Giàu lên khi vào hợp tác xã

Phát huy lợi thế, Lâm Đồng trở thành vùng đất chuyên canh rau, hoa lớn nhất nước. Hầu hết các hộ nông dân ở Lâm Đồng khi tham gia vào mô hình kinh tế hợp tác xã (nhất là khi có Luật Hợp tác xã năm 2013) đều có giá trị sản xuất từ 1 - 2 tỷ đồng/ha/năm, cá biệt có hộ đạt trên 3 tỷ đồng/ha/năm.

Hiệu quả vượt trội

Lâm Đồng hiện có 103 hợp tác xã (HTX), với tổng vốn điều lệ 178 tỷ đồng, có 8.500 lao động thường xuyên và hai liên hiệp HTX sản xuất rau, hoa và cà phê; trong đó, có 50% số HTX đang hoạt động khá, giỏi mang lại lợi nhuận cho nông dân từ 30% tổng giá trị sản xuất trở lên.

Chủ tịch Liên minh các Hợp tác xã tỉnh Lâm Đồng, ông Phạm Văn Tường cho biết, nông dân Đà Lạt đều có mong muốn tham gia vào HTX vì khi tham gia vào HTX đều cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn và ổn định so với sản xuất và kinh doanh đơn lẻ. Các HTX như Anh Đào, Xuân Hương mỗi năm đều thu hút được nhiều thành viên mới; những hộ nông dân muốn tham gia mới đều tình nguyện nhưng không phải ai cũng được tham gia.

Áp dụng máy gieo hạt vào sản xuất rau giống tại HTX Xuân Hương đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất cho xã viên. Ảnh: Phạm Kha

Đến HTX Xuân Hương, tại khu phố Xuân Hương, phường 9 (thành phố Đà Lạt), ông Trần Đức Quang, Giám đốc HTX Xuân Hương cho biết, năm nay, HTX đã kết nạp thêm 5 hộ nông dân thành viên mới, nâng tổng số hội viên của HTX lên 25 hộ nông dân thành viên. Với 7 ha đất sản xuất, HTX có đủ khả năng cung cấp đến 600 tấn rau, củ mỗi năm cho thị trường.

Từ năm 2010 đến nay, đặc biệt từ năm 2013, sau khi Luật Hợp tác xã mới ra đời, đơn vị này đã kinh doanh có hiệu quả hơn rất nhiều. Từ chỗ giá trị sản xuất từ 300 - 400 triệu đồng/ha/năm đã được nâng lên 500 - 600 triệu đồng/ha/năm và hiện đã trên 1 tỷ đồng/ha/năm; cá biệt với nhiều loại rau nhẹ cân nhưng giá trị lớn, nhiều hộ nông dân đạt giá trị đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm.

Còn tại HTX Anh Đào (đường Nguyễn Công Trứ, TP Đà Lạt) mỗi ngày đều tấp nập hàng chục xe tải ra vào vận chuyển rau, củ, quả đi khắp các thị trường trong nước. Chị Huỳnh Thanh Loan là hội viên HTX Anh Đào từ 6 năm nay cho biết, từ ngày gia nhập HTX, công việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ổn định, mang lại giá trị cao hơn nhiều so với khi hộ gia đình tự sản xuất và mua bán đơn lẻ.

Theo Phó Giám đốc HTX Anh Đào, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, HTX Anh Đào có 22 hộ thành viên và 80 hộ nông dân liên kết; tổng diện tích đất canh tác 280 ha. Mỗi năm, HTX cung ứng sản lượng rau, củ, quả lên đến 42.000 tấn cho thị trường của 52 tỉnh, thành trong cả nước và một số nước khác. Tổng doanh thu của HTX trong năm 2014 đạt 170 tỷ đồng. Các hộ nông dân thành viên và liên kết với HTX đều có giá trị sản xuất từ 1,8 - 2 tỷ đồng/ha/năm; tỷ suất lợi ở mức 30% giá trị và ngày một tăng cao.

Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết cũng cho biết, Luật Hợp tác xã năm 2013 đã tạo thêm nhiều động lực, điều kiện cho HTX Anh Đào phát triển. “Chúng tôi được ưu đãi nhiều loại thuế cũng như các điều kiện hoạt động thông thoáng hơn”.

HTX Anh Đào được thành lập dựa trên vốn góp của thành viên và cổ tức được chia theo tỷ lệ vốn góp vào cuối năm. Trong khi đó, Hợp tác xã Xuân Hương lại hoạt động theo hướng khác. HTX nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm của hộ thành viên và thu lại 5% giá trị sản phẩm.

Ràng buộc bằng chất lượng

Theo ông Trần Đức Quang, Giám đốc HTX Xuân Hương, hiện nay các hộ nông dân ở địa bàn khác nhau đều có thể tham gia cùng một HTX nếu có cùng những chủng loại sản phẩm, cùng hướng phát triển phù hợp. Người đứng đầu HTX nông nghiệp tại Lâm Đồng hiện nay đa phần là thành viên chủ chốt của HTX, có đất sản xuất. Do đó, có sự gắn kết rất chặt chẽ với hộ thành viên. Tuy nhiên, điều đặc biệt là người đứng đầu HTX đều có khả năng tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho hàng hóa do hợp tác xã sản xuất ra. Điều này thì hiếm nông dân có khả năng.

Ông Quang khẳng định, phải lăn lộn là điều bắt buộc, đi tìm kiếm thị trường, ký kết hợp đồng khắp nơi; xây dựng thương hiệu, quảng bá thương hiệu, ngày càng mở rộng thị trường… là điều cực khó. Các HTX có thể hoạt động theo cách khác nhau nhưng tựu trung là đều có sự ràng buộc và cụ thể nhất là đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết cho hay, tất cả các HTX đều sản xuất theo quy trình, quy chuẩn VietGap để đảm bảo chất lượng sản phẩm đến với người tiêu dùng. Đó là ràng buộc duy nhất.

Các HTX này đều có hợp đồng mua bán nhiều năm với các tổ chức, tập đoàn, siêu thị lớn trong cả nước. Do đó, việc quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm được đặt lên hàng đầu. Nếu có sản phẩm không vượt qua được hàng rào kỹ thuật thì sẽ dẫn tới mất hợp đồng.

“Không thể đi kiểm tra từng khâu sản xuất của từng hộ nông dân. Nhưng tiêu chí duy nhất đó là phải đảm bảo được chất lượng sản phẩm để giữ vững thương hiệu là sản xuất theo quy trình VietGap. Các hộ nông dân đều có sổ theo dõi suốt quá trình sản xuất và chúng tôi vận động nông dân ghi đúng những gì mình làm”, ông Quang nói.

Rõ ràng, mô hình kinh tế HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đang phát huy thế mạnh, tận dụng được sức mạnh tập thể để nâng cao giá trị kinh tế cho từng hộ dân. Nếu thương hiệu của mỗi hợp tác xã phát triển mạnh thì thương hiệu chung về rau, hoa Đà Lạt cũng ngày càng vững mạnh.

Chủ tịch Liên minh các Hợp tác xã tỉnh Lâm Đồng, ông Phạm Văn Tường cho biết, sau khi có Luật Mô hình kinh tế HTX tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ về trụ sở; thành lập quỹ mô hình kinh tế HTX với số vốn 6 tỷ đồng cho vay luân phiên giúp các hợp tác xã mới thành lập có điều kiện hoạt động. Liên minh các Hợp tác xã tỉnh đang xem xét 4 hồ sơ đề nghị thành lập hợp tác xã mới. Điều này phần nào cho thấy mô hình HTX mang lại nhiều lợi ích cho nông dân và ngày càng có nhiều nông dân muốn thành lập hoặc gia nhập các mô hình kinh tế HTX.


Phạm Kha
Hợp tác xã… “ba không”
Hợp tác xã… “ba không”

Việc xây dựng mô hình hợp tác xã (HTX) nông nghiệp kiểu mới theo Luật HTX năm 2012 hoàn toàn không phải là điều dễ dàng nếu như không thoát khỏi những “ám ảnh” về sự yếu kém, bất cập của phương thức hợp tác kiểu cũ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN