Hiệu quả từ sự liên kết trong sản xuất cánh đồng lớn

Nông dân ở Gia Lai đã có sự liên kết trong quá trình sản xuất, tạo bước đột phá trong cung cách làm ăn mới trong nông nghiệp theo hướng công nghiệp hoá- hiện đại hoá, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Trong những năm gần đây, nông dân ở Gia Lai đã có sự liên kết trong quá trình sản xuất, tạo bước đột phá trong cung cách làm ăn mới trong nông nghiệp theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Sự liên kết này mang tính đa dạng và phù hợp với yêu cầu thực tế, tuỳ theo từng loại cây trồng và năng lực trình độ của người dân ở từng vùng mà tổ chức liên kết theo từng loại hình sát thực và hiệu quả.

Nông dân ở Gia Lai đã có sự liên kết trong quá trình sản xuất. Ảnh: Trần Việt/TTXVN.

Cây mía ở vùng Đông Trường Sơn đã xuất hiện sự liên kết trên cơ sở "dồn điền - đổi thửa" trong nông dân để thực hiện cơ giới hoá toàn bộ các khâu sản xuất, từ khâu làm đất cho đến khâu thu hoạch. Sự liên kết này bước đầu đã thực hiện được hơn 1.000 ha khép kín theo dạng cánh đồng mía mẫu lớn tại địa bàn các huyện K'Bang, Đăk Pơ, thị xã An Khê... và thực hiện cơ giới hoá từng khâu công việc được hơn 12.000 ha. Qua kiểm chứng từng mùa vụ sản xuất, các cánh đồng mía liên kết đã tạo nên chuỗi giá trị lớn và mang lại lợi nhuận cao hơn so với cung cách làm ăn cá thể trước đây.

Cụ thể, trồng 1ha mía theo cách truyền thống (nhỏ lẻ, thủ công) thỉ chỉ đạt năng suất từ 55 - 60 tấn mía cây/ha/vụ, diện tích thực hiện cơ giới hoá một phần cũng chỉ đạt đến 80 tấn/ha và diện tích chuyển sang trồng theo phương thức liên kết (cơ giới hoá toàn bộ) thì năng suất đạt bình quân đến 110 tấn/ha, cá biệt có những cánh đồng mía đạt đến 120 - 130 tấn/ha, trong khi đó suất đầu tư không tăng. Tính ra, mức lợi nhuận theo giá thị trường hiện nay thì mỗi héc ta mía liên kết trên những cánh đồng mẫu lớn cho mức lãi ròng từ 35 - 40 triệu đồng/ha, nhiều hơn gấp 3 lần so với trước đây.

"Bà đỡ" cho sự liên kết cánh đồng mía mẫu lớn là Nhà máy đường An Khê, đơn vị đã đầu tư mua sắm trên 150 máy cày chuyên dùng có công suất lớn, trên 400 các loại thiết bị hiện đại để phục vụ nhu cầu làm đất, trồng, chăm sóc, bón phân và thu hoạch bằng máy cho cây mía trên toàn vùng nguyên liệu. Ngoài ra, nhà máy còn đầu tư nghiên cứu các loại giống mía mới có năng suất cao, có sức chống chịu với thời tiết trước sự biến đổi khí hậu và nhân giống đảm bảo số lượng cung ứng cho vùng nguyên liệu. Trong niên vụ sản xuất 2016 - 2017, nhà máy cũng đã đầu tư lắp đặt dây chuyền sản xuất hiện đại nâng công suất chế biến lên 20.000 tấn mía cây/ngày, đảm bảo tiêu thụ hết sản phẩm trong vùng nguyên liệu, không để cho người trồng mía bị thiệt thòi.

Cây lúa nước 2 vụ trên địa bàn tỉnh bước đầu cũng đã chuyển mình theo "dòng chảy" của sự liên kết trong nông dân, tuy chưa thực hiện việc "dồn điền - đổi thửa" thành cánh đồng mẫu lớn như cây mía, mà hợp tác cùng nhau thực hiện đồng loạt các yếu tố thâm canh, đảm bảo cho năng suất cao và ăn chắc. Ở huyện Chư Pưh, năm 2013 đã triển khai được 2 cánh đồng lúa liên kết cho 179 hộ dân tộc thiểu số có quỹ đất canh tác liền vùng, liền thửa với tổng diện tích 100 ha tại 2 làng Dung (xã Ia H'rú) và làng Ia Sái (xã Ia Phang) và đạt kết quả tốt. 

Trên cơ sở hỗ trợ và tập huấn cho bà con biết cách làm đất tơi nhuyễn, đồng loạt gieo sạ cùng thời gian, cùng chủng loại giống mới, chất lượng cao, cùng áp dụng phương pháp "3 giảm - 3 tăng" và cùng áp dụng phòng trừ sâu bệnh theo phương pháp IPM. Tất cả số hộ dân tham gia cánh đồng lúa liên kết đều rất phấn khởi và tin tưởng, bởi năng suất lúa trong vụ này đạt từ 6 - 7 tấn/ha tăng khoảng 40% so với cung cách làm ăn cá thể như trước đây. Huyện Chư Pưh đang tiếp tục vận động bà con ở các buôn làng có diện tích đất trồng lúa nước liền vùng, liền thửa mở rộng cánh đồng lúa liên kết lên đến hàng trăm ha.

Từ mô hình cánh đồng lúa liên kết ở huyện Chư Pưh, một số địa phương khác trong tỉnh học tập và làm theo mô hình mới này và đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Vụ sản xuất Đông Xuân 2016 - 2017 này, tại địa bàn các huyện Chư Sê, Phú Thiện và Ia Pa cũng đã bắt đầu triển khai thực hiện được 170ha cánh đồng lúa liên kết cho gần 400 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các buôn làng cùng tham gia và đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng cho các vụ sau.

Khẳng định tính hiệu quả từ việc liên kết xây dựng cánh đồng mẫu lớn cho các loại cây trồng, tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo cho các cấp chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp mang tính quyết liệt nhằm nhân rộng mô hình đều khắp, nhất là trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trước mắt trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã dự kiến kế hoạch xây dựng 131 cánh đồng lớn cho các loại cây trồng chủ lực với tổng diện tích khoảng từ 17 - 18.000 ha; riêng cây mía ở vùng Đông Trường Sơn có 42 cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích khoảng 5.000 ha.
Văn Thông (TTXVN)
Để cánh đồng mẫu lớn  cho thu nhập lớn
Để cánh đồng mẫu lớn cho thu nhập lớn

Các mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) đã hình thành và phát triển đem lại hiệu quả kinh tế cao tại Bình Định nhưng chưa thật sự bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN