Hải Phòng tạo cơ chế thông thoáng, tăng niềm tin nơi doanh nghiệp

Năm 2016, Hải Phòng bứt phá trở thành thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Theo đó, tổng vốn FDI đạt gần 3 tỷ USD, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ, vượt hơn 52% so với kế hoạch. Thu ngân sách nội địa tăng 33,4%, đạt khoảng 17.000 tỷ đồng. Để đạt được kết quả này, chính là nhờ sự điều hành thông thoáng, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp phát triển của lãnh đạo thành phố.

Hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng Hải Phòng. Ảnh: Hoàng Ngọc/TTXVN

Theo định kỳ, vào ngày 10 hàng tháng, lãnh đạo thành phố cùng các sở, ban, ngành liên quan tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp trên địa bàn. Những vướng mắc có thể giải quyết nhanh chóng, chủ tọa hội nghị sẽ kết luận, yêu cầu các đơn vị thực hiện ngay. Những vụ việc còn cần kiểm tra, các đoàn làm việc sẽ xuống đơn vị để lắng nghe trực tiếp và tìm hiểu cụ thể hơn rồi đưa ra phương án giải quyết ngay sau đó.

Ngay trong buổi đối thoại doanh nghiệp tổ chức ngày 10/1 mới đây, nhiều nội dung đã được Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng kết luận và đưa ra hướng xử lý tại hội nghị. Đơn cử như vụ việc Công ty trách nhiệm hữu hạn Toàn Minh (huyện Thủy Nguyên) đấu giá lại đất của phòng Giáo dục huyện Thủy Nguyên với thời hạn không xác định. Tuy nhiên, khi bàn giao giấy tờ, doanh nghiệp chỉ được nhận Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất với thời hạn 70 năm.

Ông Nguyễn Sĩ Tình, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Toàn Minh gửi kiến nghị lên Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất lâu dài vì doanh nghiệp đã phải bỏ ra số tiền lớn hơn để đấu giá đất so với thời hạn 70 năm. Chủ tịch Nguyễn Văn Tùng đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường và Cục Thuế Hải Phòng xem xét và cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất lâu dài cho ông Nguyễn Sĩ Tình.

Một trường hợp khác là Hợp tác xã Thương binh Hải Đông kiến nghị về việc cấp giấy Đăng ký kinh doanh theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Hợp tác xã này chưa được cấp Giấy đăng ký kinh doanh do quận Hải An và hợp tác xã không đồng nhất về quyền sử dụng hợp pháp trụ sở để đăng ký. Lãnh đạo thành phố đã trực tiếp nghe kiến nghị, xuống kiểm tra xong đến lần đối thoại gần nhất, sự việc vẫn chưa được giải quyết.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng nêu rõ quan điểm: “Đối với những trường hợp đất thuộc dự án chờ giải phóng mặt bằng, thành phố sẽ không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cũng sẽ không còn trường hợp thành phố bảo vệ cho những trường hợp cơi nới đất bỏ hoang rồi chờ thành phố hợp thức hóa”.

Từ sự thẳng thắn của lãnh đạo thành phố bảo vệ quyền lợi cho người dân nhưng không dung túng cho những trường hợp thực hiện không đúng quyền lợi, nghĩa vụ, hoạt động đối thoại hàng tháng của UBND thành phố Hải Phòng đã tạo được sự phấn khởi, niềm tin đối với doanh nghiệp. Ông Nguyễn Sĩ Tình cho biết, vụ việc của ông đã 8 lần các ban, ngành liên quan đến làm việc nhưng chưa được giải quyết. Với sự tiếp xúc và chỉ đạo trực tiếp từ lãnh đạo thành phố, ông hy vọng gia đình sẽ sớm nhận được giấy chứng nhận quyền sở hữu đất lâu dài.

Còn ông Trần Văn Thành, Giám đốc Công ty Cổ phần du lịch Đồ Sơn cho biết: “Từ sự tiếp xúc, chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo thành phố đã tạo sự tin tưởng, phấn khởi trong các doanh nghiệp. Công ty Cổ phần du lịch Đồ Sơn cũng đã đưa ra kiến nghị trước đó không xử lý được trong rất nhiều năm, ngay sau khi đưa ra hội nghị tiếp xúc doanh nghiệp đã được chỉ đạo, xử lý nhanh chóng”. Ông Trần Văn Thành khẳng định thêm, sự cởi mở, thẳng thắn, làm việc trực tiếp, làm vì doanh nghiệp của thành phố đã tạo động lực để các nhà đầu tư bỏ công sức, tiền của đóng góp chung cho sự phát triển của Hải Phòng.

Theo đánh giá của UBND thành phố Hải Phòng, qua các hội nghị đối thoại doanh nghiệp hàng tháng, các kiến nghị của doanh nghiệp được giải quyết kịp thời, nhiều bức xúc của doanh nghiệp được giải tỏa, tinh thần đối thoại thể hiện rõ sự đồng hành cùng doanh nghiệp của chính quyền thành phố. Từ tháng 9/2016 đến nay, số ý kiến, kiến nghị được giải quyết triệt để là 56/108 kiến nghị. 52 kiến nghị đang được UBND thành phố Hải Phòng và các sở, ngành địa phương tiếp tục khẩn trương giải quyết.

Cùng với việc đối thoại, Hải Phòng đã đề ra nhiều giải pháp khác để giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất và phát triển kinh doanh như: rà soát quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của thành phố; các quy hoạch sau khi phê duyệt đều đăng tải công khai trên website chính thức của thành phố (www.haiphong.gov.vn ).

Bên cạnh đó, thành phố rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đăng ký kinh doanh doanh nghiệp xuống dưới 3 ngày làm việc; thời gian đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất không quá 20 ngày làm việc (rút ngắn 10 ngày làm việc so với quy định); thời gian cấp phép xây dựng cho cá nhân và nhà thầu nước ngoài từ 20 ngày giảm xuống còn 12 ngày làm việc. Hoạt động kết nối doanh nghiệp - ngân hàng cũng được tăng cường...
Minh Thu (TTXVN)
Hải Phòng chi gần 2.600 tỷ đồng xây công trình giao thông cấp đặc biệt
Hải Phòng chi gần 2.600 tỷ đồng xây công trình giao thông cấp đặc biệt

Ngày 6/1, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng khởi công xây dựng cầu Hoàng Văn Thụ. Đây là công trình giao thông cấp đặc biệt, có tổng mức đầu tư gần 2.600 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN