Hải quan lý giải nguyên nhân nguồn thu ngân sách giảm 16%

Theo Tổng cục Hải quan, ước thu ngân sách cả năm 2023 đạt từ 365.000 - 367.000 tỷ đồng, bằng 86% dự toán, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2024, toàn ngành Hải quan phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu do Quốc hội giao là 375.000 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Cán bộ Đội Kiểm soát Hải quan - Cục Hải quan tỉnh Tây Ninh tiến hành kiểm tra kết quả soi phương tiện làm thủ tục xuất nhập khẩu tại Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Ảnh: Thanh Tân/TTXVN

Dự toán thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2023 của ngành Hải quan được xây dựng trên cơ sở tăng trưởng GDP 6 - 6,5%; giá dầu thô 70 USD/thùng; kim ngạch xuất khẩu tăng từ 8 - 9%, kim ngạch nhập khẩu tăng từ 7 - 8%. 

Tuy nhiên thống kê đến ngày 17/12, tổng thu NSNN của toàn ngành Hải quan ước đạt 353.033 tỷ đồng, bằng 83,1% dự toán, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022.

Lý giải về nguyên nhân giảm thu, Cục trưởng Cục Thuế Xuất nhập khẩu (XNK) Lê Như Quỳnh cho biết: Kinh tế thế giới năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn, hầu hết nền kinh tế trên thế giới đều có mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng, lạm phát đã hạ nhiệt nhưng vẫn cao, dẫn đến chính sách tiền tệ thắt chặt, nợ công thế giới đã tăng kỷ lục, trong khi đó, xung đột quân sự Nga - Ukraine, xung đột Hamas - Israel tiếp tục căng thăng, bất ổn địa chính trị, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu… ngày càng gia tăng.

“Xu hướng mua sắm của người tiêu dùng trên thế giới giảm mạnh, chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy, dẫn tới nhiều hệ lụy cho hoạt động XNK và tăng trưởng kinh tế”, bà Lê Như Quỳnh cho biết.

Theo Cục trưởng Cục Thuế XNK Lê Như Quỳnh, các nền kinh tế lớn là đối tác XK của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chỉ tiêu mua sắm khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm. Đặc biệt, giá xăng dầu liên tục biến động cũng là nguyên nhân dẫn đến tổng kim ngạch hàng hóa XNK chịu thuế giảm mạnh.

Ngoài các nguyên nhân trên, đại diện Tổng cục Hải quan cho rằng: Nguồn thu chính từ 4 nhóm mặt hàng NK có kim ngạch giảm cũng đã tác động mạnh đến số thu ngân sách từ hoạt động XNK. Cụ thể: Đối với nhóm các mặt hàng nguyên liệu, máy móc thiết bị, phụ tùng NK phục vụ sản xuất như: Than, hóa chất và sản phẩm hóa chất, chất dẻo, sắt thép, nguyên phụ liệu dệt may, linh kiện điện tử, linh kiện ô tô… chiếm 57% tổng kim ngạch NK chịu thuế, giảm 16,7%, làm giảm thu khoảng 32.200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.

Tại nhóm xăng dầu NK, do tác động ưu đãi về thuế suất NK xăng từ thị trường ASEAN là 5%, dầu DO và dầu FO là 0% nên các doanh nghiệp chủ yếu NK từ ASEAN thay vì NK từ Hàn Quốc với mức thuế suất là 8%. Vì vậy, lượng NK tăng 21,4% nhưng số thu giảm khoảng 2.400 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.

Đối với nhóm dầu thô NK do giá dầu thô giảm 19,4% so với năm 2022, làm giảm thu 2.300 tỷ đồng. Riêng đối với nhóm ô tô nguyên chiếc NK đạt 110.771 chiếc giảm 26,8%, làm giảm thu khoảng 4.700 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.

Ngoài ra theo bà Lê Như Quỳnh, do thực hiện Nghị định 44/2023/NĐ-CP của Chính phủ giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho một số mặt hàng từ ngày 1/7/2023 cũng là nguyên nhân giảm thu, số thuế GTGT năm 2023 ước giảm gần 9.000 tỷ đồng.

Tại Nghị quyết số 104/2023/QH15 mới đây, Quốc hội giao dự toán thu NSNN cho Tổng cục Hải quan trong năm 2024 là 375.000 tỷ đồng. Trong đó, thuế XK là 8.200 tỷ đồng; thuế NK là 47.500 tỷ đồng; thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) là 38.000 tỷ đồng; thuế bảo vệ môi trường (BVMT) là 1.200 tỷ đồng; thuế GTGT là 279.400 tỷ đồng và các khoản thu khác là 700 tỷ đồng. Trong khi đó, dự toán 2024 được xây dựng trên cơ sở tăng trưởng GDP 6 - 6,5%; giá dầu thô 70 USD/thùng.

Trước tình hình kinh tế dự báo vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao trong công tác thu, năm 2024, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giải quyết kịp thời vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền liên quan đến thủ tục hải quan, chính sách thuế, công tác quản lý thuế, chế độ kế toán, chế độ hoàn thuế, miễn thuế, tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia hoạt động XNK. 

Tiếp tục áp dụng các chuẩn mực quốc tế, quy trình quản lý hải quan hiện đại nhằm tạo thuận lợi tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo giám sát, quản lý chặt chẽ theo đúng quy định.

“Tập trung rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế; phân loại các nhóm nợ, tình trạng nợ thuế của doanh nghiệp, đưa ra biện pháp xử lý theo đúng quy định; quyết liệt xử lý, cưỡng chế, thu hồi nợ thuế theo quy định của pháp luật, giảm nợ đọng thuế, định kỳ công khai các doanh nghiệp nợ thuế; không để phát sinh nợ mới, không để nợ tại thời điểm 31/12/2024 cao hơn thời điểm 31/12/2023”, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết. 

Ngoài ra, năm 2024, ngành Hải quan sẽ rà soát, thực hiện kiểm tra tên hàng, mã số, mức thuế tại khâu thông quan, sau thông quan để phát hiện và xử lý các trường hợp khai sai mã số, tên hàng... để được áp dụng mức thuế thấp hoặc được hưởng các mức thuế ưu đãi đặc biệt tập trung kiểm tra những mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa XNK rủi ro về phân loại và áp dụng mức thuế; kiểm tra, tham vấn trị giá trong khi làm thủ tục hải quan, kiểm tra trị giá sau thông quan đối với những mặt hàng và doanh nghiệp có rủi ro khai báo sai về trị giá nhằm xác định đúng trị giá hải quan, trị giá tính thuế.

Huy Cường/Báo Tin tức
Nỗ lực thực hiện Hải quan số trong các khâu nghiệp vụ 
Nỗ lực thực hiện Hải quan số trong các khâu nghiệp vụ 

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, năm 2024, toàn ngành Hải quan quyết tâm chuyển đổi số mạnh mẽ dựa vào ứng dụng dữ liệu lớn, thông minh, trí tuệ nhân tạo… trong các khâu nghiệp vụ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN