Gian nan quản lý chất lượng vật tư nông, lâm, thủy sản

Hành vi vi phạm chất lượng vật tư nông, lâm, thủy sản hiện không còn đơn thuần là gian lận chất lượng, mà còn là vi phạm về điều kiện sản xuất, nhãn mác... Trong khi đó, ngành nông nghiệp đang thiếu hẳn lực lượng thanh tra chuyên ngành. Hệ quả là số vụ vi phạm bị phát hiện rất ít.

Lực lượng thanh tra vừa thiếu, vừa yếu

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong vụ đông xuân năm 2010, Cục Trồng trọt đã kiểm tra hơn 720 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng; qua đó phát hiện và xử phạt hành chính 24 cơ sở, cá nhân vi phạm với số tiền gần 80 triệu đồng. Bên cạnh đó, kết quả kiểm tra phân bón tại các địa phương cũng cho thấy tình trạng đáng lo ngại khi mà số mẫu phân bón kém chất lượng chiếm khoảng 50%.


Phân bón giả bị lực lượng chức năng TP Hồ Chí Minh phát hiện thu giữ. Ảnh: Thế Vinh - TTXVN


“Các cơ sở này không chỉ đơn thuần chưa đảm bảo chất lượng mà còn vi phạm về nhãn mác. Trong khi đó, số vụ vi phạm bị phát hiện là rất nhỏ so với thực tế vì lực lượng thanh tra rất mỏng, ví dụ ở tỉnh Đắk Lắk, mỗi năm tiêu thụ 800.000 tấn phân bón, trong khi thanh tra Sở chỉ có 5 người”, ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết.

Theo Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, các lỗi vi phạm chủ yếu của các hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp là khu vực kinh doanh và kho chứa không đúng tiêu chuẩn, vệ sinh lao động chưa đảm bảo, kinh doanh lẫn với hàng hóa thực phẩm...

“Các hộ kinh doanh chưa áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, không tuân thủ các quy định về ghi nhãn hàng hóa, không có biện pháp bảo vệ môi trường…”, ông Phùng Hữu Hào, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản cho biết.

Theo ông Hào, chỉ tính riêng nhóm hàng thủy sản, khi tiến hành kiểm tra tại 24 tỉnh, thành phố đã có tới 60% số cơ sở chưa đạt yêu cầu, lỗi vi phạm, chủ yếu là khoảng cách cơ sở chế biến với khu dân cư chưa đạt yêu cầu, chưa áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, thiếu biện pháp bảo vệ môi trường. Riêng với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, hầu hết các cơ sở đều không có trang thiết bị kiểm soát chất lượng, quy phạm vệ sinh lao động chưa đảm bảo.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), hiện cả nước có khoảng 200 công ty kinh doanh và 29.000 cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật. Hàng năm, Cục đều tiến hành thanh, kiểm tra khoảng 50 - 60% số cửa hàng kinh doanh các mặt hàng này, xử phạt thu nộp ngân sách nhà nước 2 - 3 tỷ đồng.

“Kiểm tra các lô hàng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu cho thấy, khoảng 5% số lô không đạt yêu cầu chất lượng, buộc phải tái xuất...”, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết.

Theo quy định của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), việc giết mổ gia súc, gia cầm phải có giấy phép hành nghề nhưng tại các vùng nông thôn hầu như không thực hiện quy định này. Vì việc cấp phép giết mổ không thống nhất, nơi thì giao cho ngành công thương, nơi thì giao cho ngành y tế nên không rõ trách nhiệm. Đến nay Cục Thú y vẫn chưa thành lập được phòng an toàn thực phẩm, kiểm soát chất lượng gia súc, gia cầm. Còn bản thân cán bộ thú y cũng chỉ có thể tham mưu cho chính quyền xã để xử phạt chứ không có quyền hạn để xử phạt.

Tăng cường kiểm soát

Để kiểm soát chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm nông sản, ngày 29/3/2011, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT quy định kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

Thông tư sẽ tạo ra hành lang pháp lý thống nhất quy định việc thống kê, kiểm tra, đánh giá phân loại cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của ngành. Việc kiểm soát sẽ hiệu quả hơn vì cơ sở kinh doanh, sản xuất ở địa phương, cấp nào cấp phép thì cấp đó quản lý, kiểm tra. Các mức lỗi cũng được phân loại cụ thể, chia thành 3 mức: Nhẹ, nặng và nghiêm trọng; 3 mức phân loại: A (tốt), B (đạt) và C (không đạt). Còn việc tiến hành kiểm tra sẽ bao gồm cả cấp trung ương, tỉnh, huyện và xã.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, năm 2011 được Bộ chọn là năm chất lượng, trong đó bao gồm cả chất lượng nông sản thực phẩm và chất lượng vật tư nông nghiệp. Do vậy, để làm tốt công tác quản lý, chúng ta cần có một bộ tiêu chí thống nhất để triển khai đồng loạt ở tất cả các tỉnh, thành phố.

"Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng hoàn thành các văn bản hướng dẫn các tiêu chuẩn, quy chuẩn làm cơ sở cho các địa phương thực hiện. Đồng thời các địa phương cần rà soát toàn bộ hệ thống cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông, lâm, thủy sản để phục vụ cho việc quản lý", Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết.

Theo ông Phùng Hữu Hào, quản lý theo chuỗi có hệ thống từ cơ sở sản xuất, kinh doanh, tới tay người tiêu dùng sẽ mang lại hiệu quả. Những cơ sở chưa đạt yêu cầu sẽ bị tăng cường kiểm tra, hướng dẫn. Những cơ sở thực hiện tốt chỉ bị kiểm soát 1 lần/năm. Trong điều kiện nguồn nhân lực còn thiếu và yếu như hiện nay, thì cách tiếp cận này sẽ góp phần giải quyết được những tồn tại bấy lâu nay trong lĩnh vực quản lý chất lượng vật tư nông, lâm, thủy sản.

Hữu Vinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN