Hầm đường bộ tiền tỷ bỏ hoang

Nhiều hầm đường bộ có số vốn đầu tư lên tới hàng trăm tỷ đồng đang bị bỏ hoang, trở thành “cục nợ” của hạ tầng giao thông Thủ đô. Thực tế này vừa gây lãng phí nguồn vốn của nhà nước, vừa trở thành nguyên nhân khiến giao thông Thủ đô thêm phần rối.


Xuống cấp nghiêm trọng


Từ năm 2001 - 2007, Hà Nội đã đưa vào sử dụng 20 hầm đường bộ tại các vị trí giao cắt trọng điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc trên đường: Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, ngã tư Kim Liên, Ngã Tư Sở... Các hầm này được đầu tư xây dựng với khoản kinh phí lên đến hàng triệu USD, với mục tiêu giải tỏa xung đột giao thông, tạo điều kiện cho người đi bộ qua đường an toàn.

 

Cổng hầm Ngã Tư Sở - Trường Chinh trở thành nơi bán hàng của
người dân.

 
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV báo Tin Tức, phần lớn các hầm đường bộ hiện nay của Thủ đô đều bị bỏ hoang. Cám cảnh nhất là các hầm đường bộ trên đường Khuất Duy Tiến - Phạm Hùng. Ngoài hai hầm đối diện bến xe Mỹ Đình và Trung tâm Hội nghị quốc gia còn thi thoảng có người đi lại, còn bốn hầm khác trên tuyến đường này đều vắng bóng khách bộ hành.

 

Hầm đặt ở nơi vắng vẻ ít người qua lại, nên đã bị bỏ hoang, xây dựng
dở dang.


Cửa các hầm tại đây cỏ dại mọc um tùm, chứng tỏ bị bỏ hoang từ lâu và nay được rào chắn lại một cách tạm bợ. Nhìn từ trên xuống, rác thải ngổn ngang, bụi phủ mù. Lớp gạch men ốp tường bong tróc để trơ những bức tường bê tông nham nhở bên dưới hầm. Thậm chí có hầm, rác được đổ thành đống và nước ngập sâu cả mét... Anh Tuấn Long, nhân viên bảo vệ siêu thị Big C Thăng Long, khu vực gần một hầm đường bộ trên đường Phạm Hùng cho biết: “Hầm này thường xuyên bốc mùi xú uế khó chịu. Khu vực cửa hầm ngày đêm là nơi tụ tập của nhiều thanh niên bất hảo. Thậm chí, các hầm này đã trở thành nhà vệ sinh công cộng của cánh xe ôm...”.

 

Thành phố Hà Nội đã giao Sở Giao thông Vận tải rà soát, kiểm tra toàn bộ các hầm đường bộ theo quy định của Nghị định 11/NĐ - CP và 100/NĐ - CP của Chính phủ về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và có phương án xử lý ngay trong tháng 11 này.


Được đánh giá sạch đẹp và an toàn nhất hiện nay là hầm đường bộ Ngã Tư Sở. Tuy nhiên, với 12 cửa lên xuống và vài chục biển chỉ dẫn, hầm này đã trở thành "mê cung" thách đố người đi bộ, đặc biệt đối với những người đầu tiên qua đây. Và theo ghi nhận của phóng viên, hầm này cũng thưa thớt người sử dụng. Nguyên nhân là do ở trong hầm không có bảo vệ, nhiều ngõ rẽ tắt lại vắng người, gây cảm giác thiếu an toàn. Đó là lý do tại sao người đi bộ còn ngần ngại không muốn đi qua. Chị Thủy Tiên, sinh viên trọ học tại một căn hộ trên đường Ngã Tư Sở cho hay: “Dù rất hay phải sang đường, nhưng tôi rất ít sử dụng hầm đường bộ. Chỉ hôm nào trời nắng to hay đổ mưa, tôi mới đi qua hầm. Có hôm, vừa vào hầm, nhìn thấy các thanh niên xăm trổ đầy mình tụ tập, tôi quay đầu lại ngay, chứ không dám đi tiếp. Buổi tối, nếu có việc phải sang bên kia đường, tôi thường chọn cách băng qua dòng xe cộ, vì đi qua hầm chỉ sợ gặp các đối tượng cướp giật, nghiện hút...”.


Còn hầm đường bộ trên đường Lê Văn Lương thì đang bị nhiều người dân chiếm dụng biến thành nơi ở và bán hàng. Trước cửa hầm là bàn ghế, cốc chén, phía dưới có đầy đủ đồ dùng sinh hoạt như giường tủ, tivi, bát đĩa... Một số người lái xe ôm xung quanh khu vực này, việc chiếm dụng này diễn ra từ lâu nhưng không thấy cơ quan nào xử lý...


Bao giờ mới hết lãng phí?


Nhiều người dân đặt câu hỏi tại sao hầm đường bộ văn minh, hiện đại lại bị bỏ hoang, gây lãng phí như hiện nay, trong khi Hà Nội thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn liên quan đến người đi bộ sang đường không đúng quy định. Thực tế cho thấy, nguyên nhân chủ yếu là do người dân chưa quen sử dụng loại hình giao thông công cộng này. Thêm vào đó, ý thức của không ít người dân còn hạn chế; công tác quản lý, đảm bảo an ninh dưới hầm chưa tốt, gây tâm lý bất an cho khách bộ hành mỗi lần qua hầm. 


Theo Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, ngoài nguyên nhân xuất phát từ ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế, tình trạng trên còn do các cơ quan chức năng chưa khảo sát kỹ lưỡng vị trí trước khi xây dựng. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng hầm đường bộ chưa hiệu quả, chế tài xử lý người đi bộ không đúng quy định chưa đủ sức răn đe, cơ sở hạ tầng kết nối với hầm như tàu điện, xe buýt, siêu thị, khu vui chơi chưa đồng bộ cũng khiến các hầm bộ hành rơi vào cảnh hoang tàn.



Bài và ảnh: Nguyễn Tiến

Từ lãng phí đến lãng quên hầm đường bộ
Từ lãng phí đến lãng quên hầm đường bộ

Được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để giúp người dân qua đường an toàn và nâng cao năng lực hạ tầng giao thông nhưng từ nhiều năm nay, nhiều hầm đường bộ ở Hà Nội đang bị xuống cấp và bị bỏ hoang phế.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN