Hạn chế khai thác gần bờ

Bên lề hội nghị, phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Chu Tiến Vĩnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về chiến lược phát triển của ngành thủy sản trong 5 năm tới.

Xin ông cho biết trọng tâm trong phát triển ngành thủy sản giai đoạn 2011 – 2015 là gì?

Trong 5 năm tới, trọng tâm phát triển của thủy sản là đảm bảo sản lượng khai thác cũng như giá trị xuất khẩu, chất lượng an toàn thực phẩm, nâng cao đời sống của người dân vùng ven biển.

Trong việc khai thác, đi cùng với các lợi ích kinh tế phải chú trọng đảm bảo an ninh chủ quyền biển đảo. Đặc biệt là cải thiện đời sống cho người dân sống ven biển.

Các mặt hàng trọng tâm trong nuôi trồng xuất khẩu là cá tra, sắp tới có thêm cá rô phi, còn trong đánh bắt xuất khẩu là cá biển cá mú, cá hồng... tôm sú và tôm thẻ chân trắng, mực.

Thị trường xuất khẩu trọng tâm vẫn là EU, Mỹ, Hồng Công (Trung Quốc)..., ngoài ra phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tăng cường xuất khẩu sang châu Phi, Trung Đông...

Trong thời gian qua, Việt Nam gặp khá nhiều rào cản thương mại khi xuất khẩu thủy sản. Do vậy, làm thế nào để thủy sản Việt Nam không vướng phải những rào cản này, thưa ông ?

Để chống các rào cản thương mại thì Việt Nam phải tăng cường hội nhập quốc tế, cử các đoàn công tác sang tận nơi để làm việc với họ, giải quyết trực tiếp các vướng mắc cho doanh nghiệp. Ví dụ, vụ kiện cá tra vừa qua ở các nước EU, chúng tôi đã cử đoàn sang tận Bỉ, Thụy Sỹ, Đức... mang tài liệu, chứng minh cho họ thấy thực tế ở Việt Nam không phải như thế. Kết quả thu được sau chuyến đi rất tốt, dần dần họ sẽ xóa bỏ những thông báo bất lợi cho Việt Nam.

Chúng tôi cũng thường xuyên trao đổi với các phái đoàn quốc tế. Trong thời gian qua các lô hàng xuất khẩu sang EU cũng không gặp vướng mắc gì.

Gần đây nhiên liệu tăng cao, khiến một số ngư dân không chịu nổi chi phí phải bán tàu, xin ông cho biết có chính sách gì hỗ trợ ngư dân ra biển không?

Giá nhiên liệu tăng nhưng giá bán thủy sản trên thị trường thì lại không tăng kịp, do vậy ngư dân gặp khó khăn. Tuy nhiên, đó chỉ là khó khăn trước mắt. Tới khi thị trường ít cá, các nhà xuất khẩu cần nguyên liệu thì giá thu mua cá tăng lên, lúc đó ngư dân có thể tiếp tục sản xuất. Chúng tôi đã có cuộc họp với các bộ, ngành, sẽ có chính sách giúp đỡ ngư dân trong thời gian tới.

Tuy nhiên, nhìn lại năm 2008, giá nhiên liệu cũng tăng cao, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ cho người nghèo, trong đó có hỗ trợ dầu cho ngư dân. Khi đó, chúng ta có 97.000 chiếc tàu, sau năm 2008, khi có quyết định hỗ trợ dầu, số tàu tăng thêm 30.000 chiếc nữa, đặc biệt là tàu ven bờ. Với số lượng tàu nhiều như vậy thì không thể bảo vệ được nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là vùng gần bờ. Do vậy, vừa qua, có một số ngư dân bán tàu cũng không phải là tín hiệu xấu. Ngư dân có thể chuyển đổi ngành nghề, sang nuôi trồng thủy sản hay nghề khác.

Trong chiến lược phát triển thủy sản cũng có chính sách hỗ trợ ngư dân như cho vay vốn để đóng mới tàu lớn, đào tạo con người, xây dựng các cơ sở nghề cá... Hỗ trợ ngư dân chuyển từ đánh bắt sang nuôi trồng, làm du lịch hoặc nghề khác để hạn chế việc quá chú trọng vào đánh bắt, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên.

Hữu Vinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN