Hàng hóa sau Tết dần bình ổn

Ghi nhận của phóng viên trong ngày 24/2 (tức mùng 6 Tết Ất Mùi), siêu thị tại các thành phố lớn đã mở cửa hoạt động trở lại bình thường. Tại các chợ, giá thực phẩm đã dần đi vào ổn định.

Người dân mua sắm tại siêu thị Thành Đô (Thanh Xuân, Hà Nội).


Giá cả không đột biến

Trong buổi chiều ngày 4 Tết, tại quán ăn C.N trên đường Lê Duẩn (Hà Nội), một nhóm thanh niên gọi một nồi lẩu bắp bò. Ngày thường, nồi lẩu này chỉ có giá 300.000 đồng nhưng do là ngày Tết, chủ quán thông báo giá là 450.000 đồng. Khi khách thắc mắc, chủ quán giải thích, không phải do quán tự ý tăng giá mà do tất cả nguyên liệu đầu vào như thịt bò, các loại rau, gia vị... mua tại chợ sau Tết đều tăng giá. “Tuy nhiên, giá này chỉ áp dụng hết ngày mồng 5 Tết, sang ngày 6 Tết, khi người dân đi làm bình thường, khách vắng, giá hàng tại chợ bình thường thì chúng tôi cũng bán giá như bình thường”, vị chủ quán phân trần.

Trong ngày mồng 6 Tết, phóng viên đã khảo sát tại một số chợ như chợ Khâm Thiên, chợ Hôm và nhận thấy, giá cả đã trở lại như bình thường. Năm nay, thời tiết Tết nắng nóng nên giá rau xanh khá rẻ. Su hào, bắp cải ở mức 3.000 - 4.000 đồng/củ, cái; cải cúc 5.000 đồng/mớ... Giá các loại thịt, cá cũng ổn định: sườn lợn là 120.000 - 150.000 đồng/kg, thăn bò 300.000 - 320.000 đồng/kg...

Các siêu thị tại Hà Nội như Big C, Metro, Saigon Co.opmart... trong ngày mồng 6 Tết đã mở cửa hoạt động bình thường. Tại siêu thị Fivimart trên phố Đại La, từ ngày 6 Tết, giờ hoạt động là 9 - 21 giờ 30 như thường lệ. Bên trong siêu thị, các mặt hàng vẫn phong phú, đa đạng như thời điểm trước Tết. Tuy nhiên, mặt hàng rau xanh có ít hơn và không tươi như ngày thường. Một nhân viên lí giải, do mới qua Tết nên các nguồn hàng nhập về chưa nhiều. Bởi vậy, người dân có thói quen mua rau ngoài chợ để tươi ngon hơn.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, ngay từ mùng 2 Tết, các siêu thị đã rục rịch khai trương. Tại các siêu thị thuộc hệ thống Saigon Co.op, từ mùng 2 đến mùng 5 Tết, doanh nghiệp phục vụ từ 8 - 12 giờ. Bắt đầu từ mùng 6 tết, siêu thị cũng hoạt động như bình thường. Ghi nhận của phóng viên, giá tất cả các loại hàng hóa tại siêu thị tương đương giá bán ngày thường. Cụ thể, thịt bò các loại giá dao động từ 150.000 - 300.000 đồng/kg, cá từ 30.000 đến 120.000 đồng/kg tùy loại. Một số loại trái cây, thực phẩm tươi sống, thịt heo còn giảm giá nhẹ từ 2.000 - 5.000 đồng/kg so với trước Tết.

Tại hệ thống siêu thị BigC, ngoài 7 chương trình khuyến mãi tiếp nối áp dụng với hơn 4.000 sản phẩm, doanh nghiệp đã chủ động giảm giá sâu từ 5 - 50% các mặt hàng thiết yếu như gạo, đường, dầu ăn, nước mắm, bánh kẹo, đồ khô, mứt, rượu bia, nước ngọt, quần áo thời trang, hóa mỹ phẩm, đồ dùng gia đình... “Năm nay, gia đình tôi không phải lo mua sắm, dự trữ nhiều vì các kênh bán lẻ đã rất phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Tại các siêu thị, hàng hóa gì cũng có mà chất lượng lại đảm bảo, giá cả phải chăng”, chị Minh Ngọc, nhà ở đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3) cho hay.

Sức mua chưa cao

Theo khảo sát của phóng viên, tại siêu thị và các đại lý bán lẻ ở Hà Nội, khách mua hàng còn thưa thớt. Siêu thị Big C Thăng Long tuy hàng hóa phong phú với giá bán giữ ổn định như trước Tết nhưng vẫn chưa nhiều khách mua. Phần lớn khách hàng lựa chọn thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm tươi sống. Các mặt hàng đồ khô, bánh kẹo, sữa... hầu như không có khách mua. Tại một số trung tâm thương mại, tuy đã mở cửa nhưng còn nhiều gian hàng trống.

Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Marketing hệ thống siêu thị Saigon Co.op cho biết, những ngày sau Tết năm nay, sức mua có tăng hơn cùng thời điểm năm 2014 khoảng 10%, tuy nhiên vẫn yếu. “Sau Tết, doanh nghiệp chủ yếu bán các mặt hàng thực phẩm tươi sống như rau củ quả, thủy hải sản, thịt gia súc và gia cầm để phục vụ nhu cầu cúng lễ đầu năm của người dân. Doanh nghiệp đang thực hiện giảm giá từ 10 - 20% các mặt hàng thực phẩm tươi sống nói chung”.

Sau Tết, người dân có nhu cầu thay đổi khẩu vị sau những ngày Tết. Do vậy, các cửa hàng ăn uống với các món bún, phở khá đắt khách. Tuy vậy, theo ghi nhận dịp Tết năm nay không xảy ra tình trạng “chặt chém”. Chủ quán bún riêu ở 169 phố Mai Hắc Đế (Hà Nội) cho biết: “Tôi đã mở hàng ngay từ ngày 2 Tết và không tăng giá. Làm vậy để giữ khách tới ăn quanh năm, tăng giá cũng không lãi hơn là bao mà mất khách”.

Tương tự như các kênh bán lẻ hiện đại, tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, không khí kinh doanh vẫn khá trầm lắng. Ghi nhận tại một số chợ tại các quận trung tâm của thành phố, chỉ các quầy hàng kinh doanh thực phẩm tươi sống như rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản... là tương đối nhộn nhịp nhưng cũng chỉ bằng khoảng 50% so với ngày thường. Giá các loại thực phẩm này đã hạ nhiệt so với trước Tết và trở về với giá bình thường. Tuy nhiên, một số loại thủy hải sản tươi sống tăng giá nhẹ từ 5.000 - 15.000 đồng/kg. Riêng các loại rau củ quả lại có mức giá rẻ hơn khoảng 20% so với ngày thường.

Khảo sát tại chợ đầu mối Hoàng Mai (Hà Nội), lượng hàng về chưa nhiều, chủ yếu là các loại rau xanh, trái cây. Đây cũng là những mặt hàng được tiêu thụ nhiều nhất vào thời điểm này tại các chợ.   


Lê Nghĩa - Hoàng Dương


Hàng hóa, dịch vụ tăng giá trong dịp Tết
Hàng hóa, dịch vụ tăng giá trong dịp Tết

Do nguồn cung hàng hóa dồi dào nên dịp Tết đã không xảy ra tình trạng thiếu hàng, “sốt” giá. Riêng vào ngày cận Tết (từ ngày 27 - 30 Tết), sức mua hàng thực phẩm tươi sống tăng mạnh nên giá nhích thêm từ 10 - 15%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN