Gỡ khó cho sản xuất giống thủy sản

Là thủ phủ sản xuất giống thủy sản lớn nhất cả nước, thế nhưng từ đầu năm đến nay, việc sản xuất giống thủy sản ở Ninh Thuận đang gặp nhiều khó khăn. Hiện đang là vụ sản xuất chính, nhưng hơn 400 cơ sở sản xuất giống thủy sản trên địa bàn tỉnh lại hoạt động cầm chừng.


Giá tôm giống giảm mạnh

Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận), năm nay tình hình sản xuất giống có nhiều biến động lớn. Hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, sản lượng giống sản xuất đạt thấp. Trong 9 tháng năm 2015, toàn tỉnh sản xuất được 15.200 triệu con tôm giống, chỉ đạt 60,8%kế hoạch năm. Với tình hình hiện tại, dự kiến đến cuối năm sản lượng tôm giống khó đạt kế hoạch năm 2015.

Kiểm tra tốc độ tăng trưởng của tôm thẻ chân trắng.TTXVN


Ông Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Ninh Thuận cho biết, do giá bán tôm thấp, dao động khoảng 90.000 đồng/kg (loại 100 con/kg) so với trước đây là 110.000 đến 120.000 đồng/kg nên hiện nay nhiều cơ sở nuôi tôm thương phẩm trong tỉnh không mấy mặn mà mua giống thả nuôi.

Hơn nữa các cơ sở nuôi tôm ở khu vực miền Trung và miền Tây cũng không thấy động tĩnh gì đến nhu cầu mua giống nuôi, do đó đã kéo giá tôm giống giảm mạnh. So với trước đây (năm 2014) giá bán tôm sú giống dao động từ 90 đến 95 đồng/con, nay chỉ còn ở mức 45 đến 75 đồng/con. Với giống tôm thẻ chân trắng, giá bán cũng chỉ dao động ở mức từ 40 đến 80 đồng/con.

Do đã vào cuối vụ nuôi tôm thương phẩm nên nhu cầu tôm giống thả nuôi cũng bị chững lại, làm giá cả tiếp tục hạ thấp. Hầu hết các cơ sở sản xuất giống chỉ hoạt động cầm chừng.

Theo Công ty TNHH sản xuất giống thủy sản Việt Úc thuộc khu sản xuất và kiểm định giống tập trung An Hải, huyện Ninh Phước, sản xuất tôm giống của công ty là 2 tỷ con/năm, nhưng do tác động của thời giá, công ty buộc phải giảm hoạt động sản xuất xuống còn 1,8 tỷ con giống/năm.

Cơ cấu lại con giống, vùng nuôi

Để gỡ khó cho hoạt động sản xuất giống thủy sản, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận đang thực hiện đề án tái cơ cấu lĩnh vực nuôi trồng, sản xuất giống thủy sản giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến 2030. Theo đó, đối với sản xuất giống, tỉnh xác định đối tượng chủ lực là tôm sú giống và tôm chân trắng giống tại 2 khu vực sản xuất giống thủy sản tập trung là An Hải, huyện Ninh Phước và Nhơn Hải, huyện Ninh Hải. Chú trọng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng giống thủy sản để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Hiện nay, Ninh Thuận có 3 khu vực sản xuất giống thủy sản tập trung, đó là khu sản xuất và kiểm định giống tập trung An Hải, huyện Ninh Phước; khu sản xuất giống Nhơn Hải, Thanh Hải, huyện Ninh Hải và các khu vực khác. Riêng tại khu vực An Hải đã có hơn 100 cơ sở sản xuất giống tập trung với quy mô lớn; trong đó có những tập đoàn sản xuất giống lớn như: Công ty TNHH sản xuất giống thuỷ sản Minh Phú; Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam; Công ty Việt Úc... với năng lực sản xuất đạt từ 10 đến 12 tỷ con giống/năm, chiếm khoảng 35 đến 40% lượng giống của tỉnh.

Đến năm 2020, Ninh Thuận sẽ tập trung ổn định hoạt động sản xuất tại vùng sản xuất giống chất lượng cao và kiểm định giống thủy sản tập trung Nhơn Hải với quy mô 100 ha. Đồng thời, mở rộng khu sản xuất giống thủy sản tập trung An Hải, huyện Ninh Phước với diện tích 230 ha từ diện tích của dự án nuôi trồng thủy sản chuyển sang sản xuất giống thủy sản, nâng quy mô của khu sản xuất giống thủy sản tập trung An Hải lên thành 357 ha.

Ngoài ra, Ninh Thuận cũng sẽ ưu tiên nguồn lực để đầu tư, sắp xếp, bố trí các cơ sở sản xuất tôm giống theo quy hoạch, dần xóa bỏ các khu sản xuất giống không nằm trong quy hoạch, không đủ điều kiện sản xuất như ở Cà Ná, Phước Dinh, huyện Thuận Nam và khu vực giáp biển Bình Sơn, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Đồng thời, triển khai đánh số các cơ sở sản xuất giống tại các khu sản xuất tập trung, thể chế hóa công tác quản lý trên bản đồ số; khuyến khích các cơ sở nhỏ sản xuất giống cùng liên kết thành lập công ty lớn, tập trung nguồn vốn, con người để đầu tư ứng dụng các nghiên cứu vào sản xuất giống thủy sản để phát triển một cách bền vững, đủ khả năng chống chọi mọi tác động từ nhiều yếu tố khách quan, qua đó để mang lại hiệu quả sản xuất kinh doanh cao nhất.

Đến năm 2020, Ninh Thuận phấn đấu đạt sản lượng giống thủy sản 35 tỷ con; trong đó tôm giống 34 tỷ con. Đến thời điểm này, Ninh Thuận vẫn được các tỉnh, thành trong cả nước đánh giá cao cả về sản lượng lẫn chất lượng tôm giống, là một trong những vùng sản xuất giống tập trung lớn nhất cả nước.
Công Thử
Rau quả, thủy sản sẽ hưởng lợi cao nhất từ TPP
Rau quả, thủy sản sẽ hưởng lợi cao nhất từ TPP

Với Việt Nam, cơ hội mở cửa thị trường, đẩy mạnh chế biến, xuất khẩu cao nhờ TPP sẽ đến với nhóm hàng rau quả, thủy sản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN