Giúp người dân tiếp cận tín dụng chính sách

Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh Quảng Trị đã có nhiều sáng tạo để đưa các dịch vụ tín dụng chính sách về các vùng nông thôn còn kém phát triển.

Đưa dịch vụ về gần dân

Ông Nguyễn Đức Đồng, Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Trị cho biết, chi nhánh đã triển khai giao dịch ở tất cả 141 xã, phường, thị trấn trong tỉnh vào một ngày cố định trong tháng, dù là ngày nghỉ hay ngày lễ. Tại các điểm giao dịch, NHCSXH thực hiện giải ngân, thu nợ trực tiếp đến từng người vay; công khai các chế độ chính, danh sách hộ gia đình được vay vốn và dư nợ từng chương trình vay; thông báo các quy định mới, lãi suất, mức vay của các chương trình tín dụng giúp người dân hiểu rõ và đồng thời giám sát việc giải ngân.

Cán bộ NHCSXH kiểm tra sổ vay vốn của chị Hoàng Thị Hòa, thôn Nam Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh.


Đây chính là mô hình đặc thù của NHCSXH trên cả nước giúp chuyển tải vốn chính sách kịp thời, hiệu quả, được nhân dân và chính quyền địa phương đánh giá cao. Tính đến 31/10/2016, tổng dư nợ vốn chính sách trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đạt hơn 2.150 tỷ đồng, với trên 70.000 hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, cho con đi học, xây công trình vệ sinh...

Đặc biệt là sau khi sự cố môi trường xảy ra, chi nhánh đã vận dụng linh hoạt nguồn vốn Trung ương và địa phương để tập trung cho hơn 1.800 hộ thuộc 16 xã (của 4 huyện) bị ảnh hưởng để vay trên 60 tỷ đồng chuyển đổi sinh kế, tạo thêm việc làm và thu nhập.

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Hồ Hồng Hạnh và chị Phan Thị Hoa ở thôn 9, xã Triệu Vân (huyện Triệu Phong), một trong những xã bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển. Từ nguồn vốn vay của chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, anh Hạnh và chị Hoa đã phát triển thành mô hình tổng hợp chăn nuôi, vườn rau màu và rừng trồng trên đất cát bạc màu.

Riêng vườn rau màu, mùa nào thức nấy, anh Hạnh trồng mướp đắng vào mùa hè, trồng đậu, hành, rau ném vào mùa đông. Tâm đắc với vườn rau màu, anh Hạnh nhẩm tính thu nhập quy đổi ít nhất 300 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên anh cho biết để chuyển đổi sang trồng rau màu trên vùng đất cát khô cằn ven biển này thì rất cần nguồn vốn hỗ trợ của NHCSXH.

Người dân đến giao dịch tại Phòng giao dịch huyện Triệu Phong.


Khi người nghèo tiết kiệm

Bên cạnh việc giải ngân đưa nguồn vốn ưu đãi đến với đối tượng chính sách, từ tháng 10/2016 chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Trị đã triển khai dịch vụ huy động tiết kiệm xuống tất cả các xã, phường, thị trấn với mức tiết kiệm nhỏ, phù hợp với người có thu nhập thấp. Để triển khai chương trình này, chi nhánh đã ký kết hợp tác tuyên truyền với các cơ quan truyền thông địa phương, tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã, qua các buổi giao dịch xã...

Kết quả mới chỉ sau 1 tháng, doanh thu tiết kiệm huy động được là gần 1 tỷ đồng. Đây chỉ là số nhỏ so với các ngân hàng thương mại nhưng nếu tính trên các khoản tiết kiệm nhỏ, thậm chí đến 20.000, 50.000 đồng mà các ngân hàng thương mại không “ngó” tới do chi phí cao, thì đây là con số vô cùng ý nghĩa với người nghèo, giúp nâng cao ý thức quản trị tài chính của người dân.

Chị Phạm Thị Thắm, tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Hà Lợi Trung, xã Trung Giang, huyện Gio Linh cho biết, trong các buổi họp bình xét ở tổ hàng tháng, bà con được tuyên truyền đầy đủ nên hiểu rõ việc thực hiện chính sách tín dụng của Nhà nước, sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ và lãi đúng hạn. Tất cả các hộ vay đều tham gia tiết kiệm, đến nay doanh thu là 18 triệu đồng, còn lại chuyển thành trả góp nợ để giảm áp lực khi đến hạn.

Còn chị Hoàng Thị Hòa, tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn Nam Sơn, cũng thuộc xã Trung Giang thì chia sẻ: “Mình vận động bà con tiết kiệm trong sinh hoạt để khi trả nợ sẽ đỡ hơn. Tháng này khó khăn thì tiết kiệm 20.000 đồng, tháng sau có lại tiết kiệm 200.000 - 300.000 đồng. Đến giờ thì bà con đã hình thành thói quen, mỗi tháng ít nhất tiết kiệm 50.000 đồng”.

Một điều đặc biệt nữa mà Giám đốc Nguyễn Đức Đồng cho biết là doanh thu tiết kiệm huy động được sẽ quay vòng trở lại thành nguồn vốn cho hộ nghèo và đối tượng chính sách ở chính địa phương đó vay, tạo nên tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng, được chính quyền địa phương rất ủng hộ.

Ông Nguyễn Văn Ngưỡng, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong khẳng định, trước đây còn có tâm lý vay theo phong trào thì nay đã chuyển hướng vay để sử dụng đúng mục đích. Nhờ đó mà 3 năm trở lại đây dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn xã tăng cao nhưng không có nợ quá hạn, người vay có ý thức tiết kiệm và trả nợ đầy đủ. Nguồn vốn tín dụng này rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi, xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi.

Vợ chồng anh Hồ Hồng Hạnh và chị Phan Thị Hoa chăm sóc vườn rau ném.


Những kết quả đạt được ở cơ sở sẽ là động lực để chi nhánh NHCSXH tinh Quảng Trị tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, như mục tiêu mà Chỉ thị 40 của Ban Bí thư ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã đề ra.
Bài và ảnh: Trần Nguyên Khôi
Ngân hàng Chính sách Xã hội hướng dẫn tạm thời quy trình huy động tiết kiệm
Ngân hàng Chính sách Xã hội hướng dẫn tạm thời quy trình huy động tiết kiệm

Ngân hàng Chính sách Xã hội vừa ban hành Văn bản số 3815/NHCS-KHNV ngày 30/9/2016 về hướng dẫn quy trình nhận và chi trả tiền gửi tiết kiệm bằng đồng Việt Nam tại điểm giao dịch xã.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN