Hiện đại hóa bến xe

Lâu nay, bến xe vẫn được coi là địa điểm phức tạp vì trở thành điểm chung chuyển hành khách đi và đến. Nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng sự đông đúc để gây mất trật tự, lừa đảo, cò mồi... làm ảnh hưởng đến hình ảnh các bến xe, làm giảm lòng tin của hành khách. Ngày 1/4, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã tọa đàm trực tuyến tìm cách hiện đại hóa các bến xe, nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

Quá nhiều mối lo


Bộ GTVT thống kê, cả nước hiện có 478 bến xe, trong đó trên 300 bến tiêu chuẩn từ loại 4 (diện tích tối thiểu 2.500 m2 trở lên). Thực hiện chủ trương xã hội hóa, đã có 213 bến xe được xã hội hóa, do vốn tư nhân đầu tư quản lý, khai thác. Tuy nhiên, đang có tình trạng bến thì đông khách, bến thì vắng khách, cạnh tranh không lành mạnh.

Tại Hà Nội, ngoài 3 bến xe lớn là Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm thu hút đông khách đi và đến, còn lại các bến xe khác hoặc là xập xệ như bến xe Lương Yên, hoặc được đầu tư hoành tráng như bến xe Nước Ngầm, nhưng vẫn vắng khách và còn nhiều người dân thì vẫn có thói quen ra đường vẫy xe mà không vào bến.

Bến xe Nước Ngầm.


Phân tích thực tế này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết: Bến xe quy định trong Luật Giao thông đường bộ phải gồm các hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định, du lịch, xe buýt, taxi… Để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, các bến xe cần được xây dựng hiện đại, văn minh, đạt tiêu chuẩn quy định của Bộ GTVT.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều bến xe chưa đạt được điều này, những bến xe xã hội hóa được đầu tư tốt hơn, nên chất lượng cũng tốt hơn so với các bến xe được đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Nhiều bến xe ở vùng sâu vùng xa, chất lượng hạn chế, cũng chưa thể so sánh với những bến xe đã được xã hội hóa.

Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách quản lý, quy hoạch của các cơ quan chức năng và địa phương đối với bến xe tồn tại nhiều vướng mắc, thiếu sự hỗ trợ, thiếu thống nhất và chưa có hành lang pháp lý chung cho các bến xe xã hội hóa với các bến xe đầu tư từ ngân sách, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, bến cóc, xe dù vẫn có điều kiện hoành hành.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết thêm: Việc chấp thuận, phân bổ, điều tiết luồng tuyến xe chạy giữa các bến xe như thế nào để cân đối phù hợp cũng đang là bất cập lớn. Một số bến xe quá tải nhưng một số bến lại không có xe vào, trong khi các cơ quan quản lý Nhà nước, lực lượng chức năng tại các địa phương hoàn toàn có thể điều tiết, xử lý được thực tế này.

Tại bến xe Nước ngầm (Hà Nội), mặc dù được đầu tư xã hội hóa hiện đại, nhưng ngay bên cạnh bến xe Giáp Bát nườm nượp xe ra vào, thì bến xe Nước Ngầm luôn chịu cảnh đìu hiu. Nguyên nhân là do Sở GTVT quản lý điều tiết luồng tuyến xe không phù hợp. Quản lý không đồng bộ còn dẫn đến việc nhiều xe chỉ đăng ký hoạt động trong bến, nhưng lại ra ngoài “chạy dù”, gây mất trật tự ATGT, mất lòng tin của hành khách.

Ứng dụng công nghệ thông tin


Qua tìm hiểu của phóng viên, 3 bến xe lớn của Hà Nội là Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm do đã chủ động ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý hoạt động kinh doanh vận tải theo hướng chuyên nghiệp, nên đã được đông đảo hành khách tín nhiệm.

Tại 3 bến xe này, hệ thống camera giám sát được lắp đặt tại tất cả các vị trí quan trọng như: Khu vực đỗ xe trước khi xuất bến, nhà chờ, điểm trả khách, cổng ra vào bến, phòng vé… Nhờ vậy, phòng điều hành, trưởng ca trực các bến xe có thể quan sát và phối hợp với các lực lượng chức năng, chỉ đạo trực tiếp qua bộ đàm thường xuyên, bao quát.

Những vi phạm xảy ra thường xuyên được chấn chỉnh kịp thời, trật tự bến xe được duy trì, nhất là vào những dịp cao điểm. Tại từng quầy vé được trang bị màn hình led, công bố công khai, minh bạch luồng tuyến, giá vé, nên tình trạng cò mòi “hết cửa” hoạt động, còn hành khách thì được cung cấp thông tin rõ ràng chuyến đi, biển số xe, hãng xe…

Ông Lý Trường Sơn, Trưởng phòng kế hoạch, Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội cho biết: Hệ thống phần mềm công nghệ thông tin được trang bị tại các bến xe còn xác định được số lần vi phạm, thời hạn đăng kiểm xe, chất lượng dịch vụ của các hãng xe. Qua đó, người dân có thể lựa chọn xe cho hành trình, đảm bảo an toàn cho chính mình. Việc ứng dụng công nghệ vào hiện đại hóa ở các bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm của Hà Nội đang là những mô hình bến xe hoạt động hiệu quả, tạo hướng đi cho các bến xe khác.    


Tiến Hiếu


Phân luồng, giảm ùn tắc quanh bến xe
Phân luồng, giảm ùn tắc quanh bến xe

Sau kỳ nghỉ Tết, lượng khách từ các tỉnh đổ về bến xe Mỹ Đình đông gần gấp 2 lần so với ngày thường, các lực lượng chức năng đã phối hợp giải tỏa, không để ùn ứ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN