Hàng hóa thiết yếu không có biến động lớn về giá

Theo dự báo, thị trường hàng hóa các tháng còn lại của năm 2011 có thể diễn biến phức tạp, chịu tác động từ nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay các địa phương và doanh nghiệp đã chủ động chuẩn bị và dự trữ nguồn hàng. Do đó, giá một số mặt hàng thiết yếu sẽ không có biến động lớn trong dịp cuối năm.

Theo Bộ Công Thương, từ đầu năm đến nay, thị trường nội địa có nhiều biến động do giá cả thị trường thế giới tăng cao, nhưng lưu thông hàng hoá vẫn sôi động. Các chương trình dự trữ hàng hoá bình ổn thị trường tại các trung tâm kinh tế lớn được duy trì và mở rộng, tạo thuận lợi cho sản xuất, lưu thông các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm nguồn cung cho thị trường. Tuy nhiên, ở một thời điểm nhất định, một số mặt hàng thực phẩm còn có sự bất ổn về nguồn cung do dịch bệnh (đối với thịt lợn) và giảm sút diện tích canh tác (đối với rau, củ, quả ở các tỉnh), ảnh hưởng đến giá cả thị trường. Nhìn chung, 10 tháng qua thị trường trong nước tiếp tục phát triển, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.561 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 23% so với cùng kỳ năm trước.

Giá các mặt hàng thiết yếu sẽ không có biến động lớn trong dịp cuối năm.

Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, ngoài tác động của thị trường thế giới thì ở trong nước, việc tăng lương cơ bản kể từ tháng 10 cũng như việc tăng giá vé máy bay, chi phí vận tải, điện, phân bón và một số hàng hóa khác sẽ tạo nên hiệu ứng bất lợi cho mục tiêu bình ổn thị trường hàng hóa và kiểm soát lạm phát của năm 2011. Trong khi đó, để thực hiện mục tiêu khống chế mức tăng giá năm 2011 khoảng 18% trong những tháng cuối năm và mục tiêu đặt ra trong năm 2011, tổng mức bán lẻ tăng khoảng 22% so với năm 2010 cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-BCT về việc đảm bảo cung cầu các mặt hàng thiết yếu bình ổn thị trường các tháng cuối năm 2011 và Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012.

Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị các đơn vị thuộc Bộ và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan có phương án sử dụng nguồn tài chính của địa phương (ngân sách địa phương, quỹ dự trữ tài chính); đề xuất với UBND cấp tỉnh để thực hiện các biện pháp bình ổn giá; lựa chọn một số doanh nghiệp kinh doanh phân phối có năng lực tốt và có thị phần lớn tham gia thực hiện các biện pháp bình ổn giá tại địa phương và các vùng lân cận theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các tập đoàn, tổng công ty rà soát lại cân đối cung cầu các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, xăng dầu, phân bón, thép xây dựng và các hàng hóa phục vụ Tết; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá trên địa bàn. Các Sở Công Thương chỉ đạo doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn, nhất là các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn tổ chức các đợt bán hàng (chương trình đưa hàng về nông thôn, về các khu công nghiệp, bán hàng lưu động…), kết hợp với các hoạt động của chương trình xúc tiến thương mại nội địa và tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Cùng với đó, các ban, ngành cần phối hợp để tăng cường kiểm soát thị trường, chống gian lận thương mại, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá và các hành vi đầu cơ, tăng giá trái pháp luật.

Để thực hiện mục tiêu trên, nhiều địa phương trong cả nước đã chỉ đạo doanh nghiệp kinh doanh thương mại trên địa bàn, đặc biệt là đơn vị được tạm ứng vốn bán hàng bình ổn giá chuẩn bị hàng Tết phục vụ nhu cầu mua sắm cho người dân.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh Lê Ngọc Đào cho biết: với tổng vốn 5.566,3 tỷ đồng hỗ trợ của thành phố và vốn tự có của doanh nghiệp để dự trữ 9 mặt hàng bình ổn giá, đến thời điểm này, ngành công thương cũng như các doanh nghiệp của thành phố cơ bản đã hoàn thành kế hoạch cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ cao điểm mua sắm cuối năm của người dân (trong đó thịt gia cầm đã dự trữ 85% nhu cầu tiêu dùng, trứng gia cầm 65%, thực phẩm chế biến và đường 48%, dầu ăn 43%, gia súc 32%...). Các đơn vị cũng chủ động phát triển hệ thống phân phối hàng bình ổn giá nhằm đưa hàng hóa đến người tiêu dùng với giá cả hợp lý và đảm bảo chất lượng. Theo bà Đào, chương trình bình ổn năm nay đã thu hút được khá nhiều doanh nghiệp tham gia, nên sẽ tạo sự cạnh tranh mạnh, không có biến động lớn về giá do các doanh nghiệp bình ổn giá đã chuẩn bị nguồn hàng rất dồi dào.

Với dự báo tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tại Hà Nội trước và trong tháng Tết Nguyên đán tăng khoảng 20 - 21% so với các tháng trong năm, ước khoảng 24.000 tỷ đồng/tháng, Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá của thành phố dự trữ và bán ra trên thị trường những nhóm mặt hàng thiết yếu với tổng số tiền 475 tỷ đồng để phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân. Đến nay, hầu hết doanh nghiệp đã đảm bảo hàng hóa đầy đủ tại hơn 560 điểm bán hàng bình ổn; đưa hàng bình ổn giá kết hợp với các nhóm hàng khác về khu vực nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất phục vụ nhu cầu mua sắm nông dân và công nhân, góp phần ổn định giá cả 9 nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu trong danh mục hàng bình ổn giá. Trường hợp có biến biến động về giá, người dân trên địa bàn Thủ đô đều được hưởng lợi từ chương trình bình ổn giá của thành phố.

Theo nhận định Bộ Công Thương, hiện giá nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng đã có dấu hiệu hạ nhiệt, cùng với việc tích cực thực hiện các giải pháp tại Nghị quyết 11 và các doanh nghiệp bình ổn đang thể hiện sự quyết tâm cao trong việc chuẩn bị và dự trữ nguồn hàng cho địa phương nên thị trường mùa mua sắm cuối năm sẽ rất đa dạng và phong phú, không biến động lớn về giá trong dịp cuối năm./.


Văn Xuyên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN