọn hợp tác cùng TÜV SÜD cho thỏa thuận MOU (ghi nhớ) lần này vì tin tưởng cho bề dày lịch sử 150 năm của tập đoàn trong lĩnh vực thử nghiệm độc lập. Chuyên gia và báo cáo của họ được sử dụng và công nhận rộng rãi toàn cầu”.


Hơn nữa, thỏa thuận hợp tác lần này đồng thời đem đến chương trình hỗ trợ giá đặc biệt cho hội viên Hội Dệt May Thêu Đan TP Hồ Chí Minh, phần lớn thuộc khối doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn luôn gặp phải những thách thức không nhỏ về vấn đề chi phí. Doanh nghiệp có thể nhận được sự hỗ trợ về chi phí từ TÜV SÜD trong hoạt động thử nghiệm, giám định, đánh giá và chứng nhận. “Chúng tôi hy vọng MOU lần này sẽ là tiền đề tốt đẹp cho một sự hợp tác mạnh hơn nữa trong tương lai của hai tổ chức, qua đó góp phần hỗ trợ phát triển ngành dệt may Việt Nam”, ông Hồng nói.



Hải Yên
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN