Gỡ nút thắt chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp

Để thực hiện mục tiêu có một triệu doanh nghiệp (DN) hoạt động đến năm 2020 như Nghị quyết 35 của Chính phủ thì một trong những giải pháp quan trọng là hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành DN. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này đã và đang gặp không ít khó khăn, thách thức từ những cơ chế, chính sách... khiến các hộ kinh doanh chưa mặn mà chuyển đổi.

Hộ kinh doanh “ngại” thủ tục thuế

Chị Hà, chủ cửa hàng thời trang trên phố Hàng Nón (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, mỗi năm hệ thống 2 cửa hàng quần áo của chị đạt doanh số bán hàng khoảng trên 200 triệu. Thế nhưng mặc dù đã hoạt động được vài năm nay nhưng chị vẫn không muốn làm thủ tục chuyển thành DN. Chị Hà cho biết, bản thân chị không cần vay vốn ngân hàng để mở rộng kinh doanh, thứ nữa khi chuyển lên thành DN sẽ phải thực hiện nhiều thủ tục như báo cáo thuế, phải thuê kế toán...những điều này sẽ làm tăng chi phí mà cũng chưa chắc khiến việc kinh doanh hiệu quả hơn nên chị chưa làm thủ tục lên DN.

Chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp sẽ giúp các hộ kinh doanh cá thể hoạt động kinh doanh bài bản hơn. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Một chủ cửa hàng ăn uống tại Cầu Giấy cho biết, mặc dù doanh thu cửa hàng không hề nhỏ nhưng anh không hề muốn làm thủ tục lên DN bởi khi thành DN sẽ phải nộp thuế cao hơn cùng với đó là anh rất ngại bị kiểm tra, thanh tra. Vị chủ cửa hàng này cho biết, thà là đóng thuế khoán, có sao thì nộp vậy, chứ liên quan đến chứng từ sổ sách thì không rành mà dễ “ăn phạt”. Đây có thể nói là tâm lý chung của rất nhiều hộ kinh doanh hiện nay.

Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam, điều kiện cũng như thủ tục để chuyển đổi hộ kinh doanh sang DN không có gì phức tạp. Tuy nhiên, chi phí chính là lý do khiến nhiều hộ kinh doanh không muốn lên DN. “Chủ hộ kinh doanh muốn tránh nghĩa vụ thuế, vì hiện nay khu vực kinh doanh cá thể vẫn được thực hiện theo chế độ thuế khoán, nên việc khai báo thuế đơn giản hơn. Mặt khác, họ ngại vượt qua các thủ tục hành chính do còn rườm rà, chi phí thời gian, hoạt động sổ sách kế toán... phức tạp”, ông Nam chia sẻ.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho biết thêm, theo nhiều nghiên cứu của VCCI, khi hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh thì các hộ được hưởng thuế khoán và mức thuế khoán tăng nhanh hay chậm phụ thuộc cán bộ thuế. Mức thuế phụ thuộc vào quan hệ cá nhân và sự thỏa thuận giữa cán bộ và chủ hộ kinh doanh. Điều này thể hiện sự thiếu minh bạch và chính sự thiếu minh bạch này đã góp phần khiến các hộ kinh doanh ngại thành DN.

Tạo “sân chơi” sòng phẳng


Theo VCCI, khi trở thành DN chính thức hoạt động theo Luật DN thì chi phí của hộ kinh doanh sẽ tăng lên đáng kể. Vì vậy, cơ quan Nhà nước cần tính toán kỹ lưỡng hơn, để có thể xác định được với một hộ kinh doanh cá thể trở thành DN chính thức thì chi phí của DN đó tăng lên như thế nào? Làm thế nào để khi đăng ký thành lập DN, họ thấy được lợi ích nhiều hơn chi phí, thấy được thuận lợi nhiều hơn cản trở, thì khi đó mới tạo ra động lực lớn để chuyển đổi.

Ông Đậu Anh Tuấn phân tích thêm, hiện các quy định về chế độ kế toán và thuế áp dụng cho DN siêu nhỏ cũng giống như của DN cỡ vừa như: duy trì một hệ thống sổ sách kế toán, báo cáo tài chính; lập báo cáo tài chính bắt buộc... Đây là gánh nặng rất lớn đối với những DN siêu nhỏ vừa mới được phát triển lên từ các hộ kinh doanh. Vì vậy, một trong những yêu cầu trong thời gian tới là cần phải đơn giản hóa thủ tục này; làm sao để có một chế độ pháp luật về kế toán, về thuế đơn giản, thân thiện, không có nhiều khác biệt so với những điều mà các hộ kinh doanh đang thực hiện.


Cùng với đó, phải tạo được “sân chơi” sòng phẳng, lành mạnh cho các DN. “Cơ chế thuế khoán cao hay thấp, khoán tăng nhanh hay chậm đều phụ thuộc rất lớn vào cán bộ thuế. Chỉ khi nào lợi thế của hộ kinh doanh trong thuế khoán không còn nữa thì động lực chuyển lên DN sẽ tích cực hơn”, ông Tuấn chỉ rõ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, muốn hộ kinh doanh chuyển sang DN thì trước hết, chính sách phải hỗ trợ được toàn diện và nhất quán cho DN lâu dài. Nhưng hiện nay, chính sách dường như mới chỉ hỗ trợ trong việc thành lập DN và động viên khởi nghiệp. Còn bài toán hỗ trợ DN phát triển về sau, khi gặp khó khăn thì vẫn chưa có lời giải và khung pháp lý đảm bảo, xuyên suốt. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ DN, giúp hộ kinh doanh thấy được lợi ích thật sự khi chuyển thành DN, tạo động lực cho họ.

Cùng đó, việc áp dụng công nghệ thông tin trong khai báo thuế, tính thuế sát với doanh thu, lợi nhuận; tạo cơ chế để người tiêu dùng lấy hóa đơn mua bán hàng hóa thường xuyên từ người bán, giảm sử dụng tiền mặt trong tiêu dùng... là điều cần thiết để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng, hộ kinh doanh cá thể sẽ có động lực tự nguyện chuyển đổi lên DN.

Trung Hiếu/Báo Tin tức
Vì sao hộ kinh doanh không muốn 'lớn' thành doanh nghiệp?
Vì sao hộ kinh doanh không muốn 'lớn' thành doanh nghiệp?

Nhiều hộ kinh doanh không muốn chuyển lên doanh nghiệp (DN) để tránh nghĩa vụ thuế và bản thân DN chưa mặn mà, mặt khác do những vướng mắc từ thủ tục hành chính, thuế, quản trị doanh nghiệp... Đó là nhận định của các chuyên gia tại Tọa đàm trực tuyến “Để hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp hiệu quả, bền vững” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều nay (10/4).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN