Hiểm họa khôn lường từ việc "tỉa gọt" trụ điện trên vuông tôm

Nông dân ở các huyện Mỹ Xuyên, Vĩnh Châu, Trần Đề… của tỉnh Sóc Trăng đang bước vào thời gian thả nuôi tôm sú chính vụ, đây chính là thời điểm thả nuôi theo đúng lịch thời vụ theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Trong quá trình thả nuôi, để có được một vuông tôm như ý muốn, bà con nông dân tận dụng tối đa mặt đất canh tác của mình để đào ao nuôi tôm, mọi cây cối xung quanh đều được tỉa hay chặt bỏ nhằm tạo sự thông thoáng cho vuông tôm. Do vậy, trên các vuông tôm hầu như không có cây cối hay bất cứ thứ gì ngoài mấy cái ròng rọc tạo ô xy cho ao tôm. Nhiều trụ điện khi nằm trên vuông tôm cũng chịu chung hoàn cảnh.

Nhiều hộ dân trong quá trình chuẩn bị ao nuôi đã vô tư đào hết phần đất xung quanh của các trụ điện. Hậu quả là các trụ điện trơ gốc, năm nghiêng ngả, không đủ khả năng đứng vững để chịu tải cho đường dây đi qua. Đó là chưa kể đến những lúc mưa giông, gió lốc có thể xô ngã trụ điện bất cứ lúc nào, ẩn chứa nguy cơ rủi ro rất cao. Nhiều trường hợp trụ điện ngã đổ xuống ruộng, xuống vuông tôm gây mất điện nhiều ngày, ảnh hưởng đến sinh hoạt sản xuất của người dân và gây thiệt hại cho Nhà nước cũng đã từng xảy ra ở những mùa mưa trước đây.

Sóc Trăng là tỉnh có diện tích nuôi tôm tương đối lớn, toàn tỉnh hiện có trên 50.000 hộ nuôi tôm với khoảng 48.000 ha tôm nuôi được thả hàng năm. Diện tích nuôi tôm ngày càng lớn thì nhiều trụ điện đứng chơ vơ ngay giữa đầm tôm được "tỉa" gọn cũng ngày càng nhiều hơn. Trước thực trạng trên, ngành điện Sóc Trăng cũng khuyến cáo người dân nên lưu tâm đến việc giữ an toàn cho các trụ lưới điện khi tiến hành cải tạo các vuông tôm, đồng thời tích cực bê tông hóa các cột điện “đứng” trong ao, nhanh chóng khắc phục khi có sự cố xảy ra.

Chanh Đa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN