Gỡ “nút thắt” tìm nguồn vốn cho giao thông

Thu hút vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông theo hình thức xã hội hóa là giải pháp cần thiết khi vốn ngân sách cho lĩnh vực này ngày càng hạn chế. Tuy nhiên, việc “trải thảm đỏ” mời gọi các nhà đầu tư đang cần nhiều những cú hích. Hội thảo về vấn đề này đã diễn ra tại Hà Nội ngày 12/12.

Điểm đến an toàn của nguồn vốn đầu tư

Hàng năm, đầu tư vào hạ tầng giao thông cần nguồn vốn rất lớn nhưng vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ cấp cho Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chỉ khoảng 20.000 tỷ đồng. Bù đắp nguồn vốn cho lĩnh vực này trong ba năm qua, Bộ GTVT đã có sự đột phá lớn trong việc kêu gọi vốn xã hội hóa đầu tư vào hạ tầng. Tính đến nay, ngành GTVT đã huy động được khoảng 160.000 tỷ đồng để triển khai 65 dự án bằng nguồn vốn ngoài ngân sách. Trong đó riêng năm 2014, nguồn vốn thu hút được là 42.572 tỷ đồng, dự kiến năm 2015 có thể đạt mức 45.000 tỷ đồng.

Công ty xây dựng công trình giao thông thi công quốc lộ 25 đoạn qua địa bàn xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Ảnh: Thế Lập - TTXVN




Theo Phó trưởng Ban đầu tư đối tác công tư (PPP - Bộ GTVT) Nguyễn Viết Huy, thời gian tới, Bộ GTVT sẽ công bố toàn bộ danh mục dự án đầu tư hạ tầng để kêu gọi đầu tư, thay vì để các nhà đầu tư tự tìm kiếm, lựa chọn và đề xuất với Bộ GTVT. Đặc biệt, từ sau năm 2015, khi dự án nâng cấp, mở rộng QL1, QL14 hoàn thành, số trạm thu phí sẽ tăng lên (theo quy định của Bộ Tài chính là 70 km/trạm), việc thu hút các nhà đầu tư vào hạ tầng và hoàn vốn thông qua hệ thống các trạm thu phí sẽ càng có nhiều cơ hội.

Nhiều chuyên gia tham luận: Hạ tầng giao thông là sản phẩm, dịch vụ công cộng, có thể đo đếm, định lượng được, nên sản phẩm này đang có sức hút lớn với ngân hàng, cũng như các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông còn là điểm đến an toàn của đồng vốn trong bối cảnh tín dụng đầu ra chật vật. Các ngân hàng cũng nhận thấy rõ, việc rót vốn vào hạ tầng sẽ tạo ra những nguồn thu trong tương lai, bởi hạ tầng phát triển sẽ lan tỏa, thúc đẩy nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phát triển theo.

Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Trương Văn Phước lấy ví dụ: Để đầu tư một sân bay quốc tế hàng chục tỷ USD thì có thể chia nhỏ dự án thành hàng trăm hạng mục công trình và cho đấu thầu từng hạng mục để thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia. Để làm được điều này, quyền, trách nhiệm của Bộ GTVT và các nhà đầu tư phải được minh bạch rõ ràng, từ hợp đồng, vốn, tiến độ, chất lượng, trách nhiệm đến thời gian khai thác... Về nguyên tắc, càng có nhiều nhà đầu tư tham gia xây dựng hạ tầng, thì tính cạnh tranh sẽ càng cao và chất lượng càng được đáp ứng ở mức cao nhất.

Tạo hành lang cơ chế thông thoáng

Nhiều nhà đầu tư chia sẻ: Hạ tầng giao thông cần quy mô vốn lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài, thường trên 15 năm/dự án. Song, tỷ suất lợi nhuận khá thấp so với các kênh đầu tư khác, nên rất cần sự quan tâm, tháo gỡ về cơ chế, chính sách.

Thực tế, trong số 65 dự án BOT, BT, PPP do Bộ GTVT đang quản lý, có 8 dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác (chủ yếu là đường bộ), 47 dự án đang trong giai đoạn thực hiện đầu tư. Năm 2015, dự kiến sẽ tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư vào 10 dự án. Lĩnh vực đường thủy nội địa hiện mới triển khai một số dự án theo hình thức xã hội hóa tập trung vào nạo vét luồng kết hợp tận thu vật liệu, đầu tư các bến cảng sông chuyên dụng, chưa thu hút được đầu tư vào khai thác vận tải thủy nội địa. Hàng hải đã triển khai nhiều dự án xã hội hóa đầu tư cảng biển rồi nhượng quyền khai thác, nhưng đối với các dự án phân luồng đường biển khó xã hội hóa do khả năng hoàn vốn thấp. Đường sắt hiện nay mới chỉ chuyển quyền khai thác các toa xe lửa trên một số tuyến, mà chưa có dự án nào theo hình thức PPP. Hàng không do đặc thù đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn dài, lại gắn với việc bảo đảm an ninh quốc phòng, nên cũng khó thu hút đầu tư.

Trước thực tế này, Bộ GTVT chủ trương “trải thảm đỏ” kêu gọi đầu tư vào đường bộ cao tốc vì các tuyến đường này đều đã có hồ sơ thiết kế minh bạch. Đối với đường sắt, Bộ GTVT sẽ bổ sung, điều chỉnh thể chế về nhượng quyền các khai thác ga và đường sắt, nhất là đối với các tuyến đường sắt ngắn dưới 400 km. Với số lượng 37 dự án nạo vét đang được triển khai trong lĩnh vực đường thủy nội địa, Bộ GTVT đang khẩn trương rà soát vướng mắc, tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư lựa chọn, trong đó có phương án thu phí đường thủy nội địa.

Riêng các dự án hàng hải và hàng không, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định: Nguồn vốn ngân sách đầu tư công cho giao thông sẽ ngày càng hạn hẹp, nên hai lĩnh vực này không thể trông chờ vào nguồn vốn nhà nước. Do đó, phải tập trung tạo mọi điều kiện về thể chế thông thoáng để thu hút nguồn vốn xã hội hóa, Bộ GTVT chỉ thực hiện quản lý nhà nước và định hướng nguồn vốn vay.

Ở góc độ nhà đầu tư, Tổng Giám đốc Cienco 4 Nguyễn Tuấn Huỳnh cho hay: Phương án tài chính luôn là vấn đề cốt yếu. Vì sử dụng nguồn vốn lớn, nhà đầu tư rất cần có cơ chế bảo lãnh về doanh thu của cơ quan Nhà nước. Hiện nay, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng Nghị định về vấn đề này trình Chính phủ, các nhà đầu tư đang rất trông chờ Nghị định sớm được ban hành. Mặt khác, các ngân hàng trong nước hiện chỉ cho vay tối đa 15 năm. Do vậy, Bộ GTVT cần phân đoạn hợp lý các dự án để thời gian hoàn vốn không quá 15 năm. Việc này sẽ thu hút thêm được nhiều nhà đầu tư tham gia bỏ vốn vào hạ tầng giao thông thời gian tới. 

Tiến Hiếu
Ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông
Ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông

Hệ thống giao thông đường bộ của đồng bằng sông Cửu Long đã và đang được ưu tiên đầu tư trong những năm gần đây. Việc tập trung vào lĩnh vực này chính là “chìa khóa” cho việc thúc đẩy liên kết kinh tế vùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN