Gỡ khó khăn để sản xuất và xuất khẩu “về đích”

Chi phí nguyên nhiên liệu đầu vào và lãi suất vay vốn tiếp tục tăng cao trong khi thị trường lại biến động khó lường. Đây là những khó khăn chủ yếu mà ngành công thương tiếp tục phải tập trung tháo gỡ để có thể “về đích” 2011.

Khó khăn về vốn

Nếu như những năm trước đây, việc triển khai chính sách tiền tệ thắt chặt, đình hoãn cắt giảm vốn đầu tư ngân sách để kiềm chế lạm phát thường chỉ tác động mạnh đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng trong 6 tháng đầu năm 2011, chính sách này đã khiến cả những tập đoàn kinh tế được coi là “hùng mạnh” rơi vào trạng thái “khát vốn”. Vì vậy, tháo gỡ khó khăn về vốn là kiến nghị được nhắc đến nhiều nhất tại giao ban trực tuyến ngày 4/7 của Bộ Công Thương về sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm.

Phó Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành cho hay, để đảm bảo sản lượng điện cần thiết đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, EVN sẽ đưa các công trình nguồn như: Nhà máy thủy điện Đồng Nai 4, tổ máy số 2 của Nhà máy thủy điện An Khê - Kanak, tổ máy 3 - 4 Thủy điện Sơn La vào vận hành trong những tháng cuối năm 2011. Trong khi đó, khó khăn lớn nhất EVN đang phải đối mặt chính là thiếu vốn đầu tư các dự án thủy điện.

May hàng xuất khẩu tại Tổng công ty Dệt may Gia Định. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN


Cũng gặp vấn đề nan giải như EVN, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) Nguyễn Đình Khang đã kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính phối hợp với các ngân hàng thương mại tháo gỡ khó khăn về vốn để Vinachem hoàn tất đưa vào sản xuất các dự án sản xuất phân bón nước rút như Dự án Đạm than Ninh Bình.

Cảnh báo về những tác động hậu thiếu vốn, đại diện Tập đoàn Dệt may cho biết: Với sức lực nội tại đã “cạn” do dồn cả vào 6 tháng đầu năm trong khi lãi suất vay vốn vẫn cao, Tập đoàn đang gặp khó khăn trong việc triển khai các dự án phát triển nguyên phụ liệu ngành dệt may do không thu xếp được vốn. Điều này sẽ gây ra tác động bất lợi đối với mục tiêu nâng tỷ lệ nội địa hóa ngành dệt may lên 60% vào năm 2015. Và hệ lụy sẽ không chỉ dừng lại ở việc các doanh nghiệp dệt may tiếp tục phải gia công cho doanh nghiệp nước ngoài để đảm bảo việc làm cho người lao động mà còn tự đánh mất cơ hội tận dụng lợi thế của Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) để phát triển.

Điểm sáng xuất khẩu

Mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức bất lợi nhưng 6 tháng đầu năm, ngành công thương cũng đã đạt được kết quả xuất khẩu ngoạn mục, tạo điểm tựa quan trọng để ngành hoàn thành mục tiêu đề ra cho cả năm 2011.

Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương Phan Văn Chinh cho biết: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng qua đạt 42,3 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó yếu tố tăng do giá đạt 15,6% và yếu tố tăng do lượng đạt 14,7%. Nếu loại trừ yếu tố vàng, xuất khẩu hàng hóa thực đạt 33,4%. Bên cạnh yếu tố tăng về lượng và giá, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng cao như vậy còn là nhờ sự đóng góp quan trọng của 11 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng thêm 2 mặt hàng so với năm 2010.

Trong thành công chung của xuất khẩu, xuất khẩu dệt may và gạo được cả về giá và sản lượng đã đóng góp quan trọng cho kim ngạch xuất khẩu chung. Nhờ chủ động dự trữ nguyên vật liệu từ cuối năm 2010 cũng như có các giải pháp thay thế sợi bông bằng nguyên liệu tổng hợp, kim ngạch xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm đã đạt trên 6,1 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2010. Lần đầu tiên sau nhiều năm, ngành dệt may đã đạt mức xuất siêu 2,16 tỷ USD.

Với thắng lợi của xuất khẩu và kiểm soát tốt nhập khẩu, nhập siêu 6 tháng đầu năm 2011 là 6,65 tỷ USD, bằng 15,7% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn mục tiêu 16% của Chính phủ đề ra.

Đồng bộ, linh hoạt giải pháp

Tại giao ban trực tuyến này, Bộ Công Thương đã đề ra ba nhóm giải pháp lớn nhằm tháo gỡ các khó khăn để hoàn thành kế hoạch 2011. Theo đó, Bộ ưu tiên các nguồn lực đẩy mạnh sản xuất công nghiệp đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu trên thị trường cũng như đẩy mạnh xuất khẩu để thu hẹp nhập siêu. Bộ cũng tiếp tục nghiên cứu xây dựng Đề án thành lập Trung tâm giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu theo mô hình tập trung các cơ quan Hải quan, kiểm dịch, giám định, các tổ chức cung ứng dịch vụ xuất nhập khẩu để tạo thành một trung tâm, một cửa với mục tiêu tạo thuận lợi hóa cho xuất nhập khẩu.

Cùng với các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu này, việc tận dụng triệt để các ưu đãi từ các Hiệp định thương mại song phương chính là một giải pháp quan trọng giúp đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là trong tình hình khó khăn hiện nay khi các thị trường xuất khẩu đang bị thu hẹp. Ông Chinh cho hay, việc tận dụng ưu đãi về thuế từ các thị trường mà Việt Nam đã ký Hiệp định song phương đã đóng góp tới 6,5 tỷ USD cho kim ngạch xuất khẩu.

Kiến nghị các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong tình hình lãi suất vay vốn vẫn ở mức cao từ 19 - 24%/năm như hiện nay, đại diện Sở Công Thương Kiên Giang, Thành phố Hồ Chí Minh đều cho rằng: Chính phủ và Bộ Công Thương cần có chính sách hỗ trợ lãi suất phù hợp theo ngành hàng và mặt hàng xuất khẩu, tạo điều kiện để doanh nghiệp tăng kim ngạch xuất khẩu cũng như tăng năng lực sản xuất các mặt hàng thiết yếu, phục vụ công tác bình ổn thị trường.

Đại diện Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cảnh báo: Bộ Công Thương cùng với các cơ quan chức năng phải tăng cường công tác quản lý xuất khẩu hàng hóa, nông sản qua cửa khẩu biên giới bởi tại nhiều tỉnh phía Nam, thương nhân Trung Quốc đang thu mua ồ ạt hàng hóa nông sản của nông dân, gây xáo trộn về nguồn hàng và giá cả.

Nguyễn Kim Anh


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN