Giữ làng nghề bột truyền thống Sa Đéc

Thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp vốn là một trong những đầu mối trung chuyển lương thực lớn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và là địa phương nổi tiếng với làng nghề làm bột gạo hơn 100 năm tuổi.

Dù trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nhưng với nhiều yếu tố tự nhiên thuận lợi, hơn một thế kỉ qua, con người nơi đây đã tạo nên sản phẩm bột gạo mang những giá trị riêng, khó có nơi nào sánh kịp, góp phần lưu giữ và phát huy một làng nghề truyền thống nổi tiếng nhất vùng.

Ông Võ Thanh Tùng, Chủ tịch UBND TP Sa Đéc cho biết, nghề làm bột gạo tại Sa Đéc có trên 100 năm tuổi. Nếu như trước đây, làng nghề có gần 950 hộ kinh doanh, sản xuất bột thì tại thời điểm này địa phương chỉ còn trên 400 hộ duy trì sản xuất tập trung tại xã Tân Phú Đông, Tân Quy Tây và phường 2.

Theo thống kê, hàng năm, nghề làm bột cung ứng ra thị trường trong và ngoài nước trên 50.000 tấn bột các loại, gồm bột ướt và bột khô, có trên 70 sản phẩm được chế biến sau bột như hủ tiếu, phở, bột bánh xèo, nui,...

Kèm theo đó, làng nghề này cũng tạo được nguồn phụ phẩm để phục vụ cho việc chăn nuôi lợn tăng thêm thu nhập và tạo việc làm cho trên 1.000 lao động tại địa phương.

Gần 30 năm có kinh nghiệm làm nghề bột, ông Phan Phước Sanh, xã Tân Phú Đông chia sẻ, nghề bột ở đây là một nghề tiểu thủ công nghiệp theo kiểu cha truyền con nối. Song, muốn tiếp tục theo đuổi, gìn giữ nghề này cần phải biết thay đổi trình độ sản xuất, cải tiến đổi mới trang thiết bị trong sản xuất để bột đạt chất lượng cao.

Ông Sanh nói thêm, điều quan trọng là phải chọn lọc thật kỹ nguyên liệu đầu vào, đảm bảo gạo phải sạch, không lẫn tạp chất, đồng thời, bột làm ra phải đảm bảo sạch, tiệt trùng, không chất bảo quản, không chất cấm, nhưng phải trắng - trong - dai và mịn.

Ông Bùi Quang Dương, Chủ tịch UBND xã Tân Phú Đông nói, với những đặc tính tự nhiên thơm, dẻo, dai và không bị chua, bột gạo Sa Đéc từng được nhiều thương nhân trong khu vực đánh giá là vùng bột gạo nguyên liệu ngon nhất Đông Nam Á.

Trước đây, người dân làm bột chủ yếu làm bằng thủ công nên sản lượng và chất lượng bột chưa được đảm bảo. Trong những năm gần đây, người dân đã đưa cơ giới hoá quy trình sản xuất nên vừa giảm được công lao động, hạ giá thành sản phẩm, vừa nâng cao sản lượng và uy tín chất lượng của thương hiệu bột Sa Đéc.

Là người tiên phong trong việc chuyển đổi sản xuất bột theo hướng cơ giới hoá, ông Nguyễn Văn Nương, chủ cơ sở sản xuất bột Tư Nương phường 2, thành phố Sa Đéc cho biết, ngày nay, nghề làm bột cần phải cải tiến nhiều loại máy móc thiết bị mới để thay thế dần những dụng cụ thô sơ.

Khi các công việc như vo gạo, xay bột bằng tay được thay bằng máy đã giúp năng suất lao động tăng gấp 4 - 5 lần, chất lượng sản phẩm bột nâng cao, hợp vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng ưa chuộng hơn.

Ông Nương cũng cho biết thêm, mỗi ngày cơ sở của ông cung ứng hơn 1 tấn bột nguyên liệu cho doanh nghiệp chế biến thực phẩm như Công ty cổ phần Thực phẩm Bích Chi; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang; Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại Hòa Hưng. Đây cũng là cơ sở được đánh giá có quy mô và chất lượng đi kèm với sự hiện đại tại làng bột Sa Đéc.

Sử dụng nguồn nguyên liệu địa phương nhiều năm qua, ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm Bích Chi đánh giá cao chất lượng bột Sa Đéc.

Để có được thương hiệu Bích Chi với nhiều sản phẩm sau gạo được tiêu thụ mạnh trên thị trường như hủ tiếu ăn liền, bún khô, bánh phở, bánh canh… không thể phủ nhận được vai trò của nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng.

Theo ông Phạm Thanh Bình, mối liên hệ trong chuỗi sản xuất bột và sản phẩm sau bột là không thể tách rời, trong đó, nguồn nguyên liệu quyết định phần lớn thành công của sản phẩm làm ra.


Quy trình sản xuất tại làng nghề bột Sa Đéc ngày càng được nâng cao, tư duy người làm bột dần được đổi mới. Tuy nhiên, cái khó của làng nghề hiện nay là giá sản phẩm chưa ổn định, khi thăng khi trầm, người dân sản xuất bột còn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nên chưa tìm được thị trường.

Đặc biệt, do gắn với ngành nghề chăn nuôi lợn nên chất lượng vệ sinh môi trường cũng là rào cản để nghề làm bột của Sa Đéc phát triển.

Ông Võ Thanh Tùng, Chủ tịch UBND TP Sa Đéc nhấn mạnh, trước mắt địa phương sẽ định hướng quy hoạch lại khu sản xuất bột, khu chăn nuôi lợn tập trung có diện tích 50ha. Đồng thời, tiến hành liên kết các hộ sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng đều, vừa duy trì sản lượng bột ổn định đảm bảo nguồn cung cho các đối tác.

Bên cạnh đó, địa phương sẽ đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu, quảng bá truyền thông, nhất là gắn với loại hình su lịch cộng đồng theo Đề án của tỉnh là để mọi người đều biết đến làng bột Sa Đéc. Ngoài ra, Sa Đéc chủ trương xây dựng những mô hình thí điểm trong việc làm cho bột sạch hơn để nâng cao chất lượng và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa để đáp ứng thị hiếu khách hàng trong và ngoài nước.

Hơn 100 năm hình thành và phát triển, làng nghề bột đã trở thành một trong những điểm nhấn của thành phố Sa Đéc, sản phẩm từ bàn tay của các nghề nhân làng bột đã đi vào lòng du khách gần xa.

Vì thế, vấn đề đặt ra là cần những cái nhìn đúng đắn, những giải pháp giải quyết những thách thức còn tồn đọng để góp phần gìn giữ và phát huy một làng nghề vốn đã nổi tiếng từ lâu.

Chương Đài (TTXVN)
Các làng nghề Hà Nội đều bị ô nhiễm
Các làng nghề Hà Nội đều bị ô nhiễm

Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Hà Nội vừa tiến hành khảo sát “Việc thực hiện chính sách pháp luật về đảm bảo môi trường tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN