Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng chưa như mong đợi

Được triển khai từ ngày 1/6/2013 đến nay, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản (BĐS) vẫn giải ngân “nhỏ giọt”. Giới đầu tư và các chuyên gia BĐS đều kỳ vọng trong năm 2014, gói tín dụng này sẽ phát huy hiệu quả tốt hơn để đáp ứng nhu cầu nhà ở thực sự của người dân.


Sáu tháng giải ngân 2%


Nhằm cụ thể hoá Nghị quyết 02 của Chính phủ, gói cho vay hỗ trợ nhà ở của Ngân hàng Nhà nước trị giá 30.000 tỷ đồng bắt đầu được tung ra từ ngày 1/6/2013. Gói tín dụng này sẽ được triển khai trong 3 năm với lãi suất được ấn định là 6%/năm. Không ít chuyên gia thời điểm ấy nhận định, đây là sự hỗ trợ “không thể tốt hơn” cho cả người dân có nhu cầu mua nhà và các chủ đầu tư đang gặp khó khăn về vốn.

 

Nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn còn rất thiếu. Trong ảnh: Khu chung cư dành cho người có thu nhập thấp tại xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.Tuấn Anh – TTXVN

 


Tuy nhiên, khi đi vào triển khai, hàng loạt khó khăn liên quan đến thủ tục vay vốn từ gói tín dụng này đã bộc lộ thủ tục vay rườm rà, phức tạp trở thành nguyên ngân khiến gói tín dụng này khó giải ngân và làm nản lòng người dân và doanh nghiệp.

Thực tế, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng, tính đến giữa tháng 12/2013, tổng số tiền mà 5 ngân hàng được chỉ định cho vay từ gói 30.000 tỷ đồng gồm: BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank và MHB giải ngân được chỉ đạt 555 tỷ đồng, chiếm chưa đầy 2% tổng nguồn vốn dự kiến. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, tốc độ giải ngân như vậy là quá chậm.


Nhìn lại quá trình giải ngân gói hỗ trợ thị trường BĐS trong năm qua, có thể tạm chia thành hai giai đoạn: Trước và sau khi có Thông tư 18/2013/TT - BXD (ban hành ngày 31/10/2013 về việc sửa đổi bổ sung một số Điều tại Thông tư 07/2013/TT - BXD) nhằm hướng dẫn xác định các đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02 của Chính phủ. Kể từ sau khi có thông tư này, tốc độ giải ngân đã được cải thiện.


Theo giải thích của một nhân viên sàn giao dịch BĐS ở TP Hồ Chí Minh, sau khi có Thông tư 18, giao dịch mua bán tại dự án Dream Home (dự án áp dụng gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng) có phần khả quan hơn trước vì hồ sơ vay vốn với lãi suất ưu đãi 6% của khách hàng được giải quyết nhanh chóng.


Cùng với Thông tư 18, cuối tháng 11/2013, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 188/CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, với nhiều nội dung đáng chú ý theo hướng có lợi cho người thu nhập thấp đã và đang sở hữu nhà ở xã hội. Theo đó, thay vì được bán và cho thuê lại sau 10 năm, người mua nhà ở xã hội sẽ được chuyển nhượng sau 5 năm sử dụng, kể từ thời điểm ký hợp đồng với chủ đầu tư. Ngay cả trong thời gian 5 năm, nếu cần chuyển nhượng thì người dân vẫn có thể bán lại cho Nhà nước, chủ đầu tư hoặc đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội theo quy định.


Bên cạnh đó, hàng loạt quy định mới áp dụng đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội như được nhà nước hỗ trợ, ưu đãi, được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, được áp dụng thuế suất ưu đãi... cũng khuyến khích các chủ đầu tư quan tâm hơn đến việc xây dựng nhà ở xã hội để nhận ưu đãi từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.


Bà Võ Nhật Liễu, Giám đốc Kinh doanh Công ty CP Bất động sản Nam Việt, cho rằng, các động thái như mở rộng đối tượng được vay, “thúc” giải ngân gói hỗ trợ, xem xét bổ sung các ngân hàng tham gia giải ngân đã chứng tỏ nỗ lực rất lớn của các nhà làm chính sách nhằm điều chỉnh lại những dự báo chưa chính xác ban đầu.


Giải pháp tăng nguồn cung


Không ít khách hàng từng có nhu cầu mua nhà từ gói tín dụng này đã mất niềm tin vì phải trải qua những thủ tục vay tiền rắc rối, phiền hà. Việc lấy lại niềm tin của họ không phải điều đơn giản.


Theo một chuyên gia BĐS, vướng mắc hiện nay trong vấn đề giải ngân gói 30.000 tỷ đồng không còn là thời gian và thủ tục xét duyệt cho vay mà chính là “nguồn cung”. “Các giải pháp như mở rộng đối tượng được vay, bổ sung thêm ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn... có thể giúp khách hàng vay được tiền nhưng nguồn cung sản phẩm phù hợp vẫn quá ít nên người dân không có sự lựa chọn”, vị chuyên gia này cho hay.


Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến cuối tháng 10/2013, trên cả nước mới có 96 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành, với quy mô khoảng 31.850 căn hộ. Trong đó, có 34 dự án cho người thu nhập thấp, quy mô 18.800 căn hộ và 62 dự án cho công nhân, quy mô xây dựng 13.000 căn hộ. Muốn giải ngân nhanh gói 30.000 tỷ đồng, phải có nguồn cung lớn nhà ở dưới 15 triệu đồng/m2, diện tích dưới 70 m2 bởi nhu cầu của người dân về dạng căn hộ này là rất lớn.


Hiện nay, các dự án có đủ điều kiện áp dụng gói tín dụng hỗ trợ xây nhà ở xã hội quá ít. Những dự án có đủ điều kiện để vay thì lại có nhiều hạn chế như ở xa trung tâm thành phố, chất lượng không đảm bảo, thiết kế không hợp lý... Những trở ngại đó khiến người dân đắn đo khi quyết định chọn mua căn hộ tại các dự án này.


Xét về mặt tâm lý, những người thu nhập thấp, đối tượng thụ hưởng lợi ích từ gói 30.000 tỷ đồng, sẽ cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định bỏ tiền ra mua nhà dù lãi suất có hấp dẫn. Vì thế, nếu nhà ở xã hội không đủ hấp dẫn, khách hàng có thể sẽ vay với lãi suất thương mại để mua một căn hộ bình thường. Hiện tại, lãi suất vay mua nhà thương mại đang khá cạnh tranh, chỉ ở mức khoảng 8%/năm với thời hạn 6 tháng đến 2 năm.


Vậy đâu là sản phẩm phù hợp với nhu cầu người mua nhà hiện nay? Nhiều chuyên gia cho rằng, đó là căn hộ thuộc dự án có vị trí tương đối gần trung tâm và thời gian giao nhà dưới một năm. Để đạt được tiêu chí này, các ngành chức năng cần đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các dự án đang chờ xin chia nhỏ diện tích hay xin chuyển đổi, tạo điều kiện cho chủ đầu tư các dự án sớm có sản phẩm chào bán ra thị trường.


Lạc quan về thị trường bất động sản 2014, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng: “BĐS sau thời gian dài trầm lắng, thiếu minh bạch, doanh nghiệp thiếu năng lực đã rút khỏi sân chơi. Do đó, giá trị thật trong giao dịch đã và đang được thiết lập. Đây là cơ sở để tạo đà cho một thị trường mới trong năm 2014 phát triển bền vững”.


Hoàng Dương

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng trả lời về gói 30.000 tỉ
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng trả lời về gói 30.000 tỉ

Lý giải việc chậm giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, Bộ trưởng nói, nguồn cung NƠXH còn hạn chế; các doanh nghiệp chưa mặn mà với việc đầu tư NƠXH do lợi nhuận thấp. Bên cạnh đó, các thủ tục giải ngân là bắt buộc, bởi nếu không làm chặt sẽ có nhiều đối tượng lợi dụng để tham nhũng, gây thất thoát.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN