Hạn chế thấp nhất thiệt hại trong sản xuất do rét đậm, rét hại kéo dài

Trước tình hình rét đậm, rét hại kéo dài, UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa ban hành công văn chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tập trung bảo vệ sức khỏe của người dân, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất đối với sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Chú thích ảnh
Nông dân xã Phú Xuyên (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) giữ ấm cho mạ trong tiết trời giá rét. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, liên tiếp trong những ngày qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh cường độ mạnh, toàn miền Bắc đã xảy ra rét hại, vùng núi cao xuất hiện băng giá, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân và sản xuất nông nghiệp; trong đó, có tỉnh Vĩnh Phúc. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, đây là đợt không khí lạnh có cường độ mạnh nhất mùa Đông năm 2023 - 2024. Trong đợt rét này, ở Bắc Bộ nhiệt độ khá thấp, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ...

Để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại đối với sản xuất nông nghiệp, bảo vệ sức khỏe của người dân, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất đối với sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện và yêu cầu người đứng đầu các sở, ban ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố khẩn trương quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung phòng chống rét đậm, rét hại của Trung ương và tỉnh.

Vĩnh Phúc tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai đồng bộ biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh với cây trồng, vật nuôi, thủy sản nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp.

Vĩnh Phúc chỉ đạo các địa phương tuyệt đối không gieo cấy trong những ngày rét đậm, rét hại; thực hiện che phủ ni lông 100% diện tích mạ, tưới giữ ẩm chân mạ đối với diện tích mạ đã gieo; điều tiết duy trì mực nước nông trên mặt ruộng đối với diện tích lúa đã cấy, không bón phân thúc trong những ngày trời rét.

Cùng đó, tiếp tục chỉ đạo nông dân chăm sóc các loại rau màu vụ Đông (tưới đủ ẩm; bón thêm phân kali, phân lân kết hợp tủ gốc bằng mùn, rơm, rạ,... để giữ ấm, giữ ẩm cho cây; thu hoạch kịp thời cây vụ Đông đã đến thời kỳ thu hoạch để đảm bảo năng suất và chất lượng, đồng thời giải phóng đất sớm để triển khai sản xuất vụ Đông Xuân 2023 - 2024. Đối với cây lâu năm tiến hành ủ gốc bằng tàn dư hữu cơ, phế phụ phẩm nông nghiệp để vừa giữ ấm vừa giữ ẩm cho gốc và rễ cây; khi có rét đậm rét hại, những nơi có điều kiện tiến hành tưới nước, hun khói ở đầu hướng gió, che cho cây mới trồng để giảm tác hại của rét đậm rét hại.

Đối với sản xuất chăn nuôi, tỉnh yêu cầu những hộ chăn thả gia súc trong rừng phải thực hiện việc di chuyển đàn vật nuôi về nhốt tại chuồng hoặc đến những nơi kín gió, đủ điều kiện đảm bảo cho đàn gia súc tránh rét; áp dụng chế độ chăn thả muộn, về sớm; không chăn thả, không cho trâu, bò làm việc khi xảy ra rét đậm, rét hại.

Đồng thời, vận động người dân chủ động dự trữ, bảo quản thức ăn thô xanh cũng như thức ăn tinh cho gia súc, đảm bảo đủ thức ăn cho gia súc trong vụ Đông Xuân và áp dụng các biện pháp kỹ thuật phòng chống đói, rét theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh chủ động bố trí ngân sách địa phương, Quỹ phòng, chống thiên tai và các nguồn lực tại chỗ để kịp thời phục vụ công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi, thủy sản và cây trồng; kịp thời hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chính sách để gia cố, che chăn chuồng trại, ao giống, vườn cây giống, nhất là mạ xuân và mua thức ăn tinh cho đàn gia súc ăn cỏ, phân bón, chế phẩm sinh học tăng sức chống chịu lạnh cho cây trồng.

Các cơ quan thông tin, truyền thông đang hoạt động trên địa bàn tăng cường tuyên tuyên truyền đến người dân về công tác phòng chống rét, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản và cây trồng; thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến của rét đậm, rét hại trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động phòng tránh.

Để bảo vệ an toàn đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán, Chi cục Chăn nuôi - Thú y đã khuyến cáo các hộ chăn nuôi cần chủ động gia cố, tu sửa, đảm bảo chuồng trại đủ ấm, không bị gió lùa, mưa hắt làm ẩm, ướt nền chuồng; dự trữ chất đốt, thiết bị để sưởi ấm cho vật nuôi trong những ngày rét đậm, rét hại; tổ chức chế biến, bảo quản, dự trữ đầy đủ thức ăn cho vật nuôi, duy trì mức nước ao, hồ chăn nuôi thủy sản hợp lý...

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, Vĩnh Phúc hiện có trên 120.000 con trâu bò, trên 11 triệu con gia cầm và hơn 450.000 con lợn. Trong điều kiện thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn vật nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban liên quan, UBND các xã, phường áp dụng các biện pháp phòng chống rét cho đàn vật nuôi, thủy sản...

Nguyễn Trọng Lịch (TTXVN)
Bắc Bộ rét đậm, rét hại kéo dài 
Bắc Bộ rét đậm, rét hại kéo dài 

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều tối và đêm 25/1, do ảnh hưởng của không khí lạnh, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời tiếp tục rét hại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN