Gỡ khó cho xuất khẩu gạo

Tính đến giữa tháng 5/2015, cả nước xuất khẩu (XK) gạo đạt hơn 1,6 triệu tấn, giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm 2014. Với đà xuất khẩu hiện nay, các doanh nghiệp lo ngại nếu XK gạo đạt thấp sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc tiêu thụ lúa gạo cho nhà nông trong niên vụ sắp tới.

Cạnh tranh gay gắt

Ông Huỳnh Thế Năng, Tổng Giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam, cho biết XK gạo giảm sâu là do các thị trường lớn của gạo Việt Nam như Indonesia, Philipines… đang hướng dần đến tự chủ về lương thực. Nguồn cung của những nước XK vốn là “đối thủ” của các doanh nghiệp trong nước bao gồm Thái Lan, Ấn Độ… lại rất dồi dào, lượng tồn kho cao đã góp phần tạo cạnh tranh gay gắt trên thị trường.

Xuất khẩu khó khăn đang tác động không nhỏ đến lợi nhuận của nhà nông.


Trong khi Thái Lan nỗ lực đẩy mạnh bán ra giảm tồn kho thì Ấn Độ, Pakistan… cũng tăng cường cạnh tranh, giành thị phần XK. Còn bạn hàng quan trọng của ta hiện nay là Trung Quốc dự kiến mua khoảng 4 triệu tấn gạo nhưng mới đây đã ký với Thái Lan 2 triệu tấn. Từ đầu năm đến nay tại khắp các thị trường truyền thống của ta như châu Phi, Myanmar… đều có sự cạnh tranh gay gắt đã dẫn đến lượng gạo XK giảm mạnh về lượng”, ông Năng lo ngại.

Chưa hết nỗi lo thị trường bị cạnh tranh gay gắt, XK gạo lại tiếp tục đón nhận “hung tin” khi thời điểm từ giữa tháng 4/2015 đến nay Trung Quốc hạn chế lượng gạo nhập khẩu tiểu ngạch tại những cửa khẩu tiếp giáp giữa hai nước. Hiện tại các cửa khẩu ở những tỉnh vùng biên tiếp giáp với Trung Quốc như Lào Cai, Cao Bằng… hoạt động XK gạo tiểu ngạch đã bị đình trệ gần như hoàn toàn. Theo các doanh nghiệp XK gạo, do thủ tục giấy tờ không quá rườm rà, lại không phải đóng thuế nên lượng gạo XK qua bên kia biên giới khá lớn. Hầu hết gạo XK bằng con đường này là gạo phẩm cấp thấp, giá trị không cao và ít được các thị trường nhập khẩu ưa chuộng. Việc đình trệ này khiến các doanh nghiệp trong nước lo lắng không biết phải xuất đi đâu, tới thời điểm nào thì hoạt động kinh doanh sẽ diễn ra bình thường.

Tận dụng cơ hội

Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, với một số thị trường có hợp đồng tập trung như Philipines dự kiến sẽ nhập thêm 500.000 tấn hay Malaysia cũng đang thương thảo để nhập khẩu thêm gạo của Việt Nam, vì thế trong ngắn hạn, bắt đầu từ cuối tháng 6, thị trường gạo có thể sẽ sôi động trở lại và đây là cơ hội cho các doanh nghiệp XK gạo trong nước. Tuy nhiên ngay từ lúc này, muốn giành được hạn ngạch nhập khẩu gạo từ các nước Đông Nam Á, các doanh nghiệp vẫn phải dựa vào yếu tố cạnh tranh về giá, cũng như những yêu cầu khác mang tính chuyên nghiệp hơn. Thực tế cho thấy, diễn biến thị trường gạo thế giới đang có sự phân khúc rõ ràng, vì vậy doanh nghiệp cần tập trung nghiên cứu kỹ để đánh giá lại sản xuất, thị trường từ đó có sự đa dạng, giảm phụ thuộc dẫn đến thiếu ổn định trong XK. Về dài hạn, doanh nghiệp cũng cần phải xác định lại thị trường trọng tâm mà mình muốn hướng đến, cũng như có những giải pháp đẩy mạnh những mặt hàng gạo đang là thế mạnh.

Trước việc XK gạo tiểu ngạch đi Trung Quốc gặp khó khăn, ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì việc rà soát khó khăn, mở biên giới ở những nơi có đủ điều kiện để đẩy mạnh XK gạo. Ngoài ra, Chính phủ cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét bỏ 5% thuế giá trị gia tăng cho gạo nội địa để kích thích tiêu thụ. “Nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài chúng ta phải thoát ra được tình trạng loay hoay tìm kiếm đầu ra như trong thời gian qua. Trong tương lai, chỉ sản xuất ở mức độ vừa phải, không để dư thừa, phải quy hoạch lại vùng trồng, nếu vùng nào không đạt chất lượng, năng suất, giá thành thì nên hạn chế trồng”, ông Trần Tuấn Anh đề nghị.

Không chỉ tắc về đầu ra, giá gạo XK của Việt Nam lại đang giảm mạnh. Theo đó, giá chào bán gạo XK hiện chỉ còn 355 - 365 USD/tấn đối với loại gạo 5% tấm, thấp hơn 10 - 50 USD mỗi tấn so với Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan... “Với mức giá trên, gạo của ta đang nằm chót bảng trong những quốc gia XK gạo chính và là mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Gạo tạm trữ đang chất đầy trong kho nhiều doanh nghiệp và nếu tình hình XK không có gì đột biến trong những tháng tới thì áp lực tiêu thụ gạo cuối năm nay càng thêm khó khăn”. Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam.


Bài và ảnh: Lê Nghĩa
Ráo riết tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu gạo
Ráo riết tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu gạo

Với tình hình xuất khẩu khá ảm đạm hiện nay cùng với sự cạnh tranh gay gắt, các doanh nghiệp lo xuất khẩu gạo trong 2015 của Việt Nam sẽ rất khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN