Đột phá thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông:

Giao thông được mùa... vốn

Năm 2014, cùng với nguồn vốn cho hạ tầng giao thông tăng nhanh thì vấn đề chất lượng công trình cũng được quan tâm hơn. Các công trình sau khi đưa vào khai thác đã làm thay đổi diện mạo hệ thống hạ tầng giao thông so với nhiều năm trước đây, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân.

Nghìn tỷ ”rải”… đường

Lãi suất cho vay khá hấp dẫn đã kích thích các doanh nghiệp (DN) vay vốn đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, BT. Khi mà nhiều lĩnh vực sản xuất khác khó khăn thì xây dựng hạ tầng giao thông đang “phát” trở lại. Có thể dễ dàng nhận thấy điều này khi các dự án làm đường giao thông đang trở thành những đại công trường ở khắp nơi từ quốc lộ, đến tỉnh lộ. Nguồn vốn của hệ thống ngân hàng (NH) đang đầu tư khá nhiều, không chỉ cho các tuyến giao thông huyết mạch như quốc lộ 1 mà còn cả những đường tỉnh lộ.

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả kinh tế của 5 tỉnh, thành phố đi qua. Ảnh: Tiến Hiếu


Hàng loạt những dự án giao thông trọng điểm có đóng góp vốn của hệ thống NH mới khởi công gần đây, như dự án “Đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, Hà Nội theo hình thức BOT” được VietinBank cam kết cho vay 5.909 tỷ đồng trên tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng. Dự án do liên danh nhà đầu tư của Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng Minh Phát, Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành. Cuối tháng 8 vừa qua, VietinBank cũng đã cho vay 1.688 tỷ đồng cho dự án "Mở rộng quốc lộ 1 qua tỉnh Ninh Thuận và Nhà máy nước Tân Hiệp (giai đoạn 2) cho chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh.

Một “ông lớn” khác trong ngành ngân hàng là Vietcombank cũng đã thu xếp vốn với tổng mức đầu tư cho dự án là 10.413 tỷ đồng, trong đó giá trị đầu tư cho giai đoạn 1 là 4.598 tỷ đồng với đường giao thông từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn - Thanh Hóa. Dự án này đã khởi công vào cuối tháng 8, theo hình thức hợp đồng BT… Không chỉ các ngân hàng nhà nước lớn, mà ngay cả khối NH cổ phần nhỏ hơn cũng rất tích cực cung ứng vốn cho giao thông. SHB quyết định cho Công ty cổ phần Xây dựng số 2 vay gần 1.300 tỷ đồng trong thời hạn 15 năm với lãi suất ưu đãi để cải tạo, nâng cấp QL38 (đoạn nối QL1 và QL5 qua địa phận tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương). Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB cho biết, tham gia tài trợ vốn tín dụng cho dự án là một trong những việc cụ thể hóa Đề án liên kết 4 nhà (Nhà đầu tư - nhà thầu - nhà cung cấp vật liệu xây dựng - ngân hàng), do NHNN chủ trì mà SHB đã ký kết.

Nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài với 28 cầu cổng khách trực tiếp ra máy bay được khánh thành ngày 31/12/2014. Ảnh: Tiến Hiếu


Phó tổng giám đốc một NHTM Nhà nước cho biết, trong bối cảnh hiện nay, nguồn vốn cho vay sản xuất các mặt hàng thiết yếu tăng chậm, thì cho vay các dự án hạ tầng giao thông như làm đường sẽ có lợi cho cả NH và DN. Đặc biệt, cơ cấu vốn huy động trung và dài hạn hiện nay đã khá hơn nên những dự án giao thông kéo dài 10 - 15 năm thì nhiều NH có thể đáp ứng được vốn.

Thực tế nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng của Việt Nam rất lớn. So với nhiều nước trong khu vực, hạ tầng giao thông của Việt Nam vẫn là điểm nghẽn, cản trở không nhỏ tới phát triển kinh tế. Mặt khác, hiện nay lãi suất cho vay của các NHTM với những dự án lớn là khá hấp dẫn. Chẳng hạn so với đầu tư trái phiếu Chính phủ lãi suất khoảng 7,5 - 8%/năm với kỳ hạn 10 năm thì NH cũng có thể cho vay dự án giao thông với lãi suất khoảng 10%/ năm với kỳ hạn 10 - 15 năm, điều này đã kích thích các DN vay vốn đầu tư hạ tầng theo phương thức BOT, BT. Ngoài ra, sự đóng góp của các NHTM với lĩnh vực hạ tầng giao thông còn thể hiện gián tiếp qua kênh trái phiếu Chính phủ. Khi NH tích cực mua trái phiếu cũng tạo điều kiện để ngân sách tăng giải ngân vốn cho các công trình hạ tầng trọng điểm, kích thích phát triển các ngành nghề liên quan. Vì khi đường mở ra đến đâu thì theo đó nhà cửa, xí nghiệp, khu công nghiệp… “mọc” theo đến đó.

Ưu tiên những dự án huyết mạch

Hiện nay đa số các dự án giao thông được thực hiện với hai hình thức là hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) và hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tasco (một DN lớn về xây dựng hạ tầng giao thông và bất động sản) cho biết, thời gian vừa qua các NH tài trợ vốn, giúp DN thành công hàng loạt dự án ở tỉnh Thái Bình và Nam Định và các tỉnh lân cận. Công ty đang thực hiện dự án đường 39 tỉnh lộ của Thái Bình, dự án được Chính phủ ủy quyền cho UBND tỉnh Thái Bình điều hành theo hình thức BT và Chính phủ cam kết bằng trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách khó khăn nên dự án chỉ được cấp 1.437 tỷ đồng, trong tổng số vốn đầu tư 2.602 tỷ đồng.

Cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải đã thu hút được tàu trọng tải trên 100.000 tấn vào xếp dỡ hàng hóa. Ảnh: TTXVN


“Hiện nay còn khoảng 20 km đường đang lầy lội nhưng chưa có nguồn vốn thực hiện. Chúng tôi mạnh dạn đề xuất đoạn đường này chuyển sang xây dựng theo hình thức BOT, nhưng đầu tư theo hình thức BOT với điều kiện thu hồi vốn 20 năm thì số vốn cần vay ngân hàng khoảng 700 tỷ đồng - một số tiền không nhỏ nên cũng khó huy động đủ” - ông Phạm Quang Dũng cho biết và kêu gọi các NH đầu tư cho vay một dự án khác mà Tasco đang đầu tư là mở rộng 6 km đường tránh qua thị trấn Đông Hưng (Thái Bình) trên quốc lộ 10 với số vốn đầu tư 400 tỷ đồng.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng, phát triển các dự án giao thông hiện nay là số một, bởi muốn phát triển kinh tế - xã hội thì hạ tầng giao thông phải thuận lợi. Các NH cũng quan tâm tới các dự án giao thông nhưng cho vay phải tính đến hiệu quả. “Đối với hình thức đầu tư BOT, các NH phải tính đến các dự án có tính huyết mạch, lưu lượng xe cộ qua lại lớn. Nhu cầu phát triển giao thông là có và quan trọng, nhưng NH phải ưu tiên cho các dự án giao thông cấp bách, giải quyết lưu lượng giao thông lớn thì mới có nguồn thu và khả năng hoàn trả lại vốn cho NH mới được bảo đảm”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình lưu ý.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, chưa có năm nào hệ thống NH dành nhiều vốn cho giao thông như năm nay. Năm 2011 và 2012 và nửa đầu năm 2013, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã kêu thiếu vốn làm đường. Nhưng thời điểm đó, chúng ta đang kiềm chế lạm phát, cắt giảm đầu tư công, lãi suất NH cao. Các NH cho DN vay với lãi suất hơn 20%/năm nên vay xây dựng đường giao thông không chịu nổi. Từ cuối năm 2013 tình hình nguồn vốn ngân hàng dành cho giao thông đã tốt lên. Từ năm 2014 đến nay, tổng số nguồn vốn mà hệ thống NH đầu tư cho giao thông trên toàn quốc là trên 480 nghìn tỷ đồng, phần lớn là dự án đầu tư theo phương thức BOT và BT. “Thời gian qua, chúng ta khởi công xây dựng rất nhiều tuyến quốc lộ và đường cao tốc trên toàn quốc. Có thể nói chưa khi nào các dự án giao thông làm mạnh thế”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng:

“Việc bảo đảm chất lượng và tiến độ xây dựng công trình giao thông là nhiệm vụ luôn được Bộ GTVT đặt lên hàng đầu. Hiện nay, Bộ GTVT đã thực hiện tăng thời hạn bảo hành công trình lên gấp đôi thời gian so với quy định, từ 2 năm nâng lên 4 năm và trước khi hết hạn bảo hành 3 tháng, Bộ GTVT sẽ lập đoàn kiểm tra, nếu có hiện tượng sẽ yêu cầu sửa chữa ngay, chi phí hoàn toàn do nhà thầu chịu. Giải pháp này sẽ khiến các nhà thầu, nhà đầu tư không dám làm bừa, làm ẩu, chất lượng công trình cũng từ đó được tăng lên”.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường:

“Việc đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp, hiện đại vào năm 2020 đề ra. Với chất lượng được các nhà đầu tư cam kết thực hiện ngay từ khi khởi động, các công trình sau khi đưa vào khai thác đã làm thay đổi diện mạo hệ thống hạ tầng giao thông so với nhiều năm trước đây, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần giảm được ùn tắc giao thông, giảm áp lực vận tải cho các đô thị”.

Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông Trần Xuân Sanh:

Nhiệm vụ trọng tâm năm 2015 tới trong lĩnh vực quản lý chất lượng công trình của ngành GTVT là bám sát chỉ đạo theo các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ có liên quan đến đầu tư xây dựng của ngành GTVT, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính hạn hẹp hiện nay. Do đó, ngành GTVT sẽ tiếp tục thực hiện Năm “Chất lượng các công trình giao thông” với chủ đề “Kỷ cương - Chất lượng - Tiến độ”, trong đó siết chặt quản lý trách nhiệm đối với các ban quản lý dự án, chủ đầu tư và tư vấn giám sát. Các văn bản quy phạm pháp luật đã được Bộ GTVT ban hành về tăng cường quản lý chất lượng công trình sẽ được áp dụng triệt để vào thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cao hơn về quản lý chất lượng, tiến độ, giá thành công trình.



 Tiến Hiếu - Đức Nghiêm
Chất lượng luôn là ưu tiên số một
Chất lượng luôn là ưu tiên số một

Năm 2014, Bộ GTVT đã tiếp tục hoàn thành, đưa vào vận hành hơn 50 công trình hạ tầng đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường không trọng điểm vượt tiến độ, đảm bảo chất lượng và tạo động lực phát triển kinh - tế xã hội cho các địa phương...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN