Hà Nội hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, do ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa, hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế diễn ra nhanh chóng cùng với dịch COVID-19 xảy ra trong 2 năm qua nên làm ảnh hưởng đến sự phát triển của các làng tại Hà Nội.

Chú thích ảnh
Sản phẩm sơn mài tại cơ sở sản xuất Thanh Bình, cụm làng nghề sơn mài Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín. Ảnh tư liệu: Trần Việt/TTXVN

Trước đây, toàn thành phố có 1.350 làng nghề và làng có nghề, nhưng từ cuối năm 2021, chỉ còn 806 làng hoạt động, giảm 544 làng.

Theo các chuyên gia kinh tế do ảnh hưởng dịch COVID-19 kéo dài, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều làng nghề đình trệ, nhất là các làng nghề có sản phẩm xuất khẩu và gắn với du lịch. Hầu hết cơ sở sản xuất đang đối mặt với nhiều khó khăn, từ nguồn nguyên liệu đầu vào, nhân lực, nguồn vốn, đến cả đầu ra cho sản phẩm.

Để thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển nói chung và làng nghề nói riêng, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, năm 2022, Sở tiếp tục tham mưu UBND thành phố Hà Nội ban hành các chính sách phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội trong giai đoạn 2021-2025 và xa hơn. 

Trước mắt, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực làng nghề; lớp truyền nghề, nhân cấy nghề; đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại làng nghề gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố Hà Nội.   

Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho thấy, thành phố Hà Nội hiện có 318 làng nghề đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống và làng nghề Hà Nội. Mỗi làng nghề được công nhận đều mang bản sắc riêng, có sản phẩm đa dạng, đa số mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước...

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết, tổng doanh thu từ 318 làng nghề, làng nghề truyền thống và làng có nghề trên địa bàn thành phố đạt trên 20.000 tỷ đồng/năm. Cụ thể, tại huyện Hoài Đức, 2 xã nghề có doanh thu cao là điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng đạt 2.850 tỷ đồng; bánh kẹo và dệt kim La Phù đạt 1.301 tỷ đồng… Bên cạnh đó, các làng nghề có gắn với du lịch sinh thái doanh thu còn đạt cao hơn rất nhiều như 4 làng nghề: Gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm), dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), sinh vật cảnh thôn Cơ Giáo và Xâm Xuyên (cùng ở xã Hồng Vân, huyện Thường Tín)... 

Theo ông Hoàng Chí Lương, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất, huyện xác định hỗ trợ làng nghề phát triển sẽ giúp xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững do vậy vẫn sẽ hỗ trợ cơ sở ngành nghề nông thôn, hộ sản xuất trong làng nghề tham gia hội chợ, triển lãm, lễ hội nhằm quảng bá thương hiệu, kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm làng nghề.

Nhiều làng nghề ở huyện Thạch Thất như mộc Chàng Sơn, Canh Nậu, mây tre đan Bình Phú, chè lam Thạch Xá… đã góp phần làm nên thành quả này nhờ tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng chục nghìn lao động. Ở các làng có nghề, thu nhập của người lao động đạt cao và gần như không có hộ nghèo.

Nam Giang  (TTXVN)
Hà Nội tăng cường giám sát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường tại các làng nghề
Hà Nội tăng cường giám sát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường tại các làng nghề

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, với 1.350 làng nghề và làng có nghề, Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN