Gỡ “nút nghẽn” cho doanh nghiệp vận tải biển

Chỉ trong vòng hai tháng qua, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã phải tiến hành 2 cuộc đối thoại với các doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển. Điều này cho thấy ngành vận tải biển đang có nhiều vướng mắc cần sớm giải quyết.

Thực hiện nghiêm cam kết vận tải biển

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Công cho biết: Bộ đang quyết liệt thực hiện xử lý tận gốc tình trạng xe quá tải hoạt động trên các tuyến đường, vừa gây mất trật tự an toàn xã hội, vừa là tác nhân trực tiếp phá hoại đường sá. Để xử lý hiệu quả tình trạng này, việc ngăn chặn xe quá tải từ nguồn hàng, nhất là từ hệ thống các cảng biển Sài Gòn, Đà Nẵng, Hải Phòng… có vai trò quyết định.

Siết tải trọng ngay từ cảng là cần thiết nhằm bảo vệ cho cơ sở hạ tầng
đường bộ.

Các doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển hiện nay đều đã ký cam kết với Bộ GTVT: Nếu vi phạm xếp hàng quá tải trọng lần đầu, sẽ bị xử lý theo Nghị định 171/2012/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 55/2013/TT-BGTVT của Bộ GTVT. Trường hợp vi phạm lần thứ hai sẽ bị đình chỉ hoạt động từ 1 - 3 tháng.
Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển, cam kết là như vậy, nhưng thực tế mỗi nơi thực hiện một kiểu, nên rất khó minh bạch, công khai kiểm soát nguồn hàng, ngăn chặn xe quá tải tại cảng.

“Bộ GTVT cam kết sẽ gỡ các “nút nghẽn” về thủ tục hành chính, dịch vụ, thuế, lệ phí… cho các doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển”.

Tại một số cảng hiện nay đã xây dựng quy trình kiểm tra, kiểm soát phương tiện vận tải vào cảng nhận hàng phải xuất trình giấy yêu cầu nhận hàng, giấy đăng kiểm tải trọng; sau khi nhận hàng xong phải đúng tải mới cho xuất cảng. Tuy nhiên, do cảng nhỏ, lưu lượng phương tiện bốc xếp lớn, gây ra tình trạng ùn ứ cục bộ. Nhiều trường hợp lái xe cố tình quên không đem theo giấy tờ đăng kiểm nên không nhập được các thông số về tải trọng xe… Vì vậy, có cảng đã “đặc cách” không kiểm tra tải trọng xe trong trường hợp xảy ra ùn ứ.

Vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công yêu cầu: Các doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển đều phải thực hiện nghiêm cam kết và sẽ không có ngoại lệ. Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các địa phương tổ chức phát hiện, bắt giữ, xử lý triệt để tình trạng xe quá tải xuất phát từ các cảng trong thời gian tới. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ tại các kho hàng, khu công nghiệp… trong cảng. Điều này không chỉ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải biển cạnh tranh lành mạnh, mà còn tạo ra sự công bằng giữa vận tải biển với các doanh nghiệp vận tải khác.

Kịp thời giải quyết các vướng mắc


Tại các cuộc đối thoại này, các DN cảng biển đã đề xuất nhiều ý kiến với Bộ GTVT. Công ty TNHH Trung Hải kiến nghị Bộ GTVT cần quy định chi tiết, cụ thể giá trần trong lai dắt tàu vào cảng đối với tàu VR-SB (sông pha biển), vì hiện nay các cảng thu quá cao, giảm bớt phiền hà và chi phí cho doanh nghiệp đại diện. Đồng thời ban hành bổ sung các quy định hoa tiêu riêng cho tàu VR-SB, vì quy chuẩn của tàu VR-SB khác với tàu biển.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, cả nước hiện đã xây dựng được 44 cảng biển các loại, trong đó có 14 cảng biển loại I, 23 cảng biển loại II và 13 cảng biển loại III. Hệ thống cảng biển có khoảng 219 bến cảng, với gần 43,6 km cầu cảng và hàng chục khu chuyển tải. Cả nước cũng có khoảng 800 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải biển, đa phần là doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ.

Công ty TNHH sông biển Hà Trung cũng kiến nghị: Vận tải biển tiêu thụ số lượng lớn nhiên liệu. Những năm giá cước vận chuyển và giá nhiên liệu ổn định thì chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 40% tổng doanh thu cước vận chuyển. Nhưng những năm gần đây, giá xăng, dầu luôn biến động theo chiều hướng tăng với biên độ lớn. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, lượng hàng hóa lưu thông hạn chế, dẫn đến cước vận chuyển giảm thấp do có sự cạnh tranh giữa các chủ tàu. Do đó, chi phí nhiên liệu trong vận tải biển tăng lên đến mức từ 50 - 55% tổng doanh thu cước vận chuyển. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ trong kinh doanh.

Trước thực tế này, Bộ GTVT hiện đã cho phép mở các tuyến vận tải ven biển, để tạo điều kiện thuận lợi và thu hút các doanh nghiệp vận tải biển tham gia. Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT) cũng đã rà soát và hạn chế đến mức thấp nhất các khoản chi phí cấu thành giá bán nhiên liệu trên thị trường; điều chỉnh các chỉ tiêu chi phí liên quan đến mức thuế, cách tính thuế, tránh trường hợp thuế chồng lên thuế.

Ngoài ra, Bộ GTVT đang nghiên cứu rút ngắn thời gian đăng thông tin hàng tồn tại cảng biển, đưa giá dịch vụ bốc dỡ container vào danh mục dịch vụ cần bình ổn giá, để áp dụng thống nhất trong cả nước và đẩy mạnh thực hiện các dự án nạo vét luồng lạch đúng tiến độ để bảo đảm an toàn hàng hải...

Đối với các vấn đề “nóng” như đầu tư, mở rộng, quy hoạch, chiến lược phát triển cảng biển, quy mô doanh nghiệp vận tải biển, đội tàu…, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công khẳng định sẽ trực tiếp xuống địa phương giải quyết; đồng thời yêu cầu ủy quyền cho các cảng vụ địa phương, cảng vụ khu vực giải quyết để giảm bớt thời gian chờ đợi cho các doanh nghiệp.

Tiến Hiếu
Rà soát các phụ phí tại cảng biển
Rà soát các phụ phí tại cảng biển

Lợi dụng sự non kém trong đàm phán, ký kết hợp đồng, chủ tàu nước ngoài đã lạm thu rất nhiều loại phụ phí ngoài hợp đồng, điển hình như vụ việc xảy ra tại cảng Cát Lái. Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam về vấn đề này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN