Gỡ khó để phát triển sản xuất kinh doanh

Tại buổi giao ban trực tuyến tháng 3 tổ chức ngày hôm qua (7/3), Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã yêu cầu các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nỗ lực tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện nhiệm vụ kiềm chế lạm phát theo tinh thần Nghị quyết 11 NQ/CP của Chính phủ.

Nỗ lực cung ứng điện, xăng dầu...

Kể từ cuối tháng 2, các mặt hàng xăng, dầu điêden, dầu madút đều tăng giá với mức lớn nhất từ trước đến nay. Nhưng, theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Tổng Giám đốc Tổng Công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex): Việc tăng giá vừa qua cũng mới chỉ là giải pháp xử lý tình thế, bởi mới bù đắp được 40 - 50% mức lỗ. Hơn nữa, lần điều chỉnh này cũng mới chỉ đáp ứng phần nào mức chênh lệch giá, còn lại, doanh nghiệp (DN) vẫn phải đối mặt với những khoản nợ ngân sách rất lớn mà chưa biết xử lý ra sao.

Bốc dỡ xi măng tại cảng Hà Nội. Ảnh: Tuấn Anh-TTXVN


Tuy nhiên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, cần tránh điều chỉnh giá xăng dầu tăng quá cao trong thời gian ngắn mà cần có lộ trình điều chỉnh phù hợp để tránh gây biến động cho kinh tế và đời sống. Mặc dù vậy, các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối vẫn phải đặc biệt quan tâm đảm bảo nguồn cung, không được để đứt nguồn.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, giá xăng dầu thế giới tăng cao, kinh doanh xăng dầu thua lỗ nhưng các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối đã rất nỗ lực đảm bảm nguồn cung cho thị trường: “Thời gian qua, ở một số nơi có hiện tượng các điểm kinh doanh xăng dầu ngừng bán nhưng cơ bản các DN đầu mối đã đáp ứng đủ nhu cầu xăng dầu của xã hội. Đây là nỗ lực rất lớn của các DN kinh doanh xăng dầu”, Bộ trưởng ghi nhận.

Cũng theo ông Hoàng, năm 2011, tổng nhu cầu tiêu thụ điện sẽ tăng khoảng 17 - 18%. Với dự báo này, dù cố gắng nỗ lực đưa vào các nguồn điện mới, thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện thì vẫn khó cân đối đủ điện: “Tháng 1 - 2/2011 là dịp Tết Nguyên đán, thời gian nghỉ dài nên nhu cầu điện mới chỉ tăng 13 - 14%, do vậy tình hình thiếu điện chưa nghiêm trọng.

Nhưng, từ tháng 4 đến tháng 6 là các tháng cao điểm mùa khô, các nhà máy thủy điện thiếu nước, nhiều hồ thủy điện hiện đã về mực nước chết... Hơn nữa, ngành điện trong thời gian qua còn phải xả hơn 3 tỷ m3 nước trong hai đợt để phục vụ sản xuất nông nghiệp (tương đương phát 700 - 800 triệu kWh điện) nên tình hình thiếu nước phát điện càng nghiêm trọng.

Trước tình hình trên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành cho biết, EVN đã triển khai nhiều biện pháp: Huy động tối đa các nguồn nhiệt điện, khí, kể cả nguồn chạy dầu với giá thành cao; đẩy nhanh tiến độ các công trình dự kiến vận hành trong năm 2011; giảm tổn thất điện năng... nhưng nhiều khả năng vẫn phải tiết giảm điện trong thời gian tới. Tuy nhiên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lưu ý, trong trường hợp tiết giảm điện phải có kế hoạch phân bổ hợp lý để bảo đảm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của sản xuất và đời sống.

Hạn chế tăng giá bán hàng hóa


Không chỉ lo về giá điện, giá xăng dầu tăng mà tại buổi giao ban trực tuyến, đại diện nhiều ngành sản xuất còn lo ngại trước việc giá nguyên nhiên liệu tăng gây áp lực tăng giá thành sản phẩm. Ông Lê Phú Hưng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam cho biết: Trước những biến động về tỷ giá, lãi suất trong nước và giá nguyên liệu đầu vào như phôi, thép phế tăng cao đã đẩy giá thép sản xuất trong nước tăng theo, nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thép đã giảm lượng bán hàng ra thị trường. Tuy nhiên, ông Hưng dự báo giá thép sẽ không tăng nhiều do phải cạnh tranh với thép nhập khẩu từ Trung Quốc và Đông Nam Á.

Hiện nay giá thép Trung Quốc và Đông Nam Á rẻ hơn giá thép trong nước từ 500.000 - 600.000 đồng/tấn. Ông Hưng cũng cho biết, ngành thép đã triển khai nhiều biện pháp để tiết kiệm chi phí, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh như thay đổi công nghệ sản xuất ít tiêu hao điện năng... Tuy nhiên, ông Hưng lưu ý, do chỉ chiếm 30% thị phần nên việc bình ổn giá thép không chỉ phụ thuộc vào riêng Tổng công ty Thép mà cần có cơ chế để huy động tất cả các thành viên tham gia thị trường thì mới thực sự hiệu quả.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, việc điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ, tăng giá xăng dầu và tăng giá điện sẽ tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất đầu vào. Mặc dù vậy, các DN ngành công thương vẫn cần khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường trong nước để đẩy mạnh sản xuất công nghiệp; chủ động đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh; rà soát lại chi phí sản xuất từng sản phẩm, bố trí quy trình sản xuất hợp lý để giảm chi phí nhằm hạ giá thành.

Cùng với đó, các lực lượng quản lý thị trường cần tăng cường kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hoá lưu thông trên thị trường.


 Bộ Công Thương sẽ kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu; tăng cường kiểm soát nhập khẩu. Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ và doanh nghiệp rà soát các chương trình, dự án đầu tư, các sản phẩm, ngành hàng để đầu tư đồng bộ, có hiệu quả nhằm thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu, đồng thời, chủ động rà soát, sắp xếp lại các dự án, các nhiệm vụ chi để tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên... nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về kiềm chế lạm phát.

Thu Hường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN