Hàng hóa Việt Nam bắt đầu thâm nhập tốt vào thị trường Ấn Độ

Trong 10 năm qua, quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ đã có bước phát triển mạnh mẽ, trong đó có lĩnh vực thương mại. Giai đoạn này, xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đã tăng 19,34 lần với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 253%/năm.

Ông Bùi Trung Thướng trả lời phỏng vấn TTXVN. Ảnh: Đăng Chính

Năm 2017 là năm rất có ý nghĩa trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ khi hai nước kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (ngày 7/1/1972 - 7/1/2017) và 10 năm ngày thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược (2007-2017). Trong 10 năm qua, quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ đã có bước phát triển mạnh mẽ, trong đó có lĩnh vực thương mại. Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại New Delhi đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Trung Thướng, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ.

Ông Bùi Trung Thướng cho biết kể từ khi Việt Nam và Ấn Độ ký Hiệp định Quan hệ Đối tác Chiến lược năm 2007, đến nay thương mại song phương đã tăng hơn 5 lần. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đã tăng từ 1,01 tỷ USD năm 2006 lên khoảng 5,5 tỷ USD năm 2016. Trong thời gian này, xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ cũng đã tăng 19,34 lần với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 253%/năm.

Ông Bùi Trung Thướng nhấn mạnh điều đặc biệt là cán cân thương mại giữa hai nước đang dần cân bằng và lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam xuất siêu sang Ấn Độ. Cụ thể, cả năm 2016, Việt Nam đã xuất siêu 70 triệu USD sang Ấn Độ và điều này chứng tỏ hàng hóa của Việt Nam đã bắt đầu thâm nhập tốt vào thị trường Ấn Độ.

Cơ cấu ngành hàng giữa hai nước cũng đã có sự thay đổi lớn. Trước đây, thương mại hai nước chỉ phụ thuộc vào ba ngành hàng lớn là thức ăn chăn nuôi, ngô và dược phẩm, trong đó Việt Nam nhập khẩu là chủ yếu, thì giờ đây, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu đã có thay đổi lớn, bao trùm sang các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, thiết bị điện tử, điện thoại di động và linh kiện, máy móc thiết bị, dược phẩm, hóa chất, hàng dệt may, xơ sợi, ô tô…

Về tiềm năng và triển vọng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, nhất là sau khi hai nước vừa nâng cấp quan hệ lên tầm Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, ông Bùi Trung Thướng nhận định hai nước có nhiều tiềm năng và triển vọng hợp tác. Cụ thể, những lĩnh vực tiềm năng là điện, khí đốt, năng lượng tái tạo, hạ tầng, du lịch, dệt may, giầy, y tế và dược phẩm, công nghệ thông tin và truyền thông, điện tử, nông nghiệp và các sản phẩm nông nghiệp, hóa chất, máy công cụ và các ngành công nghiệp phụ trợ, trong đó nổi bật là lĩnh vực sau:

Đối với lĩnh vực dệt may

Ấn Độ hiện là một trong những thị trường cung cấp nguyên phụ liệu lớn cho ngành dệt may Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam nhập khẩu các mặt hàng bông, sợi, vải, nguyên phụ liệu dệt may và sản phẩm may mặc từ Ấn Độ năm 2013 trị giá 423 triệu USD, tăng gần 50% so với năm 2012, chiếm 15% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Ấn Độ. Tới năm 2014 và 2015, con số trên đạt lần lượt là 460 triệu USD và 457,47 triệu USD.

Ấn Độ là nhà cung cấp lớn mặt hàng bông sợi các loại cho Việt Nam. Kim ngạch nhập khẩu bông từ Ấn Độ năm 2013 đạt xấp xỉ 234,32 triệu USD, chiếm 20,29% trong tổng số bông nhập khẩu của Việt Nam. Nguồn nguyên phụ liệu dệt may từ Ấn Độ được đánh giá khá cao về giá cả, mẫu mã, chất lượng. Tuy nhiên, tỷ trọng nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam từ Ấn Độ lại thấp. Năm 2015, Việt Nam nhập khẩu khoảng 18,3 tỷ USD các mặt hàng bông, xơ sợi, vải, nguyên phụ liệu dệt may nhưng nhập khẩu từ Ấn Độ chỉ chiếm tỷ trọng chưa đến 3% (năm 2015 là 2,4%).

Đối với lĩnh vực sản xuất máy móc - thiết bị, máy nông nghiệp, máy kéo, ô tô

Thời gian gần đây, các doanh nghiệp Ấn Độ đánh giá Việt Nam có thể trở thành một đầu mối mới cho ngành công nghiệp sản xuất ô tô, máy móc, phụ tùng, thiết bị. Nhiều tập đoàn lớn của Ấn Độ đã cử đại diện sang Việt Nam trao đổi, gặp gỡ đối tác, trong đó có thể kể đến như Tata Motors, Mahindra & Mahindra, Eicher, Escort…

Đối với lĩnh vực y tế - thuốc chữa bệnh

Dược phẩm và y tế là hai lĩnh vực có thế mạnh của Ấn Độ. Theo số liệu của Cơ quan xúc tiến xuất khẩu thuốc và dược phẩm Ấn Độ, xuất khẩu mặt hàng này của Ấn Độ đạt khoảng 25 tỷ USD trong tài khóa 2014/2015. Trong khi đó, trong năm 2015, Việt Nam cũng phải nhập khẩu trên 2,3 tỷ USD thuốc và dược phẩm.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp

Việt Nam và Ấn Độ khá tương đồng về mặt thời tiết, khí hậu và đây là điều kiện tốt để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp như chuyển giao công nghệ, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác xây dựng trang trại nuôi tôm, cá tra, trao đổi thông tin liên quan tới vệ sinh kiểm dịch thực vật và tiêu chuẩn an toàn vệ sinh, công nghệ sinh
học, làm vườn, công nghệ sau thu hoạch và cơ giới hóa nông nghiệp.

Ông Bùi Trung Thướng cho biết thêm, theo số liệu của Bộ Công Thương Ấn Độ, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt 9,2 tỷ USD trong giai đoạn 2014-2015, đạt 7,83 tỷ USD giai đoạn 2015-2016 và với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu từ đầu năm 2016, ông hy vọng thương mại song phương sẽ đạt khoảng 9 tỷ USD khi kết thúc tài khóa 2016-2017 và như vậy, mục tiêu 15 tỷ USD mà hai nước hướng tới có thể thực hiện được nếu tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 15%.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, ông Bùi Trung Thướng kiến nghị chính phủ hai nước cần tích cực triển khai việc dỡ bỏ các rào cản thuế quan và phi thuế quan, chấm dứt điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ đối với các sản phẩm xuất khẩu của mỗi nước, phát huy hiệu quả các cơ chế đã được thiết lập như Tiểu ban Hỗn hợp về Thương mại, tăng cường hợp tác giữa các bang của Ấn Độ và các địa phương của Việt Nam, tăng cường trao đổi đoàn và hợp tác giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, định kỳ tổ chức các hội chợ thương mại, các diễn đàn, sự kiện như Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ, Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ - CLMV (gồm các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam), triển khai nhanh và có hiệu quả Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN - Ấn Độ, phê chuẩn các Hiệp định ASEAN - Ấn Độ về Dịch vụ và Đầu tư, sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Ngoài ra, các cơ quan, doanh nghiệp của hai bên cần khai thác cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên. Các doanh nghiệp Việt Nam cần mạnh dạn và tích cực tìm kiếm cơ hội tham gia vào sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ” để hưởng các ưu đãi từ sáng kiến này.

Huy Bình – Đăng Chính (P/v TTXVN tại New Delhi)
Vượt Anh, Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới
Vượt Anh, Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới

Ấn Độ lần đầu tiên trong vòng 100 năm qua đã vượt qua Anh trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới về tổng thu nhập quốc nội (GDP), chỉ sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Pháp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN