Để giảm nghèo đi vào thực chất

Hạn chế hỗ trợ cho không

Ông Nguyễn Trọng Đàm (ảnh), Thứ trưởng Bộ LĐTBXH đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Tin Tức xung quanh việc xây dựng chuẩn nghèo đa chiều để hướng tới giảm nghèo bền vững.


* Thưa ông, xin ông cho biết lý do Bộ LĐTBXH chuyển sang phương pháp đo lường nghèo đa chiều?

Chuẩn nghèo hiện nay của Việt Nam đang áp dụng từ năm 2010 và sau 4 năm thực hiện đã có những thành công bước đầu như số hộ nghèo giảm từ trên 14% xuống 6%. Tuy nhiên, chuẩn nghèo này đã bắt đầu lạc hậu, nhất là tình trạng trượt giá, nên việc điều chỉnh chuẩn nghèo là cần thiết. Năm 2015, Bộ LĐTBXH và các ngành chức năng tiến hành đánh giá lại toàn bộ chính sách giảm nghèo để đưa ra chuẩn nghèo mới cho giai đoạn 2016-2020.

Theo đánh giá của Bộ, chính sách giảm nghèo hiện nay đã góp phần hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, cho cộng đồng và khuyến khích hộ nghèo vươn lên; nhưng cũng đồng thời bộc lộ những bất cập và cộng đồng cho rằng chưa hợp lý, phần nào tạo sự ỷ lại của người nghèo và chưa khuyến khích người nghèo vươn lên, chưa phản ánh đặc thù vùng miền, nhóm dân cư.

Quốc hội khi giám sát và cũng nhận thấy vấn đề đó và có Nghị quyết khắc phục bất cập đó trong chính sách. Bộ LĐTBXH đang rà soát lại toàn bộ chính sách, xem chính sách nào còn phù hợp thúc đẩy xóa đói giảm nghèo thì tiếp tục; những chính sách nào còn bất cập phải sửa đổi, bổ sung; chính sách nào không phù hợp thì loại bỏ. Chúng ta thiết kế lại chính sách để dễ theo dõi, dễ làm và cũng tập trung nguồn lực, hiệu quả và khắc phục hạn chế và phù hợp với nhóm dân cư, vùng miền đặc thù khác nhau và khuyến khích cộng đồng nghèo vươn lên, giảm trông chờ vào nguồn lực nhà nước và tăng dần chính sách hỗ trợ có điều kiện, tạo môi trường hộ nghèo vươn lên.

Mục tiêu đo lường nghèo đa chiều là nhằm khắc phục được những bất cập và tồn tại của chính sách giảm nghèo, để giai đoạn tới chúng ta tiếp cận dần với vấn đề quyền được tiếp cận các dịch vụ cơ bản của người dân. Thông qua tiếp cận đo lường nghèo đa chiều định kỳ, chúng ta sẽ đánh giá được mức độ thay đổi các nhu cầu xã hội cơ bản của người dân tại từng địa phương. Đặc biệt, các cơ quan quản lý sẽ nhận thấy rõ hơn các khu vực có mức độ thiếu hụt cao, làm cơ sở xây dựng các chính sách vĩ mô, để từng bước giảm dần mức độ thiểu hụt giữa các vùng, nhóm dân cư.

Việc xác định mức độ thiếu hụt thông qua tiếp cận đo lường nghèo đa chiều sẽ góp phần tăng tính hiệu quả của chính sách hỗ trợ, hạn chế tình trạng trông chờ, ỷ lại của đối tượng thụ hưởng, đồng thời là cơ sở để xây dựng kế hoạch ngân sách thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội phù hợp hơn.
Vì vậy, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị trong giai đoạn 2016-2020 giao Tổng cục Thống kê chịu trách nhiệm, công bố tỷ lệ nghèo của cả nước đến các tỉnh, thành phố.

* Vậy định hướng chính sách giảm nghèo giai đoạn tới sẽ thay đổi như thế nào với chuẩn nghèo đa chiều mới, thưa ông?

Thời gian tới, Chính phủ hạn chế chính sách hỗ trợ cho không, tăng cường chính sách hỗ trợ cho vay có hoàn trả, có điều kiện và có thời hạn, đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, nâng cao nhận thức. Các chính sách giảm nghèo sẽ được xác định theo hướng tác động đến từng nhóm đối tượng cụ thể như hỗ trợ cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng.

Bộ LĐTBXH sẽ có trách nhiệm hướng dẫn các địa phương tổ chức điều tra, xác định đối tượng thụ hưởng chính sách ở cơ sở, cách thức quản lý đối tượng bảo đảm chặt chẽ, hạn chế tình trạng lợi dụng chính sách.

Trong giai đoạn tới, việc điều tra xác định đối tượng được thực hiện vào đầu kỳ (năm 2015), giữa kỳ (năm 2018) và cuối kỳ (năm 2020) chứ không tổ chức điều tra, rà soát hằng năm như hiện nay. Như vậy, đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ được ổn định thực hiện chính sách từ 2-3 năm để bảo đảm thoát nghèo bền vững.

Hằng năm, trên cơ sở kết quả điều tra mức sống hộ gia đình, Tổng Cục Thống kê công bố tỷ lệ thiếu hụt các nhu cầu xã hội của cả nước và từng địa phương, phân tích mức độ thay đổi, làm cơ sở để định hướng các chính sách phát triển kinh tế vùng, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội.

Xin cảm ơn ông!


 Xuân Minh - Đan Phương


Để giảm nghèo đi vào thực chất
Để giảm nghèo đi vào thực chất

Dù đạt được nhiều thành tích đáng kể, nhưng đánh giá chung, công tác giảm đói nghèo của Việt Nam chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao. Một trong những nguyên nhân là việc xác định hộ nghèo dựa trên thu nhập hiện nay là chưa phù hợp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN